Mất thị trường khí đốt châu Âu, Gazprom Nga lần đầu báo lỗ đậm
Cổ đông chính của Gazprom – Chính phủ Nga – phải đối mặt với căng thẳng tài chính trong bối cảnh chi tiêu quân sự tăng cao và các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU.
Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom thuộc sở hữu nhà nước Nga vừa tiết lộ khoản lỗ ròng hàng năm đầu tiên sau 23 năm, báo hiệu sự thay đổi đáng kể về hiệu quả tài chính trong bối cảnh lượng khí đốt vận chuyển đến châu Âu giảm dần và giá khí đốt giảm mạnh do căng thẳng địa chính trị.
Theo kết quả công bố ngày 2/5, Gazprom phải đối mặt với khoản lỗ ròng 629 tỷ Rúp (6,9 tỷ USD) vào năm 2023. Các nhà phân tích dự kiến doanh thu ròng năm ngoái của gã khổng lồ năng lượng Nga là 447 tỷ rúp (4,81 tỷ USD), theo hãng tin Interfax. Điều này trái ngược hoàn toàn với doanh thu ròng 1.230 tỷ Rúp (13,2 tỷ USD) vào năm 2022.
Theo phân tích của Reuters, khoản lỗ năm 2023 là khoản lỗ hàng năm đầu tiên của Gazprom kể từ cuối những năm 1990/đầu những năm 2000, khi CEO Alexei Miller, đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tiếp quản công ty vào năm 2001.
Công ty, hiện có trụ sở tại St. Petersburg, đã thua lỗ nặng nề vào cuối những năm 1990 sau khi gánh nợ bằng ngoại tệ, bị lạm phát tính theo đồng Rúp do cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998.
Phản ứng của thị trường rất đáng chú ý, với việc giá cổ phiếu Gazprom giảm 3,3% lúc 13h07 giờ GMT (20h07 giờ Việt Nam) ngày 2/5, Reuters cho biết. Điều này phản ánh mối lo ngại của nhà đầu tư về triển vọng cổ tức. Cổ đông chính của Gazprom – Chính phủ Nga – phải đối mặt với căng thẳng tài chính trong bối cảnh chi tiêu quân sự tăng cao và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu, từng là thị trường xuất khẩu chính của nước này, đã sụt giảm kể từ khi ông Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong khi đó, Gazprom, công ty độc quyền vận chuyển khí đốt Nga ra nước ngoài, là nạn nhân rõ ràng nhất của các lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt.
Bất chấp những nỗ lực tăng cường vận chuyển khí đốt sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là sang Trung Quốc, Gazprom vẫn tiếp tục vật lộn với việc mất thị trường truyền thống châu Âu. Mặc dù đường ống Power of Siberia (Sức mạnh Siberia) nối với Trung Quốc đang dần đạt công suất thiết kế, nhưng nó không thể bù đắp hoàn toàn cho sự sụt giảm nhu cầu khí đốt ở “lục địa già”.
Theo tính toán của Reuters, nguồn cung khí đốt của Gazprom cho châu Âu đã giảm mạnh 55,6% xuống 28,3 tỷ m3 vào năm 2023. Bản thân Gazprom đã không công bố số liệu thống kê xuất khẩu của mình kể từ đầu năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận