Một số yếu tố giúp nhà đầu tư tìm ra cơ hội đầu tư hấp dẫn từ cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp
Mùa báo cáo tài chính mở ra nhiều cơ hội đầu tư, song không phải nhà đầu tư nào cũng nắm bắt được. Sau đây là một số yếu tố giúp nhà đầu tư nhận diện cơ hội đầu tư hấp dẫn từ cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp trên báo cáo tài chính:
Thứ nhất, doanh nghiệp hưởng lợi từ việc đánh giá lại giá trị các khoản nợ nước ngoài
Việc sử dụng các khoản vay nợ luôn là con dao hai lưỡi đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn vốn vay nước ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc sở hữu các khoản vay ngoại tệ lớn lại có thể đem đến những lợi ích tức thì cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc đánh giá lại giá trị của chúng, trong điều kiện tỷ giá giảm mạnh.
Ví dụ khi giá trị của cặp tiền tệ JPY/VND liên tục sụt giảm trong giai đoạn gần đây, cụ thể là hơn 24.7% giá trị của đồng yên Nhật bị "thổi bay" so với đầu năm 2021, đang giúp cho những doanh nghiệp có giá trị khoản nợ vay tiền Nhật lớn được hưởng lợi. Tiêu biểu nhất có thể kể đến là ACV, với các khoản vay dài hạn từ nguồn vốn ODA Nhật Bản dùng để tài trợ cho các dự án cảng hàng không quốc tế lớn. Với gần 15,500 tỷ đồng vay bằng đồng yên Nhật (ghi nhận vào cuối năm 2020), khoản lãi từ chênh lệch tỷ giá đã giúp cho doanh thu từ hoạt động tài chính của ACV tăng thêm 1,400 tỷ đồng trong năm 2021. Và điều này có khả năng là vẫn sẽ còn tiếp diễn trong năm 2022, khi mà đà lao dốc về giá trị của đồng yên Nhật hiện vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Thứ hai, người mua trả tiền trước gia tăng đột biến
Khoản người mua trả tiền trước là một khoản mục rất đáng chú ý trong cơ cấu nguồn vốn vì nó biểu thị cho mức độ sẵn lòng thanh toán của khách hàng và độ "hot" của sản phẩm doanh nghiệp. Do đó, sự gia tăng đột biến các khoản thanh toán trước của khách hàng là thước đo tương đối đáng tin cậy, dự báo về triển vọng kinh doanh trong tương lai gần của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc thanh toán trước của khách hàng còn cho phép doanh nghiệp có một dòng vốn với chi phí thấp để phục vụ sản xuất, từ đó tối ưu mức lợi nhuận mà công ty có thể thu được.
Thứ ba, doanh thu chưa thực hiện lớn và tăng trưởng qua các năm
Doanh thu chưa thực hiện là một khoản mục ghi nhận các khoản tiền mà người mua trả trước cho doanh nghiệp, cho một hoặc nhiều kỳ. Và sau đó, khi sản phẩm hoặc dịch vụ được doanh nghiệp phân phối cho khách hàng theo thời gian, khoản mục này sẽ được ghi nhận tương ứng với doanh thu trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Vì vậy, đây cũng là một trong những dấu hiệu thể hiện phần nào triển vọng tăng trưởng trong tương lai, của doanh nghiệp.
Khoản mục doanh thu chưa thực hiện thường xuất hiện trong báo các của tài chính của các doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản khu công nghiệp, do đặc thù của hoạt động cho thuê mặt bằng của các doanh nghiệp thuộc ngành này. Nếu giá trị các khoản doanh thu chưa thực hiện của công ty này liên tục tăng mạnh qua các năm, thể hiện cho quá trình các quỹ đất cho thuê dần được lấp đầy, kéo theo đó là sự gia tăng về lợi nhuận kinh doanh và giá trị của cổ phiếu; và ngược lại.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận