Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương và các bộ ngành, chuyên gia về tăng trưởng kinh tế vào chiều 24/2 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo:
“Đưa môi trường đầu tư kinh doanh phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; ít nhất 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt là hải quan, chi phí tuân thủ quy định, chi phí không chính thức, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; phấn đấu trong vòng 2-3 năm môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong Top 3 của ASEAN. Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.”
Mệnh lệnh từ người đứng đầu Đảng là kim chỉ nam, nó đồng thời vừa là mục tiêu vừa là động lực và là cách thức để hiện thực hóa bộ giải pháp khả thi nhằm “dọn đường” cho DN rộng đường trở lại thị trường, góp phần đắc lực, hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
* Đơn giản hóa thủ tục hành chính - giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục
Thủ tục hành chính phức tạp là điểm nghẽn lớn, đặc biệt trong cấp phép đầu tư và đất đai. Do đó cần đưa thời gian đăng ký doanh nghiệp từ 3-5 ngày xuống 1-2 ngày (giảm khoảng 50%). Thực tế, TP.HCM là nơi tập trung hàng chục nghìn DN, nhưng thủ tục cấp phép kinh doanh, đăng ký đầu tư, hay xin đất đai vẫn tốn nhiều thời gian (trung bình 3-5 ngày cho đăng ký DN, lâu hơn với dự án đầu tư lớn). Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các DN nhỏ và vừa – lực lượng chiếm đa số tại thành phố.
Một trong những biện pháp chính là cần số hóa toàn bộ quy trình cấp phép, ứng dụng AI vào hệ thống Cổng Dịch vụ Công TP.HCM để tự động hóa kiểm tra hồ sơ, tự động hóa thẩm định hồ sơ, giảm thời gian xuống còn 1-2 ngày, đồng thời công khai mọi bước xử lý để tăng tính minh bạch.
Với cơ chế một cửa qua việc triển khai “Trung tâm hành chính công”, “Trung tâm hỗ trợ DN” sử dụng AI để phân tích và xử lý thủ tục trong vòng 24 giờ, giảm 30- 40% thời gian chờ đợi so với hiện tại là lựa chọn tối ưu.
Bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết, trong đó giảm chi phí khởi sự như miễn phí cấp phép trong 6 tháng đầu 2025 và loại bỏ ít nhất 30% yêu cầu giấy tờ không thiết yếu (ví dụ: giấy xác nhận kinh nghiệm không liên quan, giấy chứng nhận vốn pháp định với ngành không rủi ro cao, chứng nhận vốn pháp định trong ngành du lịch…)
* Hỗ trợ tài chính và tiếp cận vốn - cần giảm 30% chi phí kinh doanh
Cần triển khai gói vay ưu đãi sau Tết, cụ thể là gói tín dụng 20,000-30,000 tỷ đồng với lãi suất dưới 5%/năm. Giảm ít nhất 30% chi phí lãi vay so với lãi suất thị trường (thường 8-10%/năm), ưu tiên DN vừa và nhỏ trong các ngành dịch vụ, du lịch. Điều cần lưu ý là công khai tiêu chí xét duyệt trên cổng thông tin điện tử; triển khai hệ thống giám sát điện tử (dùng AI) để theo dõi quá trình xét duyệt vốn vay và cấp phép, công khai danh sách cán bộ xử lý hồ sơ, giảm thiểu cơ hội “đi đêm”, giảm 30% thời gian xử lý.
Trong bảo lãnh tín dụng, cần tăng mức bảo lãnh lên 70-80% khoản vay, giảm chi phí không chính thức (như phí “bôi trơn” để được vay) mà DN thường gặp phải.
Một trong những điểm yếu trong các bộ chỉ số cải cách, cạnh tranh của TP.HCM là chi phí không chính thức vẫn còn cao, trong đó nó thường xuất hiện trong các giao dịch với ngân hàng (để được duyệt vay nhanh), cơ quan thuế, hoặc khi xin giấy phép xây dựng tại các quận trung tâm như Quận 1, Quận 3. Điều này đẩy chi phí vận hành của DN lên cao.
Chưa kể chi phí logistics cao (do phụ thuộc cảng Cát Lái) và thủ tục hải quan rườm rà càng làm khó DN xuất nhập khẩu tại đây. Do đó, cần áp dụng công nghệ số để giảm phụ thuộc vào kiểm tra thủ công từ cơ quan quản lý, cắt giảm chi phí không chính thức, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và thị trường minh bạch.
* Kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ thị trường
Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa vẫn là một trong 3 trụ cột chính của động lực tăng trưởng quốc gia nhiều năm qua. Song, ở thời điểm này, cần đặt nó ở cả hai khía cạnh, đó là: kích cầu nội địa bằng cách giảm thuế tiêu thụ và hỗ trợ DN tiếp cận thị trường trong nước và kích cầu du lịch nội địa - quốc tế thông qua miễn visa cũng như xúc tiến thương mại mạnh mẽ hơn.
Trong lộ trình triển khai Tháng khuyến mãi, ưu tiên hỗ trợ DN giảm giá bán, tăng sức mua, gián tiếp giảm áp lực tài chính cho DN; giảm thuế VAT 2% (như năm 2023). Đồng thời hỗ trợ DN du lịch bằng các chiến dịch quảng bá miễn phí, tăng sức mua nội địa thêm 10-15%; tổ chức hội chợ trực tiếp, cùng trực tuyến dùng AI để khớp nối DN với khách hàng.
Một trong các biện pháp thiết thực là hỗ trợ logistics, cụ thể giảm 20-30% phí dịch vụ tại cảng Cát Lái và trung tâm logistics, đúng với mục tiêu giảm chi phí hải quan và vận chuyển. AI có thể được dùng để tối ưu hóa lộ trình vận chuyển, giảm thêm chi phí không chính thức.
Khi thị trường số lên ngôi và đang là “chủ lưu” thì cần đẩy mạnh chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số cho DN, nhất là thị phần bán lẻ. Hướng tới mục tiêu cung cấp phần mềm quản lý thông minh (dự báo nhu cầu, tối ưu chi phí) - thông qua AI - cho 5,000 doanh nghiệp, giảm ít nhất 30% chi phí vận hành so với phương thức truyền thống. Tập trung vào kỹ năng quản lý số và marketing online để tăng sức cạnh tranh, giảm chi phí tổ chức khóa học truyền thống xuống 40-50%.
Để cụ thể và từng bước thực thi hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư xung quanh con số “giảm 30%” nói trên, chính quyền cần tìm mọi biện pháp để gia tăng niềm tin và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Cần nhất quán “bộ công thức” có cơ chế và công cụ (số hóa, AI) để hỗ trợ DN tối ưu chi phí, kể cả Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2025 cũng cần tính đến cách thức tổ chức bằng nền tảng số tích hợp AI để kết nối DN với nhà đầu tư, giảm 30- 40% chi phí tổ chức so với hình thức truyền thống. Tăng tiếp cận và hấp thụ vốn (thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm), đơn cử xây dựng Quỹ 500 tỷ đồng giúp DN mới giảm chi phí huy động vốn từ nguồn tư nhân (thường tốn phí môi giới 10-15%), phù hợp với mục tiêu giảm chi phí kinh doanh.
Một thực tế cần nhận diện rõ: TP.HCM là trung tâm công nghệ của cả nước nhưng cũng là thị trường chính của doanh nghiệp nhỏ, từ công nghệ đến vốn đều thiếu hụt. Do đó, cả trong bước khởi nghiệp hay đang loay hoay tìm cách quay trở lại thị trường (sau khi tạm rời, tạm dừng), rất cần những chính sách hỗ trợ, vai trò “bà đỡ” chính quyền thông qua các “đơn hàng” cụ thể như hỗ trợ 50% chi phí thuê mặt bằng, giảm ít nhất 30% chi phí tái khởi động; đề xuất miễn thuế TNDN trong 3 tháng cho DN tạm ngưng quay lại trước tháng 6/2025; đặc biệt ưu tiên ngành du lịch với miễn phí quảng bá trên nền tảng số; giảm 30% chi phí hành chính bằng cách đơn giản hóa thủ tục tái đăng ký qua AI.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường