Mua gì hôm nay? TNG - Xu hướng phục hồi mạnh mẽ
Qua những nhịp điều chỉnh của thị trường, TNG cho thấy dòng tiền bắt đáy vẫn tích cực khi giá xuống dưới MA50 và giá nhanh chóng hồi phục.
VCBS phân tích cổ phiếu TNG
Phân tích kỹ thuật cổ phiếu TNG, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định diễn biến của TNG cho thấy nền tảng tích lũy chặt chẽ tại sau khi một lần nữa kiểm tra thành công vùng nền 17.200 đồng/cp, tạo nến Marubozu tăng điểm sau 4 phiên đảo chiều đóng cửa trong sắc đỏ liên tiếp.
Khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên của TNG đã có tín hiệu cải thiện trở lại đáng kể sau hơn 50 phiên tích lũy với nền tảng chặt chẽ.
Qua những nhịp điều chỉnh của thị trường, TNG cho thấy dòng tiền bắt đáy vẫn tích cực khi giá xuống dưới MA50 và giá nhanh chóng phục hồi và đóng cửa trên trên MA10 và MA20 tại phiên 11/4.
Hiện tại TNG đang tích lũy tại vùng nền thấp trong vùng giá 17.200 - 17.500 đồng/cp với lượng thanh khoản trên ngưỡng trung bình giúp củng cố xu hướng cổ phiếu.
RSI trên khung 1H đã có tín hiệu tạo đáy ngắn hạn tại 35 và MACD đang trên xu hướng cắt lên đường tín hiệu giúp TNG củng cố xu hướng phục hồi tích cực.
Trước đó, Chứng khoán BSC cũng đã ra khuyến nghị MUA cổ phiếu TNG với giá mục tiêu 21.700 đồng, (+24% so với mức giá ngày 17/04/2023) cho năm 2023 dựa trên hai phương pháp FCFE và PE với tỷ trọng 50%/50% dựa trên triển vọng khả quan cho đơn hàng của TNG. Luận điểm đầu tư bao gồm:
(1) Ngành dệt may xuất hiện tín hiệu hồi phục sớm hơn so với quan điểm trước đó của BSC.
Doanh số bán lẻ thị trường Mỹ cải thiện
Trong tháng 1, doanh số bán lẻ ở Mỹ tăng 3% so với tháng trước, cao hơn mức kỳ vọng 0.8%. Đây cũng là mức tăng sau 2 tháng liên tiếp (tháng 11 và tháng 12) doanh số bán lẻ suy giảm. Trong đó, doanh số mảng quần áo tăng trưởng khoảng 2,5%.
Tại Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng lao động ngành dệt may tại một số tỉnh thành đang khả quan trở lại sau Tết. Trái với khung cảnh các lao động bị mất việc hàng loạt trong các tháng cuối năm 2022, trong hai tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp ngành dệt may tại một số tỉnh thành có nhu cầu tuyển dụng trở lại để bù đắp lượng lao động trong khi đơn hàng truyền thống vẫn có (tuy có suy giảm cùng kỳ).
(2) TNG đảm bảo được lượng đơn hàng trong bối cảnh các doanh nghiệp cùng ngành suy giảm nhờ tập khách hàng ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề tồn kho.
Theo BSC, TNG ở vị thế vượt trội so với ngành khi tập khách hàng của công ty ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề tồn kho cao. Nhìn chung tính đến quý gần nhất của năm 2022, tập khách hàng của TNG đều duy trì mức tiêu thụ thành phẩm tốt hoặc mức tồn kho tương đối thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành.
(3) Định giá TNG hiện đang ở mức rẻ so với triển vọng kết quả kinh doanh
Kết quả kinh doanh TNG
Kết quả kinh doanh năm 2022 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HoSE: TNG) tiếp tục tăng trưởng mạnh. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lần lượt 6.778 tỷ đồng (tăng 24,5%) và 292 tỷ đồng (tăng 25,3%) nhờ đơn hàng ổn định từ những đối tác chính và tập khách hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi vấn đề tồn kho.
Ngoài ra, TNG dự kiến sẽ mở rộng thêm 26 chuyền may trong 2023 và đồng thời đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 7.500 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ) và 337 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ) cho thấy sự tự tin về việc lấp đầy các đơn hàng trong bối cảnh còn nhiều thách thức của ngành dệt may. Do vậy, BSC kỳ vọng đơn hàng từ những đối tác chính sễ tiếp tục duy trì trong giai đoạn nửa đầu năm và tăng trưởng trong giai đoạn nửa sau của năm 2023.
Hiện tại, TNG đang được giao dịch ở mức P/E năm 2023 là 5,9 lần thấp hơn nhiều so với mức trung vị ngành và một năm là 7,5 và 8 lần. Xét về triển vọng kinh doanh trong 2023, BSC đánh giá đây là mức định giá thấp do hiện tại TNG vẫn đảm bảo được đơn hàng nhờ tập khách hàng ổn định trong khi đơn hàng của các doanh nghiệp khác giảm từ 23% - 27% theo đại diện Hiệp hội Dệt may.
Nguồn: BSC
BSC dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2023 của TNG đạt 7.698 tỷ đồng (tăng 13,6%) và 336 tỷ đồng (tăng 15,2%) dựa trên giả định doanh thu tiếp tục tăng trưởng từ nhu cầu của khách hàng chính là Decathlon, Columbia và Haddad.
BSC dự phóng giá trị đơn hàng dệt may tăng trưởng 10%. Doanh thu từ thương hiệu thời trang nội địa không tăng trưởng. Chi phí lãi vay tăng 31% so với cùng kỳ phản ánh tác động từ môi trường lãi suất tăng cao, tuy nhiên biên lợi nhuận sau thuế duy trì ở mức 4,3% tương đương so với 2022 do chi phí SG&A không tăng mạnh nhờ cơ cấu khách hàng không đổi và chi phí quản lý được tối ưu khi TNG ứng dụng công nghệ vào trong quá trình quản lý.
Nguồn: BSC
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận