menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quỳnh Như

Mùa đại hội cổ đông 2022: Nhiều điểm nhấn ở nhóm ngân hàng

Mùa đại hội đồng cổ đông 2022 dường như đến sớm hơn năm trước đối với nhiều ngân hàng, khi một loạt nhà băng đã công bố kế hoạch đại hội, gắn với đó là những điểm nhấn về tăng vốn và kế hoạch kinh doanh "tham vọng"...

Sôi động kế hoạch tăng vốn, chia cổ tức

Mới bước vào trung tuần tháng 3/2022, không ít ngân hàng đã đồng loạt thông báo về thời gian họp đại hội cổ đông, sớm hơn 1 tháng so với mùa đại hội năm 2021.

Ở thời điểm này, để nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh và đáp ứng các chuẩn quốc tế trong năm 2022, các ngân hàng đang lên kế hoạch tăng vốn qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, gắn với đó là các chỉ tiêu kinh doanh "tham vọng"…

Trong tài liệu dự thảo cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) mới được công bố, ngân hàng này dự kiến phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ chia là 25% và dự kiến hoàn thành trong quý 3 năm nay, để nâng tổng tài sản lên trên 588 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 11%.

ACB cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 25% và tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Phản ứng trước thông tin trên, giá cổ phiếu của ngân hàng này ngày 22/3 quay về mốc 33.300 đồng/cổ phiếu sau nhiều ngày trầm lắng.

Tương tự, tại cuộc họp cuối tháng 4/2022 sắp tới, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) dự kiến sẽ trình Đại hội đồng cổ đông phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 lên hơn 50.401 tỷ đồng bằng kế hoạch phát hành gần 308 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ, cho tối đa 99 nhà đầu tư.

Trong năm 2021, nếu xét theo báo cáo tài chính hợp nhất, VCB dẫn đầu toàn ngành về lợi nhuận với mức lợi nhuận trước thuế đạt 27.376 tỷ đồng, tăng 18,8% so với năm 2020 và vượt 8,5% so với kế hoạch năm.

Thông tin trước thềm Đại hội đồng cổ đông khiến giá cổ phiếu của ngân hàng này trong phiên giao dịch ngày 22/3 nhích nhẹ so với đầu tháng lên mức 84.900 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, thông tin tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 lần 2 vào ngày 15/2, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (EIB) cho biết có thể sẽ chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ được ban lãnh đạo ngân hàng đề xuất khoảng 18% vào năm nay, nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Trước đó, lần gần nhất EIB tiến hành tăng vốn diễn ra vào năm 2011 khi thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 17%.

Cổ phiếu của ngân hàng này tăng lên mức 37.250 đồng/cổ phiếu trong ngày 15/2 và tiếp tục duy trì ở vùng giá cao trong phiên giao dịch ngày 22/3.

Phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn của các ngân hàng đều tuân thủ đúng theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2022 để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đáp ứng mục tiêu dài hạn

Là một ngân hàng vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông năm 2022, đại diện Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết, việc tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và cho cán bộ nhân viên (ESOP) từ nguồn vốn chủ sở hữu xuất phát từ nhu cầu vốn vào các dự án đầu tư hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các chính sách đang được áp dụng cũng nhằm phát triển đội ngũ trẻ kế cận, tạo điều kiện cho họ phát triển ở các vị trí, chức vụ cao hơn và thỏa mãn được năng lực của họ để duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, vận hành của ngân hàng.

Đồng thời, một chuyên gia nhận định, mấu chốt của vấn đề tăng vốn điều lệ là để đảm bảo an toàn tài chính, có đủ vốn để hoạt động và phòng ngừa mọi rủi ro có thể xảy ra. Chính vì vậy, kế hoạch tăng vốn từ các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa giúp ngân hàng gia tăng vốn chủ sở hữu vừa cải thiện hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR).

“Đáp ứng được chỉ tiêu này, các ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tín dụng và đảm bảo sớm hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II và tiến tới áp dụng Basel III. Qua đó, các nhà băng sẽ càng kiểm soát được rủi ro, quản trị doanh nghiệp ngày càng tốt, cải thiện xếp hạng tín nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường”, vị chuyên gia này khẳng định.

Không chỉ vậy, nếu hàng loạt tin vui cho cổ đông và nhà đầu tư nêu trên được thông qua, vị trí cổ phiếu "vua" của các ngân hàng trên thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục duy trì được vị thế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả