24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

MSN có thể thâu tóm QNS

Nuốt chửng những doanh nghiệp nhỏ hơn để nhanh chóng trở thành tập đoàn có quy mô toàn cầu là cách tốt nhất tồn tại trong nền kinh tế phẳng như hiện nay.

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) rất phổ biến trên thế giới, chúng ta không lạ gì các tập đoàn đa quốc gia như P&G hay Unilever lùng sục khắp mọi nơi để thâu tóm các công ty nhỏ hơn và qua đó có trong tay hàng trăm thương hiệu con. Cách nhanh nhất để trở thành khổng lồ, rút ngắn rất nhiều thời gian.

Tại Việt Nam, mặc dù nền kinh tế thị trường mới chỉ phát triển được mươi năm nhưng các doanh nghiệp cũng rất chịu khó học hỏi cái hay của thế giới. Đặc biệt trong đó phải kể đến tập đoàn MaSan (MSN), chỉ trong vài năm qua đã liên tục thu gom những công ty nhỏ có thế mạnh riêng về dưới trướng của tập đoàn, có thể kể đến là vinacafe Biên Hoà, bột giặt Lix, cám Con cò, nước uống Vĩnh Hảo, trà sữa Phúc Long… và giành giật tương ớt Cholimex, Vissan mà chưa được.

MSN bành trướng bằng cách đánh chiếm các thương hiệu nhỏ là cách nhanh nhất để trở thành người khổng lồ trong ngành hàng tiêu dùng. Không gì hoàn hảo hơn để MSN làm điều này nhờ những thế mạnh mà không doanh nghiệp nào sánh bằng, đó là tiền và hệ thống phân phối. Tiền là điều kiện tiên quyết để M&A, và MSN chưa bao giờ thiếu. Các tập đoàn lớn đổ hàng tỉ USD để MSN tha hồ đi săn các doanh nghiệp khác, các nhà băng cũng sẵn sàng cho gã nhà giàu như MSN vay hàng tỉ USD nếu cần. Với MSN, tiền là lá mít.

Mảnh ghép cuối cùng cho sự lớn mạnh của MSN vừa hoàn thành chính là việc mua lại chuỗi cửa hàng Vinmart từ Vingroup. Dự kiến chuỗi Vinmart sẽ phát triển lên tới 10.000 siêu thị trên khắp toàn quốc, khi đó các thương hiệu con của MSN sẽ được tích hợp theo chiều dọc, dễ dàng đến tay người tiêu dùng qua hệ thống phân phối rộng khắp mà không phải qua các siêu thị trung gian như trước kia. Nói một cách đơn giản, bán được nhiều hàng hơn với chi phí thấp hơn xưa.

Đạn dược đã sẵn sàng và giờ là lúc đi săn, con mồi trong tầm ngắm lúc này được nhắc tới là thương hiệu sữa đậu nành Fami của công ty đường Quảng Ngãi (QNS). Bất chấp việc MSN phủ nhận điều này nhưng khả năng là rất cao và chúng ta hãy chờ đợi. Cũng có tin đồn hãng sữa Nutifood đang nhòm ngó QNS, nhưng khả năng ít xảy ra vì tiềm lực của Nutifood chỉ ngang bằng, thậm chí nhỏ hơn QNS thành ra rất khó để M&A. Thâu tóm ngược, cá bé nuốt cá lớn xuất hiện nhiều trên thế giới nhưng Việt Nam thì không đơn giản chút nào.

QNS được chú ý bởi MSN là điều dễ hiểu khi đang nắm trong tay thương hiệu Fami chiếm tới 90% thị phần trong ngành sữa đậu nành có thương hiệu tại Việt Nam. Phòng tuyến của Fami vững chắc đến nỗi bá chủ ngành sữa Vinamilk cũng không thể công phá và chấp nhận với vỏn vẹn 5% thị phần.

Tuy nhiên trong vài năm qua kinh doanh của QNS có dấu hiệu chững lại mặc dù vẫn tương đối vững chắc, dòng tiền rất mạnh mỗi năm mang về trên dưới 50 triệu mỹ kim. Cơ cấu lợi nhuận của QNS đa dạng nhưng chủ yếu là 74.9% đến từ Fami, 10% đến từ mảng đường và còn lại đến từ bánh kẹo, bia…

Ngành đường trong nước bị áp lực cạnh tranh rất lớn từ hàng ngoại là Thái Lan, thành ra vừa qua chính phủ áp thuế hàng nhập trong 5 năm nên doanh nghiệp nội dễ thở hơn. Dự kiến mảng đường của QNS sẽ tăng mạnh trở lại sau bao năm gặp khó khăn nhưng rất khó để tạo đột biến cho tổng thể của QNS vì mảng đường chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu lợi nhuận mặc dù đã cải thiện đáng kể lên mức 20% trong năm nay so với 10% những năm trước.

Điện, bia, bánh kẹo… chiếm 15% trong cơ cấu lợi nhuận của QNS nhưng các lĩnh vực này về cơ bản là bão hoà và không tăng trưởng. Thành ra tương lai của QNS dồn toàn bộ vào mảng sữa đậu nành Fami đang chiếm tới 75% trong cơ cấu lợi nhuận. Đáng tiếc thay mảng này đang gặp vô vàn khó khăn và chưa có tín hiệu khởi sắc trong tương lai gần.

Ngành hàng sữa đậu nành chịu chung số phận với ngành sữa khi tốc độ tăng trưởng một chữ số mỗi năm, < 10%. Cũng vì thế mà doanh thu sữa Fami tăng không nhiều trong khi áp lực cạnh tranh luôn rất lớn. Sức ép khủng khiếp đối với mảng sữa của QNS là nguyên liệu đầu vào tăng giá gần như gấp đôi trong năm qua và công ty phải nhập khẩu đến 70% nguyên liệu.

Sức ép cạnh tranh lớn phải chi thêm tiền quảng cáo để thúc đẩy bán hàng, nguyên liệu đầu vào tăng giá mạnh nhưng không thể tăng giá bán sản phẩm quá nhiều vì thị trường bão hoà khiến cho biên lợi nhuận gộp của Fami giảm từ 45% về còn 41% hiện nay. Trong ngắn hạn, QNS chưa thể giải quyết khó khăn này.

Tóm lại, lợi nhuận kinh doanh của QNS có thể cải thiện nhờ mảng đường nhưng rất khó đột biến để tăng trưởng hai chữ số vì chủ lực là mảng sữa đậu nành lại bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố. Dự kiến lợi nhuận của QNS trong vài năm tới sẽ quanh mức 1.300 tỉ mỗi năm.

Với mức giá 48 hiện nay thì vốn hoá của QNS là 17.000 tỉ, tương ứng PE 13 lần. Mức định giá hợp lý dựa trên triển vọng tăng trưởng thấp và đang niêm yết ở sàn Upcom (thường sẽ bị định giá thấp hơn chút ít so với việc niêm yết sàn HOSE). Cũng vì thế nếu đứng trên góc độ đầu tư cổ phiếu đơn thuần thì giá 48 với QNS là hợp lý, không đắt nhưng cũng chả phải là rẻ.

Nhưng nếu đặt cạnh bài toán M&A thì mức định giá PE 18 lần đối với QNS có thể xem xét. Rất khó có việc MSN bỏ ra gần 9.900 tỉ tiền mặt để mua cổ phần chi phối trên 51%, mà thay vào đó có thể mua 13% bằng tiền mặt, phần còn lại sẽ dùng cổ phiếu MSN hoặc MCH để hoán đổi, phương án này có vẻ khả thi hơn cả. Tất nhiên tất cả đều là phỏng đoán mà thôi, đúng sai hạ hồi phân giải.

Túm cái váy lại, đầu tư cổ phiếu đơn thuần thì bỏ qua QNS vì định giá không còn hấp dẫn. Nếu tin vào câu chuyện M&A thì xem xét với dư địa tăng giá của QNS là 39%. Trò chơi lúc này thuộc về người trong cuộc nắm rõ câu chuyện.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
72.80 +0.60 (+0.83%)
50.40 -0.20 (-0.40%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả