menu
Mua bán thông tin cá nhân là tiếp tay cho tội phạm
Thu Cúc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mua bán thông tin cá nhân là tiếp tay cho tội phạm

Vấn đề lừa đảo do lộ, lọt thông tin cá nhân diễn ra tràn lan, ngày càng diễn biến phức tạp, thế nhưng chưa có vụ nào bị xử lý mạnh tay, làm gương cho những kẻ khác.

Mỗi ngày, chị Nguyễn Thanh Bình ở quận Đống Đa, Hà Nội bị "tra tấn" vài cuộc điện thoại với đủ thể loại mời mọc mua bán, từ bất động sản, làm đẹp tới đầu tư tài chính.... khiến chị rất bức xúc “Bực nhất là có hôm đang đi trên đường cũng có điện thoại, tưởng chồng con gọi có việc gì, dừng lại để nghe, hóa ra là mời mua bất động sản, có lần thì lại mời đầu tư chứng khoán.... Có lần thì lại nói mình trốn thuế hoặc phạm tội mà mình có làm gì đâu mà trốn thuế với phạm tội... Mới đầu còn trả lời lịch sự nói mình không có nhu cầu, sau bị làm phiền nhiều quá là mình quát lại luôn”, chị Bình cho biết.

Anh Tạ Công Khanh ở thành phồ Hồ Chí Minh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Là chủ doanh nghiệp thiết bị may mặc nên anh luôn nghe tất cả những cuộc điện thoại gọi đến, thế nhưng nhiều khi anh phải tiếp những cuộc gọi "vãng lai" vào lúc rất nhạy cảm: "Đang nghỉ trưa cũng gọi, gọi bất kể giờ nào. Tưởng khách hàng có việc gì gấp cần hỗ trợ, ai dè mời tham gia bảo hiểm. Bực hết chỗ nói...." Không chỉ vậy, mới đây, anh lại nhận được cuộc điện thoại giả danh giáo viên bộ môn thông báo con anh bị tai nạn nên đã đưa vào bệnh viện cấp cứu và yêu cầu anh chuyển vài chục triệu vào tài khoản để chi phí cho bệnh viện. Nhưng hỏi một vài thông tin, đầu dây bên kia đã dập máy. - anh Khanh chia sẻ.

Lý giải nguyên nhân có nhiều người biết chính xác số điện thoại, họ tên, địa chỉ nhà riêng, thậm chí là có tiền gửi tại ngân hàng nào, nhiều chuyên gia an ninh mạng cho rằng, do dữ liệu thông tin cá nhân bị lộ, lọt. Không chỉ là chuyện quấy rối, làm phiền, hậu quả của việc mất thông tin cá nhân là rất nguy hại, đặc biệt nếu rơi vào tay kẻ gian có thể dẫn đến hành vi làm giả thẻ tín dụng ngân hàng, thậm chí là những vụ tống tiền, bắt cóc...

Xử phạt vẫn chưa mạnh tay

Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh - Công ty Luật A và H, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Khung pháp lý cơ bản để bảo vệ dữ liệu cá nhân đã có khá đầy đủ, tạo nền tảng cần thiết để bảo vệ dữ liệu của mỗi cá nhân. Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được cụ thể trong Nghị định 15/2020, trong đó mức xử phạt cao nhất có thể lên tới 70 triệu đồng.

Tại Bộ luật Hình sự cũng có quy định về xử lý hành vi xâm phạm quyền riêng tư về thông tin cá nhân tại Điều 288, tội đưa, sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông với khung hình phạt đến 7 năm tù, phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng và một số tình tiết tăng nặng có thể phạt tiền tới 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự cũng quy định rất rõ về Tội xâm phạm bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín hoặc trao đổi thông tin riêng tư của người khác quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự. Song song với quy định của Bộ luật Hình sự, chúng ta có quy định tại Bộ luật Dân sự về yêu cầu bồi thường thiệt hại tại Điều 13, 14, 15. “Chúng ta đã có hệ thống văn bản quy định về xử phạt từ hành chính đến phạt tù, thế nhưng chưa có một vụ án điểm nào liên quan đến xử lý an toàn thông tin cá nhân được đưa ra nhằm răn đe những kẻ khác…” – Luật sư Phương Anh bày tỏ.

Làm gì để bảo vệ dữ liệu cá nhân của bản thân?

Ông Lê Thanh Tùng - Chuyên gia An ninh mạng cho rằng: Có nhiều cách để bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó có những cách cơ bản, đơn giản mà mọi người có thể tự làm như: Tuyệt đối không bấm vào đường link lạ, không bấm xem các bài viết bị gắn thẻ có chứa đường link độc hại, kiểm tra kỹ các đường link khi bạn bè, người thân nhờ chia sẻ. Nếu tài khoản cá nhân bị hack phải thông báo rộng rãi để bạn bè, người thân cùng nắm được. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thư điện tử cho người khác nếu chưa xác minh chính xác được người nhận là ai, trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền, phải xác minh người nhắn tin là chính xác. Ngoài ra, nếu có nhận được điện thoại báo vụ việc gấp, quan trọng và yêu cầu chuyển tiền ngay, hãy bình tĩnh gọi điện cho những người liên quan kiểm tra sự việc.

Ngoài ra, người dân nên chia sẻ rộng rãi qua Facebook, Zalo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội để mọi người cùng biết và phòng tránh; chủ động cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên tài khoản mạng xã hội và thay đổi mật khẩu để tăng độ an toàn cho tài khoản./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả