Mở sàn giao dịch, thịt heo có rẻ hơn?
UBND TP HCM đã có đầy đủ cơ sở để đáp ứng nguyên tắc vận hành sàn giao dịch thịt heo nên sẽ bắt tay thực hiện ngay
TP HCM là thị trường tiêu thụ nhiều thịt heo nhất cả nước với khoảng 9.500 con/ngày thường và 10.000 con/ngày cuối tuần, quy mô thị trường lên tới hơn 500 triệu USD/năm. Tuy vậy, thị trường thịt heo của TP HCM vẫn tồn tại nhiều hạn chế.
Minh bạch hóa thị trường thịt heo
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM, mỗi ngày vẫn còn 3.000 con heo chưa được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, dẫn đến thịt heo lưu thông trên thị trường không đồng bộ về chất lượng, quy cách, tiêu chuẩn.
Tình trạng giết mổ còn thủ công, không bảo đảm vệ sinh dịch tễ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Phương thức kinh doanh đơn giản, do các thương lái chi phối thị trường lẫn giá cả, dẫn đến người chăn nuôi và tiêu dùng thường bị yếu thế. Ngoài ra, các thông tin thị trường không minh bạch nên công tác định hướng chăn nuôi, quản lý và điều tiết thị trường bị động, gặp nhiều khó khăn.
Do đó, Sở Công Thương, Sở NN-PTNT TP HCM và Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam mới đây đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác xây dựng sàn giao dịch thịt heo TP HCM. Mục tiêu là hình thành một thị trường giao dịch tập trung, quy mô và minh bạch nhằm giúp giải quyết tất cả những hạn chế nêu trên.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, sàn giao dịch thịt heo sẽ áp dụng mô hình tổ chức thị trường đang hoạt động hiệu quả trên thế giới, sử dụng hạ tầng công nghệ giao dịch tiên tiến nhất để giúp sàn vận hành hiệu quả. Đây là bước tiến rất quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh.
Về nguyên tắc vận hành, sàn giao dịch thịt heo sẽ triển khai song song giữa Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam và đơn vị độc lập. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, vận hành hệ thống giao dịch. Còn đơn vị độc lập chịu trách nhiệm truy xuất nguồn gốc, kiểm soát số lượng hàng, bảo quản, logistics…
"Sau lễ ký kết, các bên sẽ xây dựng đề án thành lập sàn giao dịch thịt heo và trình UBND TP HCM phê duyệt. Nếu triển khai, người chăn nuôi sẽ tham gia theo từng giai đoạn trên hệ thống giao dịch: Chào giá song phương - giao dịch giao ngay tập trung - giao dịch kỳ hạn tập trung" - ông Phương thông tin.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, chỉ ra điểm khác biệt của sàn giao dịch thịt heo so với các phương thức kinh doanh truyền thống là nằm ở mô hình tổ chức, cách vận hành và hạ tầng công nghệ được áp dụng.
Theo ông Quỳnh, việc tổ chức sàn giao dịch thịt heo trước hết phải đặt lợi ích của người dân thành phố lên hàng đầu. Để triển khai hiệu quả, cần có sự vào cuộc của rất nhiều sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Công Thương và Sở NN-PTNT TP HCM.
Tiêu thụ thịt heo tại TP HCM hiện chủ yếu thông qua các chợ đầu mối.
Kỳ vọng đột phá
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM - đánh giá việc Sở Công Thương hợp tác với Sàn Giao dịch hàng hóa Việt Nam triển khai sàn giao dịch thịt heo sẽ mang lại nhiều lợi ích như: hạn chế tầng lớp trung gian, tạo cơ hội cho cơ quan quản lý nhà nước điều tiết cung cầu, bắt nhịp với xu thế đưa công nghệ thông tin ứng dụng giao dịch điện tử khi giao dịch hàng hóa...
Ông Trần Văn Dai, thành viên HĐQT phụ trách mảng chăn nuôi Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), cho biết dù chưa rõ cách thức hoạt động của sàn giao dịch thịt heo của TP HCM nhưng tinh thần là DN rất ủng hộ. Bởi lẽ, đây là phương thức buôn bán hiện đại, có tiêu chuẩn rõ ràng, thuận tiện cho việc "khớp lệnh". Còn như hiện tại, HAGL đang bán heo và nhận tiền thanh toán ngay tại trại. Giá heo tại Gia Lai thường thấp hơn TP HCM do chưa có tiền vận chuyển.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng chuỗi cung ứng thịt heo của Việt Nam bị đánh giá là còn có nhiều khâu trung gian khiến giá thành bị đội lên. Vì vậy, người chăn nuôi bán giá thấp nhưng người tiêu dùng phải mua giá cao.
"Thời gian qua, nhiều đơn vị đã áp dụng các mô hình mới nhằm rút ngắn chuỗi cung ứng từ trang trại đến người tiêu dùng nhưng hầu như chưa có mô hình nào thành công. Có một nghịch lý là những đơn vị bán trực tiếp giá lại cao hơn trung gian. Đây là thách thức cho những phương thức kinh doanh mới trong điều kiện sản xuất - kinh doanh thịt heo có nhiều tính đặc thù như Việt Nam" - ông Công nhận xét.
Theo ông Công, nghiên cứu các nước chăn nuôi phát triển như Mỹ, Canada cho thấy các trang trại chăn nuôi chủ yếu quy mô lớn. Khi chăn nuôi, họ đăng ký với nhà máy giết mổ và sau khi heo giết mổ, tùy thuộc vào chất lượng thịt mới biết giá bán. Ông Công cho rằng để thịt heo giao dịch qua sàn, cần có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng và được áp dụng đại trà trong khi ở Việt Nam, muốn làm được điều này cần thời gian khá dài. Tuy nhiên, ông kỳ vọng sàn giao dịch thịt heo Việt Nam sẽ có những đột phá để giúp ngành chăn nuôi heo phát triển tốt hơn.
Trong khi đó, bà Võ Thị Huyền Trang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết do đề án quá mới mẻ nên chưa triển khai đến thương nhân. Tuy nhiên, đây là sàn giao dịch sỉ, để người tiêu dùng được mua với giá hợp lý hơn thì cần thêm giải pháp khác cho khâu phân phối lẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận