Mùa đại hội cổ đông 2023: Doanh nghiệp tập trung giữ vững nền tảng
Thông điệp nhất quán được thể hiện ở các đại hội cổ đông thường niên - đang vào giai đoạn cao điểm - là cân nhắc kỹ quyết định đầu tư, tập trung quản trị rủi ro và phát triển bền vững. Cũng giống như các giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn trước đây, không ít doanh nghiệp đang chờ đợi nắm bắt cơ hội để bứt phá.
Làm thực, ăn thực
Bối cảnh kinh doanh khó khăn của năm 2023 buộc các doanh nghiệp phải “năng nhặt, chặt bị”, chấp nhận biên lãi mỏng để có dòng tiền, có việc làm cho người lao động. Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex cho biết, mảng xây lắp gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu, nhân công tăng, biên lợi nhuận chỉ đạt khoảng 2 - 3%. Tính đến thời điểm này, riêng giá trị các gói thầu dự án đầu tư công của Vinaconex đã đạt gần 10.000 tỷ đồng.
Chuyển hướng mạnh sang lĩnh vực có dòng tiền cũng là định hướng của Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi), với giá trị các hợp đồng tồn lại (backlog) là 9.200 tỷ đồng, trong đó bất động sản là 6.400 tỷ đồng, trang trại điện năng lượng mặt trời 397 tỷ đồng, điện gió 1.800 tỷ đồng, hạ tầng giao thông 300 tỷ đồng.
Ngoài mảng thi công hạ tầng, Tracodi cũng hướng tới mô hình chủ đầu tư dự án để hưởng lợi ích kép. Hiện Công ty tập trung triển khai 3 dự án hạ tầng: Một là dự án tuyến cao tốc Gò Dầu – Xa Mát (Tây Ninh), Tracodi đã phối hợp hoàn thành báo cáo tiền khả thi, UBND tỉnh Tây Ninh đã tiến hành thẩm tra, hiện UBND tỉnh và các bộ, ban, ngành đang nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2023.
Theo lộ trình, dự án sẽ được phê duyệt chủ đầu tư vào tháng 6/2023, lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 5/2024, thi công dự án từ 2024 - 2026.
Hai là dự án tuyến Đức Hòa - Đức Huệ (Long An), Tracodi đang tiếp cận để được đánh giá đầu tư, báo cáo UBND tỉnh.
Thứ ba là dự án tỉnh lộ 935 Sóc Trăng, Tracodi đề xuất đầu tư theo mô hình PPP, chiều dài 22 km. Hiện Công ty đang nghiên cứu tiền khả thi, đánh giá nội bộ trước khi trình địa phương. Theo tiến độ, dự án sẽ lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 4/2024, thi công trong giai đoạn 2024 - 2027.
Có dự án, có thi công, Tracodi còn có thể thúc đẩy mảng đá xây dựng khi hiện nay, Công ty đang sở hữu 50% cổ phần mỏ đá Antraco. Giá đá đang tăng 10% so với cùng kỳ 2022, cộng với nhu cầu mở rộng khi các dự án hạ tầng giao thông được thi công mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ thúc đẩy lợi nhuận từ mảng đá của Công ty tăng cao.
Có lẽ tranh thủ thị trường thuận lợi để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh nên Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã chuyển kế hoạch bảo dưỡng TA5 từ năm nay sang năm 2024. Điều này sẽ giúp doanh thu và lợi nhuận của Công ty tăng mạnh. Theo ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc BSR, doanh thu của Công ty dự kiến có thể tăng 18.000 - 24.000 tỷ đồng và lợi nhuận có thể tăng thêm 1.000 tỷ đồng trong năm nay.
Từ khóa “thay đổi”
Thị trường được nhìn nhận còn khó khăn, mà ngay cả không khó khăn, nếu doanh nghiệp khư khư cách làm cũ, góc nhìn cũ, sẽ khó tăng trưởng, thậm chí có thể còn thụt lùi. Đây là quan điểm của ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco.
Sau giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng, những năm gần đây, tình hình kinh doanh mảng Đông dược của Traphaco gặp khá nhiều thách thức do các sản phẩm gặp phải sự cạnh tranh về giá từ các sản phẩm tương đồng ở cả kênh OTC và ETC.
Thống kê trên thị trường hiện có hơn 50 sản phẩm cùng nhóm tác dụng với Boganic và hơn 30 sản phẩm cùng nhóm tác dụng với Hoạt huyết dưỡng não đang lưu hành ở Việt Nam. Các sản phẩm này có thành phần dược liệu, tên gọi tương đồng, thậm chí có doanh nghiệp còn cố tình tạo ra những mẫu mã na ná hàng bán chạy của Traphaco.
Với kênh ETC, dù sở hữu dây chuyền sản xuất đạt chuẩn WHO-GMP, tương ứng khả năng đấu thầu ở nhóm 1 cho các sản phẩm Đông dược nhưng Traphaco phải cạnh tranh với gần 80 doanh nghiệp sản xuất Đông dược khác đạt tiêu chuẩn tương đương. Do chính sách đấu thầu ưu tiên giá, sự khác biệt về chất lượng của nguyên liệu chưa mang lại lợi thế cho Công ty.
Trong bối cảnh như vậy, Traphaco có chiến lược mới, rất rõ ràng đối với mảng Đông dược. Đó là giữ vững thị phần, tập trung vào chất lượng để khẳng định vị thế số 1 trong mảng này, nghiên cứu và tung ra các sản phẩm cao cấp trên nền nhóm sản phẩm hiện hành để mở rộng tập khách hàng, Boganic Premium là một ví dụ.
Công ty còn khát vọng nuôi thêm “bò sữa” mới, đó là các loại thuốc tương đương sinh học, trong đó có nhóm biệt dược được chuyển giao công nghệ từ Deawoong, Top 3 tập đoàn dược phẩm Hàn Quốc. Đây là những thuốc được Bộ Y tế công nhận có cùng hiệu quả điều trị (xét cả về hiệu lực và tính an toàn) so với thuốc đối chứng (thường là biệt dược gốc). Đến nay, Traphaco có 6 sản phẩm được công bố tương đương sinh học (BE), cùng 4 sản phẩm đã nghiên cứu đạt và đang nộp hồ sơ BE.
Trước xu thế chuỗi nhà thuốc đang phát triển mạnh, Traphaco đã thúc đẩy doanh số bán hàng qua các chuỗi nhà thuốc. Một trận địa mà Công ty muốn tập trung là bán hàng vào kênh ETC (bệnh viện, phòng khám kê đơn). Doanh thu kênh ETC năm 2022 đã tăng trưởng 25% so với cùng kỳ, năm 2023 đặt mục tiêu tăng tối thiểu 17%.
Thích ứng với thị trường, Vinaconex cũng điều chỉnh mạnh tiến độ các dự án đầu tư. Ông Thanh lấy ví dụ ở dự án Cát Bà Amatina, đây là năm thứ 4 Vinaconex tập trung triển khai dự án, Công ty hiện đã thanh toán toàn bộ chi phí hạ tầng và dự án đã hoàn thành pháp lý.
“Muốn kinh doanh thì phải xem xét thị trường, mà thị trường đang khó khăn nên phải cân nhắc. Chúng tôi đầu tư để hoàn thiện hạ tầng, tiếp tục đầu tư để trả sản phẩm cho khách hàng đã mua. Đây là dự án lớn hàng tỷ USD, nên chúng tôi sẽ theo sát tình hình thị trường và cân nhắc phân kỳ đầu tư cho dự án”, ông Thanh nói.
Nếu không dũng cảm, quyết liệt tập trung vào một số dự án có cầu, có nguồn thu, doanh nghiệp có thể mắc bẫy tăng trưởng của chính mình.
Ông Lê Đình Khương, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cay đắng chia sẻ, khi doanh nghiệp chuẩn bị IPO, các nhà tư vấn khuyến nghị cần đầu tư hàng loạt dự án, đẩy quy mô lên rất lớn. Vậy nên, doanh nghiệp tăng tốc huy động vốn. Đến khi thị trường diễn biến bất lợi, doanh nghiệp trở tay không kịp và sa vào cái bẫy do chính mình giăng ra.
Đây chính là lý do vì sao, tại các đại hội cổ đông năm nay, có nhiều cổ đông tâm huyết đề nghị doanh nghiệp phải liệu cơm gắp mắm, không được bóc ngắn cắn dài.
Tại đại hội cổ đông của Phục Hưng Holding, cổ đông đề nghị ban lãnh đạo tập trung vào các dự án có quy mô vừa vặn, có tính khả thi cao trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, thủy điện để đầu tư, phù hợp với lợi thế về nhà thầu xây lắp và quy mô vốn hơn 500 tỷ đồng của Công ty. Vay nợ và đầu tư dàn trải là cái giá quá đắt mà những doanh nghiệp lớn trên sàn đang phải trả giá, họ lấy ví dụ.
Tập trung để bứt phá
Trong bối cảnh khó khăn, một số doanh nghiệp sau nhiều năm tập trung củng cố năng lực cạnh tranh nội tại vẫn đang tận dụng cơ hội để bứt phá. Sau đợt mất cân đối cung cầu xăng dầu năm ngoái, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã đạt mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ 28% nhờ gia tăng được thị phần khi một số đầu mối kinh doanh xăng dầu ngừng hoạt động và tiếp tục giữ được mức tăng trưởng 27% trong quý I này khi cung cầu đã ổn định và tổng cầu không tăng, cũng như một số đầu mối kinh doanh đã hoạt động trở lại.
Sự thay đổi của PVOIL nhờ chiến lược kinh doanh bài bản, kiên trì nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng các kênh bán hàng từ truyền thống cho đến ứng dụng kỹ thuật số, ứng phó linh hoạt với các diễn biến thị trường…
Đến năm 2025, PVOIL kỳ vọng có thể đạt sản lượng tiêu thụ 5-6 triệu m3, gần gấp đôi với sản lượng kế hoạch đặt ra cho năm nay. Tổng công ty này cũng đang thực hiện các thủ tục để được cấp phép kinh doanh xăng cho máy bay cũng như giấy phép cung cấp tại các sân bay khi nhu cầu bắt đầu phục hồi.
Trong lĩnh vực bất động sản, hiếm có công ty nào lại “thảnh thơi” như Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, mã SGR) vì không nợ vay ngân hàng, không có nợ trái phiếu và lợi nhuận trước thuế đặt ra là 315 tỷ đồng trên vốn điều lệ 600 tỷ đồng.
Ông Phạm Thu, Chủ tịch Hội đồng quản trị SGR chia sẻ, kế hoạch SGR đặt ra đều khả thi. Giai đoạn lãi suất thấp, SGR đã đẩy mạnh đền bù để tạo quỹ đất sạch triển khai trong giai đoạn hiện nay. Công ty dự định chuyển nhượng 2 dự án, thu về khoảng 600 tỷ đồng, tiếp tục phát triển các dự án khác để gối đầu doanh thu và lợi nhuận trong các năm tiếp theo vào thời điểm mà các doanh nghiệp trong ngành đang gặp khó khăn vì lãi suất cao.
Là công ty đầu tư hạ tầng cơ sở theo hình thức BOT, với đặc thù là sử dụng vốn vay cao nhưng Tổng công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) không gặp áp lực thanh toán trái phiếu và các khoản vay do nguồn thu dồi dào từ các dự án BOT đưa vào vận hành. Do lượng xe tăng lên, nguồn thu phí BOT của Công ty trong năm 2022 ước tính đạt 2.800 tỷ đồng/năm, cao hơn nhiều so với mức ước tính 2.400 tỷ đồng hồi đầu năm.
Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII chia sẻ, Công ty đã có chiến lược đúng đắn khi tập trung hoàn thành các dự án BOT trong các năm qua, không tham trong đầu tư bất động sản, chỉ dự án nào phù hợp với nhu cầu thị trường mới làm nên ngay cả trong giai đoạn thị trường bất động sản trầm lắng, CII vẫn thu được tiền bán nhà của khách hàng.
Năm nay, mục tiêu của CII là tái cơ cấu nguồn vốn, tìm kiếm nguồn vốn mới với lãi suất tốt và điều kiện vay hợp lý hơn, thay thế nguồn vốn vay hiện tại để có dòng tiền trả cổ tức cho cổ đông. Đồng thời, Công ty đang nghiên cứu các dự án BOT mới, trong đó có dự án tại TP.HCM, khi có cơ chế thí điểm thực hiện dự án BOT trên nền đường cũ. Khi chu kỳ lãi suất cao đảo chiều cũng là lúc CII có thể bắt tay triển khai các dự án mới.
Quan sát các tập đoàn lớn như Hòa Phát, Vingroup, Masan…, có thể thấy động thái tập trung vào mảng kinh doanh xương sống để tạo động lực tăng trưởng trong tương lai. Nếu Hòa Phát đang dồn lực cho Khu liên hiệp gang thép Dung Quất giai đoạn 2, với giá trị đầu tư lên tới 4 tỷ USD thì Masan tiếp tục đẩy mạnh mạng lưới bán lẻ.
Còn Vingroup đẩy mạnh phát triển hạ tầng xe điện trong nước, ra mắt hệ thống taxi Xanh SM đầy ấn tượng. Những chuyển động của doanh nghiệp lớn giúp nhà đầu tư tin tưởng vào tiềm năng bứt phá của doanh nghiệp khi môi trường kinh doanh ổn định trở lại, đặc biệt là lãi suất giảm xuống mức hợp lý.
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách tiền tệ đang dần trở lại trạng thái bình thường, với các giải pháp kích thích dòng vốn đi vào sản xuất - kinh doanh, báo hiệu giai đoạn khó khăn với các doanh nghiệp sẽ sớm qua đi. Khi đó, những nỗ lực để cạnh tranh, để ổn định hoạt động và bứt phá của doanh nghiệp hiện tại sẽ được đền đáp.
Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vicostone
Với điều kiện thị trường khó khăn như hiện tại, doanh số tuy giảm nhưng Công ty vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu do sự suy giảm chung của thị trường toàn cầu.
Kết quả năm 2022 đạt thấp hơn suy nghĩ của chúng tôi, nhưng dù sao vẫn còn may mắn. Caesarstone – doanh nghiệp hàng đầu thế giới về đá đạt doanh số năm 2022 không hơn nhiều Vicostone dù họ vừa hợp nhất thêm hai doanh nghiệp năm trước. Đồng thời, công ty này còn báo lỗ, nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác phải cắt giảm nhân sự.
Vicostone vẫn giữ được hiệu quả do quản trị chi phí, chuỗi cung ứng, quản lý công nghệ, chiến lược R&D và chiến thuật tiết giảm chi phí dù không giảm nhân sự. Các năm gần đây, Công ty không đầu tư nhà máy mới, chỉ tập trung một lĩnh vực, không đầu tư vào bất động sản dù sẵn nguồn tiền.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tracodi
Công ty quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu, qua đó giúp doanh nghiệp giữ lại được nguồn vốn để vượt qua giai đoạn khó khăn, mở rộng kinh doanh, đầu tư vào mảng phát triển hạ tầng giao thông nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển dài hơi của Tracodi.
Công ty có định hướng chiến lược và xuyên suốt để thực hiện theo chiến lược đã đặt ra, tập trung nhiều giải pháp, trong đó tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí, tập trung triển khai các dự án.
Ông Đỗ Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SH
Năm 2023, SHS đặt kế hoạch doanh thu 1.942 tỷ đồng, 1.103 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 125,5% và 559,2% so với thực hiện năm 2022.
Để thực hiện được kế hoạch trên, SHS chú trọng vào giá trị thặng dư, lợi nhuận cho nhà đầu tư, cổ đông và khách hàng, tập trung đổi mới hướng tới mục tiêu lớn, dài hạn là trở thành và duy trì vị thế công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam, cung cấp dịch vụ, giải pháp tư vấn và hỗ trợ đầu tư tài chính, quản lý và phát triển tài sản toàn diện cho mọi đối tượng khách hàng và ứng dụng hệ thống công nghệ số hiện đại vào mọi hoạt động của Công ty.
Mảng kinh doanh cần phát triển hơn trong năm 2023 là dịch vụ, SHS cần lấy lại vị thế của mình trong nhóm có thị phần môi giới lớn trên HOSE.
SHS sẽ tìm kiếm và khai thác những cơ hội từ thị trường, giải pháp sáng tạo, đột phá trong hoạt động kinh doanh, bứt phá khỏi các hoạt động kinh doanh truyền thống, thị trường truyền thống, sản phẩm truyền thống, khách hàng truyền thống.
Chúng tôi sẽ hoàn thiện triển khai nhóm giải pháp gia tăng lợi thế cạnh tranh của SHS thông qua đổi mới, phát triển chất lượng dịch vụ, tiếp tục đầu tư về nhân sự và công nghệ, duy trì và nâng cao thị phần, hình ảnh, đầu tư nghiên cứu áp dụng công nghệ AI vào hoạt động kinh doanh và quản trị công ty.
Hội đồng quản trị Công ty sẽ thành lập Ban Nghiên cứu chiến lược phát triển với việc thuê tư vấn nước ngoài để tái cấu trúc, cải tổ SHS, xây dựng tầm nhìn hoạt động của SHS trong 3 năm, 10 năm, 15 năm tập trung 2 mục tiêu, giai đoạn 1 là phát triển kinh doanh và giai đoạn 2 là phát triển công ngh
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận