Một ngày lênh đênh giữa ‘vòng xoáy’ tỉ đô của chứng khoán và vàng
Trong khi giá vàng leo lên được đỉnh lịch sử thì chứng khoán lại rơi xuống vực sâu với gần 9 tỉ đô la vốn hóa bị mất đi chỉ trong phiên giao dịch hôm nay (27-7). Điểm chung giữa hai thị trường này chính là tâm lý bất ổn của nhà đầu tư khi bị bao vây bởi những thông tin tiêu cực từ dịch bệnh trong nước và sự căng thẳng ngoại giao Mỹ - Trung.
Chứng khoán và “hố sụt” gần 8,5 tỉ đô la
Trong diễn biến này, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 422,7 triệu đơn vị, giá trị 7.018,36 tỉ đồng, giảm 16,3% về khối lượng và 6,92% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (24-7). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 48,44 triệu đơn vị, giá trị 1.026,49 tỉ đồng.
Nhóm VN30 chỉ còn 14 mã thoát sàn nhưng biên độ giảm vẫn khá lớn như VHM -6,7% xuống mức thấp nhất ngày 70.900 đồng/cổ phiếu, VIC giảm 3,4% xuống 85.000 đồng/cổ phiếu, GAS mất 6,3% xuống 64.000 đồng/cổ phiếu, SAB giảm 4,5% xuống 173.000 đồng cổ phiếu, MSN giảm 4,8% xuống 49.500 đồng/cổ phiếu.
Đáng kể, lực cản khá lớn đến từ nhóm cổ phiếu vua khi chỉ có duy nhất VCB -4,9% xuống còn 77.000 đồng/cổ phiếu, còn lại BID, CTG, MBB, TCB, STB, VPB, HDB đều giảm sàn. Bên cạnh đó, các bluechip khác như VNM, BVH, MWG, PLX, CTD, SSI, SBT, PNJ cũng giảm hết biên độ và nằm sàn.
Chốt phiên, sàn HNX có 21 mã tăng và 163 mã giảm (48 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 6,49 điểm (5,93%), xuống 102,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65 triệu đơn vị, giá trị 611,96 tỉ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,89 triệu đơn vị, giá trị 17,72 tỉ đồng. Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra trên cả UpCoM lẫn thị trường phái sinh và chứng quyền khiến bức tranh chung của thị trường chứng khoán chìm trong ảm đạm.
Theo công ty chứng khoán BSC, tính đến cuối tuần trước đã có khoảng 47,6% doanh nghiệp trên cả hai sàn chứng khoán, công bố kết quả kinh doanh quý 2 với tổng mức lợi nhuận sau thuế đạt 23.867 tỉ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ 2019. Trong đó có 86,4% số công ty công bố lợi nhuận quý 2 tăng trưởng dương và 49,4% số công ty lãi so với cùng kỳ.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh quý 2 không để lại nhiều hiệu ứng với thị trường trong giai đoạn vừa qua và hầu hết đều phản ánh vào giá cổ phiếu trước đó. Thị trường thiếu động lực hỗ trợ ngay cả trong mùa kết quả kinh doanh và mối lo ngại làn sóng Covid-19 thứ 2 trở thành yếu tố chính đưa thị trường quay lại xu hướng giảm điểm.
Thông tin hỗ trợ như đầu tư FDI, khối ngoại tham gia thị trường đang yếu dần đi thì những thông tin tiêu cực đang ngày một bao vây khiến thị trường bị khóa chặt trong trạng thái tiêu cực. Tâm lý nhà đầu tư vẫn đang phụ thuộc nhiều vào mức độ không chế dịch bệnh từ các cơ quan chức năng. Hai phiên liên tiếp gần đây thị trường mất đi 70 điểm đã gây ra cho thị trường lẫn nhà đầu tư sự tổn thương lớn.
Phản ứng mạnh của nhà đầu tư là có cơ sở khi thị trường thiếu hẳn thông tin hỗ trợ. Mặc dù vậy, những hành động của Chính phủ và kinh nghiệm trong quá khứ về phương thức truy nguồn lây nhiễm dịch Covid-19 để cách ly, cũng như được sự đồng thuận của nhân dân cả nước về thực hiện chính sách chính là điểm cộng để kỳ vọng Chính phủ sớm khống chế đợt bùng phát dịch thành công một lần nữa. Đây là yếu tố quan trọng để thị trường sớm trở lại “quỹ đạo” phục hồi nhưng khổng thể trong ngắn hạn.
Con “sóng ngầm” của vàng vẫn bao giờ dừng lại?
Giá vàng thế giới đã chính thức vượt đỉnh lịch sử 1.923 đô la/ounce thiết lập năm 2011, hiện giá giao ngay trên sàn Kitco đang ở ngưỡng 1.932,5 đô la cho mỗi ounce. Giá vàng tăng trong bối cảnh, đồng đô la lao dốc và những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu đã làm gia tăng nhu cầu đối với tài sản an toàn. Ngoài ra, hợp đồng tương lai vàng cũng chạm đỉnh và thúc đẩy đà tăng của "hầm trú ẩn". Vàng được xem như một công cụ để chống lại vấn đề tài chính của các cơ quan tiền tệ sẽ gây ra lạm phát một trong giai đoạn kích thích tài khóa và tiền tệ.
Những diễn biến này tác động làm giá vàng thế giới trong nửa đầu tháng 7-2020 tăng mạnh, trong khi đồng đô la giảm giá nhanh.
Dự báo về diễn biến trong tuần này, đa số chuyên viên phân tích trên Kitco News cho biết xu hướng tăng sẽ vẫn còn. Nguyên nhân chính đằng sau triển vọng lạc quan này là các yếu tố hỗ trợ giá vàng vẫn còn.
Trong khi đó, chiến lược gia trưởng thị trường Marc Chandler tại Bannockburn Global Forex dự báo giá vàng có thể dễ dàng đạt 2.000 đô la/ounce trước khi đợt tăng hiện tại kết thúc. Thị trường đã chứng kiến đà tăng đáng kể của vàng trong những tháng qua khi nền kinh tế toàn cầu bị đảo lộn vì đại dịch Covid-19. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ gần đây đang “đổ thêm dầu vào lửa” của vàng.
Ngoài ra, các chuyên gia tại MineLife Pty, cho hay đà tăng mạnh của giá vàng là không thể tránh khỏi khi chúng ta bước vào giai đoạn như môi trường hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong đó giá vàng vọt lên kỷ lục mới như kết quả của chuyện bơm thanh khoản của Fed vào hệ thống tài chính, cùng với đó là đồng đô la yếu và lãi suất thực âm.
Tại vùng 1.932,5 đô la/ounce hôm nay, vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt tương đương 54,2 triệu đồng/lượng. Dù đã tăng lên đỉnh mọi thời đại nhưng kim loại quý thế giới vẫn thấp hơn nhiều so với vàng trong nước.
Sau khi tăng 1 triệu đồng/lượng đầu giờ sáng nay, vàng trong nước tiếp tục đón đầu mức tăng của thế giới để duy trì khoảng cách giá 2,5 triệu mỗi lượng theo tỷ giá quy đổi vào cuối phiên sáng. Theo các chuyên gia, áp lực chốt lời từ giới đầu tư đã không cản được mức tăng kỷ lục của vàng.
Tuy vậy, các chuyên gia nhận định, giá vàng trong nước và thế giới có nhiều biến động, song trật tự thị trường vàng trong nước vẫn được đảm bảo, không xuất hiện tình trạng đầu cơ gây bất ổn. Đồng thời, cơ quan này cũng cho hay, tình trạng "vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát tốt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận