MSB tiên phong áp dụng Basel II nâng cao và Basel III trong quản trị rủi ro hoạt động
Sau khi hoàn thành sớm trước thời hạn 1 năm cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II vào quý I/2020, MSB tiếp tục là ngân hàng tiên phong trên hành trình phát triển và hoàn thiện nền tảng quản trị rủi ro hiện đại theo chuẩn quốc tế khi công bố áp dụng quản trị rủ
Cụ thể, MSB đã hoàn thiện nghiên cứu và áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ nâng cao (AIRB) để tính vốn với danh mục khoản phải đòi bán lẻ và phương pháp xếp hạng nội bộ cơ bản (FIRB) với danh mục khoản phải đòi doanh nghiệp theo chuẩn Basel II trong quản trị rủi ro tín dụng.
Trước đó, để tạo cơ sở triển khai phương pháp này, MSB đã xây dựng đầy đủ mô hình xếp hạng nội bộ để đo lường khả năng khách hàng không trả được nợ (PD), đo lường tỷ lệ tổn thất tại thời điểm khách hàng không trả được nợ (LGD) và tổng dư nợ tại thời điểm khách hàng không trả được nợ (EAD) chi tiết đến phân khúc, ngành, sản phẩm của từng đối tượng khách hàng và kỳ hạn khoản phải đòi. Ngoài ra, MSB cũng hoàn thiện xây dựng thang điểm xếp hạng tổng thể (Master scale), đảm bảo kết quả xếp hạng tín dụng giữa các đối tượng khách hàng được đánh giá, so sánh trên cùng 1 hệ quy chiếu và đưa ra mức độ rủi ro giữa các danh mục, đối tượng khách hàng toàn hệ thống.
Kết quả tính Tổng tài sản có rủi ro (RWA) theo phương pháp xếp hạng nội bộ được ứng dụng vào tính vốn mục tiêu, đánh giá mức độ đủ vốn ICAAP, phân bổ vốn mục tiêu/RWA theo từng loại rủi ro và từng ngân hàng chuyên doanh. Đây là cơ sở quan trọng để Ngân hàng thiết lập các hạn mức rủi ro, nâng cao tính hiệu quả trong xây dựng chính sách tín dụng, chính sách giá, đo lường hiệu quả hoạt động trên cơ sở có điều chỉnh theo rủi ro nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực quản trị rủi ro.
Bên cạnh việc áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ theo Basel II cho rủi ro tín dụng, MSB cũng tiên phong triển khai chuẩn mực Basel III trong quản trị rủi ro hoạt động, thị trường và thanh khoản. Theo đó, MSB chính thức triển khai phương pháp tính vốn cho rủi ro hoạt động (ORC) thông qua chỉ số kinh doanh (BIC) và hệ số tổn thất nội bộ (ILM). Dựa trên những tích lũy dữ liệu lịch sử về tổn thất rủi ro hoạt động nội bộ hơn 10 năm, MSB đã tiếp cận phương pháp chuẩn hóa này nhằm thay thế các phương pháp tiếp cận trước đó, giúp phản ánh đúng mức độ rủi ro hoạt động của ngân hàng.
Đối với rủi ro thị trường, MSB áp dụng cách tính vốn theo phương pháp nâng cao Internal Model Approach (IMA 2019) bằng mô hình nội bộ Value At Risk (VaR), sử dụng biến động tỷ giá, lãi suất tại thị trường Việt Nam hàng ngày để tính toán kịch bản lãi lỗ tiềm ẩn giả định thay vì kịch bản cố định như phương pháp tiêu chuẩn Standardized Approach (SA).
Về quản lý rủi ro thanh khoản, MSB đã định vị khả năng thanh khoản của ngân hàng theo chuẩn quốc tế thông qua các công cụ giám sát khả năng chống đỡ rủi ro thanh khoản ngắn hạn (Liquidity coverage ratio - LCR) và khả năng chống đỡ rủi ro thanh khoản dài hạn (Net stable funding ratio – NSFR). Đây là bước tiến chủ động của MSB để hội nhập và đón đầu Basel III, nâng cao công tác quản trị rủi ro thanh khoản nội bộ, sẵn sàng và linh hoạt triển khai trong tương lai nếu Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định và thể chế cụ thể.
Chia sẻ về cột mốc này, ông Nguyễn Hoàng Linh – Tổng Giám đốc MSB đánh giá: Việc triển khai Basel II nâng cao, đón đầu Basel III là động lực cũng như nền tảng vững vàng để MSB đảm bảo sự cân bằng giữa yếu tố tăng trưởng và tính bền vững, chất lượng trong hoạt động. Tiếp nối bước đà sẵn có, MSB sẽ luôn nỗ lực để giữ vị trí tiên phong trên thị trường khi áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong quản lý rủi ro, góp phần ngăn ngừa tổn thất và nâng cao tính bền vững của hệ thống ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận