Mua được Twitter rồi, giờ Elon Musk tính làm gì?
Nhà sáng lập Tesla luôn cho rằng mình là đại diện của phong trào tự do ngôn luận và cam kết Twitter sẽ không chối bỏ những chủ đề gây tranh cãi.
Mới đây, nhà sáng lập Tesla đã chi tới 44 tỷ USD mua Twitter và nhiều người trên thế giới tò mò vị tỷ phú này sẽ làm gì với mạng xã hội có hơn 200 triệu người tương tác hàng ngày này.
Dưới đây là những cam kết mà Elon Musk từng tuyên bố sẽ thực hiện khi sở hữu Twitter:
Nới lỏng quy định
Nhà sáng lập Tesla luôn cho rằng mình là đại diện của phong trào tự do ngôn luận và cam kết Twitter sẽ không chối bỏ những chủ đề gây tranh cãi.
Trong hội nghị TED tại Vancouver, tỷ phú Musk thừa nhận những bình luận hay chủ đề chưa vi phạm pháp luật thì không nên bị xóa khỏi mạng xã hội.
"Nếu chủ đề đó vẫn trong vùng xám (chưa rõ có vi phạm pháp luật hay không) thì hãy để yên bài đăng ở đấy", Elon Musk tuyên bố.
Những tuyên bố này của Elon Musk làm dấy lên lo ngại về những hiểm họa mà Twitter mang lại nếu dỡ bỏ các quy định về nội dung. Hiện nay mạng xã hội này đang cấm các nội dung có liên quan đến bắt nạt, bạo lực hay gây tổn thương đến người khác. Đồng thời Twitter cũng có quy định chặt chẽ về chống lan truyền thông tin giả liên quan đến Covid-19.
Tờ NPR cho biết nhiều chuyên gia lo ngại việc dỡ bỏ những quy định cũ này sẽ gây tổn thương đến xã hội, lan truyền tin giả cũng như gây chia rẽ trong cộng đồng. Xin được nhắc là Twitter dù có lượng người dùng ít hơn Facebook và doanh thu quảng cáo không bằng Youtube nhưng lại là mạng xã hội có ảnh hưởng rất lớn tại Mỹ.
Đây là mạng xã hội có rất nhiều chính trị gia hay người nổi tiếng bày tỏ quan điểm, gây tranh cãi trong cộng đồng. Trước đây, Cựu Tổng thống Donald Trump là một trong những người rất ưa thích bày tỏ quan điểm trên Twitter thay vì kênh truyền thông truyền thống.
Bản thân Elon Musk cũng rất thích bày tỏ quan điểm trên Twitter về nhiều thứ, từ tiền số đến cà khịa doanh nhân khác. Thế nhưng với những quy định mới của mạng xã hội này, Elon Musk sẽ khó có thể đăng đàn diễn thuyết tiếp nếu không có hành động.
Sửa bài đăng
Một trong những lý do khiến nhiều chính trị gia và người nổi tiếng đăng đàn tranh cãi trên Twitter cũng như ảnh hưởng người dân Mỹ nhiều hơn các trang mạng xã hội khác là do không có nút sửa bài. Trái với Facebook, Instagram, người dùng Twitter sẽ phải xóa bài đăng lại nếu phát hiện có lỗi chính tả.
Mặc dù yếu tố này khiến Twitter khác biệt và nổi tiếng nhưng chúng cũng khiến nhiều người khó chịu, đề nghị được thay đổi. Bản thân tỷ phú Musk cũng ủng hộ việc có nút sửa bài đăng dù yêu cầu này gây tranh cãi dữ dội.
Công khai thuật toán
Nhà sáng lập Tesla từng bày tỏ quan điểm rằng Twitter nên công khai thuật toán để người dùng có thể thấy các nội dung được lan truyền trên mạng xã hội như thế nào. Tỷ phú Musk cho rằng Twitter nên công khai thuật toán trên GitHub, một trang chia sẻ mã code cho những lập trình viên trên toàn cầu.
Trong khi đề nghị này được cho là giúp Twitter minh bạch hơn thì một số chuyên gia nhận định chúng chẳng giúp gì nhiều bởi mạng xã hội này phải xử lý hàng tỷ nội dung mỗi ngày. Để có thể hiểu được tại sao và làm thế nào mà một nội dung trở nên thu hút còn khiến cho chính các kỹ sư của Twitter phải đau đầu chứ đừng nói là những người ngoài.
Chống nick ảo
Tỷ phú Musk là một trong những người ủng hộ việc chống lại các tài khoản giả mạo hay những nick ảo, được lập nên vì mục đích tăng tương tác hay quảng cáo.
"Nếu thương vụ thành công thì chúng tôi sẽ cố gắng bất cứ giá nào để tiêu diệt nạn nick ảo", Elon Musk đăng trên Twitter.
Từ bỏ quảng cáo?
Hiện nay, gần 90% doanh thu của Twitter đến từ quảng cáo nhưng mạng xã hội này lại đang gặp nhiều khó khăn để thu hút thêm hợp đồng do có quá nhiều nội dung tranh cãi về chính trị, tẩy chay hay bôi nhọ các thương hiệu.
Với việc Elon Musk mua lại Twitter, mạng xã hội này sẽ giảm bớt được áp lực tìm kiếm doanh thu từ quảng cáo khi đã có "ông bầu" giàu nhất thế giới. Thêm nữa, chính Elon Musk cùng từng nói Twitter nên dịch chuyển dần khỏi mô hình kinh doanh dựa vào quảng cáo.
Twitter hiện đã có 1 số bước đi nhằm giảm mở rộng nguồn thu như ra mắt dịch vụ Twitter Blue với giá 2,99 USD/tháng, qua đó người dùng có thể rút lại bài đăng trong khoảng thời gian nhất định trước khi được chính thức gắn lên trang.
Tỷ phú Musk từng cho biết dịch vụ Twitter Blue này nên có giá rẻ hơn cùng nhiều tính năng hơn nữa như không có quảng cáo hoặc có thể thanh toán bằng tiền số hàng tháng.
Donald Trump
Với việc ủng hộ những tranh luận tự do trên Twitter, nhiều người cho rằng Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể trở lại mạng xã hội này sau khi ông bị khóa tài khoản vì liên quan đến vụ tấn công tòa nhà quốc hội tháng 1/2022. Tuy nhiên nhà sáng lập Tesla chưa có tuyên bố chính thức nào.
Ở phía bên kia, Cựu Tổng thống Trump từng nhận định Musk là một "Người đàn ông tốt", đồng thời chúc mừng nhà sáng lập Tesla mua lại được Twitter. Thế nhưng Cựu Tổng thống Trump cũng cho biết mình không có kế hoạch trở lại trang mạng xã hội này, thay vào đó ông sẽ tập trung phát triển nền tảng mạng xã hội của riêng mình mang tên Truth Social.
"Khi thương vụ đã hoàn thành thì chúng tôi cũng chưa biết nền tảng này sẽ đi theo hướng nào nữa", CEO Parag Agrawal của Twitter nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận