menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Hạnh

"Mất Tết" vì chứng khoán lao dốc

Những biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong năm 2022 đã khiến nhiều nhà đầu tư “mất Tết” khi tài sản giảm từ vài chục triệu đến cả nghìn tỷ đồng.

Phiên giao dịch chứng khoán cuối cùng của năm 2022 đã khép lại với sắc đỏ hiện diện trên các bảng điện tử. Kết phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 2,2 điểm (-0,22%) về 1.007,09 điểm, tức giảm gần 4% trong tháng 12 và giảm tổng cộng gần 33% trong năm nay.

Bộ chỉ số HNX-Index cũng khép lại phiên cuối cùng trong sắc đỏ với mức giảm 1,23 điểm (-0,6%) còn 205,31 điểm và đã mất gần 57% trong một năm. Trong khi UPCoM-Index tăng 1,07% lên 71,65 điểm nhưng đã giảm hơn 36% so với đầu năm.

Theo dữ liệu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tính đến cuối phiên 29/12 có 620 trong số 743 cổ phiếu đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM (HoSE) và Hà Nội (HNX) giảm giá so với đầu năm. Như vậy, cứ bình quân 10 cổ phiếu thì có 8 cổ phiếu giảm giá. Số lượng cổ phiếu giảm mạnh hơn mức giảm của VN-Index (32,6%) là 404 mã, trong đó hơn 260 mã bị "thổi bay" hơn phân nửa giá trị.

Danh sách 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường chứng khoán năm 2022 gồm 4 đại diện của HoSE và 6 đại diện của HNX. Tất cả đều điều chỉnh trên 84% so với vùng giá cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, những mã cổ phiếu lớn như NVL của Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va và PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng nằm trong danh sách 50 cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường chứng khoán khi lần lượt sụt 84% và 81% (tính đến kết phiên 29/12).

Những biến động mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 khiến hàng loạt nhà đầu tư rơi vào hoàn cảnh thua lỗ nặng nề. Nhiều người “mất nhà, mất xe” bởi đà giảm giá mạnh của 3 chữ cái thời gian qua.

Anh Hùng – một nhà đầu tư chứng khoán cá nhân tại Hà Đông - Hà Nội cho biết, sau khi kết phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, tài khoản đầu tư chứng khoán của anh vẫn đang lỗ hàng trăm triệu đồng bởi đà giảm giá của các mã cổ phiếu đang nắm giữ.

Tương tự, tài khoản đầu tư chứng khoán của anh Hải (Nghệ An) cũng đang lỗ hàng tỷ đồng. “Những năm trước đầu tư chứng khoán giúp nhiều người có cái Tết ấm no. Tuy nhiên, năm nay hoàn toàn trái ngược khi thị trường liên tục có những biến động mạnh”, anh Hải cho biết.

Không chỉ cá nhân mình bị “mất Tết” do đà giảm của thị trường chứng khoán gian qua, nhà đầu tư này cho biết nhiều thành viên trong nhóm đầu tư của mình cũng thời đang lỗ từ 10-40% khoản đầu tư bởi giảm của các mã cổ phiếu từ đầu năm 2022 đến nay.

Anh Hải chia sẻ, thậm chí nhiều người sử dụng đòn bẩy tài chính cao còn thua lỗ nặng hơn khi bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu trong những đợt biến động mạnh của thị trường chứng khoán thời gian qua.

"Tôi vay ký quỹ và dự định lướt sóng vài phiên để gỡ chút ít khoản lỗ hồi giữa năm, nhưng tình hình này thì xem như mất Tết", anh Hiếu – một nhà đầu tư chứng khoán cá nhân khác tại Nghệ An nói và cho biết đợt vào lệnh mới đây đang lỗ hơn 150 triệu đồng.

Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, đà giảm mạnh của thị trường cũng khiến khối tài sản của những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam biến động mạnh.

Theo thống kê của Forbes, tính đến kết phiên giao dịch ngày 30/12, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn dẫn đầu danh sách người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng 4,1 tỷ USD. Dù vậy, so với giá trị tài sản ròng ước tính hồi đầu năm khoảng 6,2 tỷ USD, vị tỷ phú người Hà Tĩnh đã mất tới 2,1 tỷ USD, tương đương mức giảm ròng gần 34% tài sản trong năm nay.

Chủ tịch Trần Đình Long của Tập đoàn Hòa Phát kết thúc năm 2022 với khối tài sản 1,5 tỷ USD, tương đương mức giảm ròng 1,7 tỷ USD (giảm hơn 53% so với đầu năm).

Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với các tỷ phú USD còn lại của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang, ông Trần Bá Dương và gia đình với giá trị tài sản giảm hàng trăm triệu USD từ đầu năm đến nay.

Trong đó, vị nữ CEO Vietjet Air hiện sở hữu 2,3 tỷ USD tài sản ròng, giảm 800 triệu USD (-25%) so với đầu năm; Chủ tịch Techcombank sở hữu 1,6 tỷ USD, giảm 700 triệu USD (-30%); Chủ tịch Masan hiện nắm 1,4 tỷ USD, giảm 500 triệu USD (26%).

Tài sản của tỷ phú Trần Bá Dương và gia đình có mức biến động thấp nhất. Chủ tịch Thaco hiện nắm 1,5 tỷ USD, giảm 100 triệu USD (-7%) so với con số 1,6 tỷ USD ước tính hồi đầu năm.

Cùng với đó, kết thúc năm 2022, số tỷ phú USD Việt Nam cũng giảm 1 người khi ông Bùi Thành Nhơn đã rời khỏi danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes từ giữa tháng 11 khi giá cổ phiếu NVL (Novaland) liên tục giảm mạnh, kéo khối tài sản ròng của ông Nhơn xuống dưới mốc 1 tỷ USD.

Trong chưa đầy một năm, 7 tỷ phú USD của Việt Nam đã mất hơn 8 tỷ USD. Hiện tổng tài sản của 6 tỷ phú USD còn lại trong danh sách là 12,4 tỷ USD.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

1,205.61

+28.21 (+2.40%)

Biểu đồ mã VN-INDEX

227.87

+5.24 (+2.35%)

Biểu đồ mã HNX-INDEX
Xem thêm Xem thêm
5 Yêu thích
13 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại