Một cổ phiếu dầu khí được khuyến nghị mua, kỳ vọng tăng tới 30%
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đã khuyến nghị mua cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam
Triển vọng giá dầu quanh mức 80 USD/thùng
Biến số địa chính trị chi phối giá dầu: Kể từ sau đại dịch, sự bất ổn trên thị trường năng lượng đã tăng lên đáng kể bởi các cuộc xung đột địa chính trị. Đặc biệt là dòng chảy năng lượng trên toàn cầu đã được định hình lại hoàn toàn do sự kiện sự xung đột của Nga – Ukraine. Việc này đã biến khu vực Biển Đỏ thành tuyến đường vận chuyển quan trọng khi lưu lượng dầu qua khu vực này tăng mạnh. Theo Clarkson, có đến 12% sản phẩm dầu và 8% dầu thô đi qua Biển Đỏ, và tỷ lệ này lên đến 20% đối với các tàu Suezmax và nhỏ hơn. Vì vậy, các điểm nóng xung đột gia tăng tại khu vực này có thể gây ra những biến động về giá dầu và bất ổn nguồn cung trong ngắn hạn.
Việc cắt giảm sản lượng OPEC+ đang diễn ra với tác động giảm dần: Hiệu quả của việc hạn chế sản xuất của OPEC trong khả năng thúc đẩy giá dầu dường như đã giảm đi đáng kể, do sản lượng của các quốc gia ngoài OPEC+ tăng lên đột biến. Thị phần của OPEC+ trên thị trường dầu mỏ giảm xuống còn 51%, mức thấp nhất kể từ năm 2016 – theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) – giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm chạp khiến cho sức ảnh hưởng suy yếu. Hệ quả là mặc dù các thành viên OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng ít nhất 4 lần trong 15 tháng qua, vẫn chưa thể kiềm chế lại đà giảm của giá dầu. Trong khi đó, sự bất đồng gia tăng giữa nội bộ OPEC+ về hạn ngạch sản lượng gây khó khăn cho khả năng cắt giảm sản lượng sâu hơn, đặc biệt sau sự kiện Angola tuyên bố rời khỏi nhóm.
Sản lượng khai thác dầu của Mỹ cao kỷ lục: Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng EIA, nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới cho thấy sản lượng dầu thô và condensate đạt mức cao kỷ lục 13.2 triệu thùng/ngày (+8% CK) trong T9/2023. Điều này đã gây áp lực giảm giá dầu Brent xuống 75 USD/thùng vào đầu T12/2023. Nguồn sản lượng bổ sung phá kỷ lục này đã làm suy yếu đáng kể ảnh hưởng từ việc cắt giảm sản lượng nhằm duy trì mức giá cao của OPEC+, đặc biệt là của các nước chủ chốt như Ả Rập Saudi và Nga. Nguồn cung dồi dào chưa có dấu hiệu dừng lại có thể làm giảm đi những lo ngại về tình trạng thiếu hụt ngắn hạn.
Kỳ vọng giá dầu quanh mức 80 USD/thùng: Với các yếu tố nêu trên, chúng tôi cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục neo ở mức 80 USD/thùng trong phần lớn thời gian của năm 2024 (-2.8% CK). Tuy nhiên, các sự kiện “thiên nga đen” vẫn luôn chực chờ và điều đó có thể tạo nên những cú sốc tiềm tàng về giá dầu. Những sự kiện như vậy có thể khiến giá vượt qua mức dự phóng của chúng tôi như đã từng xảy gần nhất trong Q3/2023.
Sự cấp thiết của LNG
Đối mặt thách thức sản lượng sụt giảm
Hầu hết các mỏ dầu đang khai thác đã bước vào giai đoạn cạn kiệt nhanh chóng khi sản lượng dầu trong nước giảm 11%/năm từ năm 2016 đến năm 2020. Trong giai đoạn 2021-2025, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục với mức giảm ước tính là 6%/năm, theo PVN.
Đối với các mỏ khí, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra với mức giảm trung bình 0.5 triệu m3 mỗi năm (chiếm 6.6% sản lượng khí ẩm về bờ ước tính 2023). Trong đó, các mỏ khí lớn ở bể Cửu Long như Bạch Hổ, đang chứng kiến sự suy giảm đáng kể, với mức tiêu hao hàng năm từ 10–15% do đã ở cuối vòng đời dự án. Ngoài ra, bể Nam Côn Sơn 1 (NCS1) cũng phải đối mặt với thách thức tương tự, đặc biệt các mỏ triển khai thác sớm như Lan Tây - Lan Đỏ/Lô 06.1 và Rồng Đôi – Rồng Đôi Tây/Lô 11-2 đang có sản lượng sụt giảm nhanh chóng.
Luật Dầu khí sửa đổi áp dụng từ ngày 1/7/2023 đã giúp giải quyết phần nào tình trạng thiếu hụt nguồn cung bằng việc mở rộng cơ chế đầu tư tập trung vào các mỏ cận biên. Tuy nhiên, sự gia tăng nguồn cung này là không đáng kể và khó bù đắp được sản lượng suy giảm. Vì vậy, việc nhập khẩu LNG cùng với hai dự án phát triển trọng điểm ở thượng nguồn (Lô B Ô Môn và Sư Tử Trắng 2B) sẽ là nguồn bổ sung chính trong thời gian tới.
Sự cần thiết của LNG
Theo Quy hoạch điện VIII, mục tiêu đến 2030, công suất điện khí LNG dự kiến đạt 22,400 MW (chiếm 14.9% tổng công suất nguồn điện). Do vậy, để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu LNG, việc thúc đẩy đầu tư vào các kho cảng LNG cần được thực hiện trước, từ đó mở ra khối lượng công việc đáng kể cho các doanh nghiệp có mảng xây lắp như PVS, PVX thông qua nhiều hợp EPCI.
Dù đã nhập khẩu thành công LNG từ T8/2023, nhưng do thiếu cơ chế giá nên nguồn khí này vẫn chưa thể tiếp cận được với thị trường tiêu dùng. Theo PVGAS, công ty đã đề xuất cơ chế giá LNG lên Bộ Công Thương vào T12/2023 và dự kiến Bộ sẽ trình Thủ tướng trong nửa đầu 2024. Các khách hàng hộ công nghiệp có thể sẽ là thị trường tiêu thụ LNG chính trong lúc chờ đợi nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 đi vào hoạt động thương mại.
Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (HOSE: GAS)
Điểm nhấn đầu tư
Triển vọng tươi sáng trong góc nhìn dài hạn: Các dự án trọng điểm bao gồm kho cảng LNG Thị Vải và đường ống dẫn khí Lô B Ô Môn dự kiến sẽ lần lượt đi vào hoạt động vào năm 2025 và cuối năm 2026 sẽ đóng góp doanh thu đáng kể. Cụ thể, nguồn cung khí từ Lô B ước lên đến 5.06-5.7 triệu m3 mỗi năm (~65% nguồn khí vào bờ hiện tại) và khi đi vào hoạt động sẽ bù đắp cho sự suy giảm hàng năm khoảng 7% ở các mỏ hiện tại. Trong khi đó, động lực tăng trưởng chính trong giai đoạn 2025F-2026F sẽ đến từ sự gia tăng tiêu thụ LNG. Dự kiến việc vận hành hết công suất Kho LNG Thị Vải giai đoạn 1 cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 sẽ mang lại khoảng 13,000 tỷ doanh thu hằng năm.
Cập nhật tiến độ chuỗi dự án Lô B Ô Môn: Ngày 30/10/2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức lễ ký kết và triển khai dự án Chuỗi giá trị khí điện Lô B Ô Môn, bao gồm việc ký kết: 1) Thỏa thuận khung (Head Of Agreement) các điều khoản về mua bán khí cho dự án Lô B giữa PVN, MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan), 2) Biên bản thỏa thuận Hợp đồng mua bán khí (GSA) cho nhà máy điện Ô Môn 1 giữa PVN và GENCO2. Đối với phần xây lắp, các gói thầu thượng nguồn EPCI#1, EPCI#2 và đường ống trên bờ giữa PQPOC, PVS và các đơn vị liên quan, đại diện cho liên danh nhà thầu với giá trị lần lượt là 1.1 tỷ USD, 400 triệu USD và 300 triệu USD, được công bố liên tục vào T10-T12/2023. Như vậy, việc phê duyệt FID chỉ là vấn đề thời gian khi các công việc trọng điểm đang dần được triển khai.
Chững lại trong ngắn hạn: Trong Q4/2023, sản lượng tiêu thụ của các nhà máy điện (70% sản lượng khí khô) dự kiến tiếp tục suy giảm (9T2023: -3.6% CK) khi EVN giảm huy động điện khí. Tuy nhiên, xung đột địa chính trị tại Trung Đông đã đẩy giá dầu FO trung bình trong Q4/2023 lên 466 USD/tấn (+17.7% CK), từ đó bù đắp cho sản lượng sụt giảm. Nhờ vậy, PVGAS đã công bố doanh thu sơ bộ đạt 93,000 tỷ (-7.7% CK) và LNST đạt 11,300 tỷ (-23.6% CK) trong năm 2023, lần lượt cao hơn 11.9% và 1% so với dự báo của chúng tôi. Trong năm 2024, chúng tôi dự phóng một năm tương đối trầm lắng với GAS khi nguồn khí ẩm vào bờ không có sự cải thiện, cũng như không có nguồn bổ sung mới. Dự kiến doanh thu và LNST sẽ không có nhiều thay đổi so với 2023, lần lượt đạt 93,636 tỷ và 11,316 tỷ dựa trên các giả định sau: 1) Tiêu thụ khí khô (~50% tổng doanh thu) giảm nhẹ 1% CK trong khi giá khí bình quân vẫn giữ nguyên; 2) LNG sẽ bắt đầu đóng góp nguồn thu với công suất ban đầu ước tính khoảng 10% cho các khách hàng công nghiệp và sẽ tăng dần về sau
Bình luận