Masan thể hiện dấu ấn khi điều hành VinMart, VinMart+
Theo Bản Cáo Bạch phát hành trái phiếu của Masan, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang từ tháng 12/2019 đã làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phát triển thương mại và dịch vụ VCM, và làm Chủ tịch Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce.
Ông Quang lên làm Chủ tịch 2 công ty này sau khi Masan nhận toàn bộ hệ thống Vinmart, Vinmart+, VinEco từ tay Tập đoàn Vingroup.
Ngay sau khi nắm quyền điều hành chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam bao gồm hơn 3000 siêu thị và cửa hàng, Masan đã nhanh chóng có những kế hoạch hành động để củng cố thêm sức mạnh cho VinMart và VinMart+. Điều này được thể hiện rất rõ tại chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam những ngày gần đây.
“Thấu hiểu người tiêu dùng” lợi thế lớn của Masan khi tham gia thị trường bán lẻ.
Trước khi tham gia thị trường bán lẻ, Masan được ví như “ông trùm” hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Không chỉ có những sản phẩm chất lượng hàng đầu, Masan còn nắm trong tay mạng lưới phân phối rộng khắp với 180.000 điểm bán lẻ thực phẩm và 160.000 điểm bán lẻ đồ uống. Những con số ấn tượng này thể hiện Masan hoàn toàn không phải là “tay mơ” trong mảng bán lẻ.
Với hơn 98% người Việt Nam từng sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của Masan, hẳn ít ai thấu hiểu khách hàng Việt Nam như doanh nghiệp này. Masan cũng đang dần phát huy triệt để “sự thấu hiểu” này khi điều hành VinMart, VinMart+.
Giải cứu nông sản, bán hàng không lợi nhuận để hỗ trợ nông dân. Hàng hóa được bổ sung liên tục, chất lượng đảm bảo, giá cả bình ổn. Không gian mua sắm an toàn được thiết lập bằng những quy định phòng chống dịch bệnh chặt chẽ. Đó là những điểm sáng tại VinMart, VinMart+ trong những ngày này.
Thời điểm sau tết cùng với dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khiến các mặt hàng như khẩu trang, nước rửa tay rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu. Thực phẩm thiết yếu như rau xanh, thịt đã có thời điểm khan hiếm, bị đội giá do nhu cầu tăng cao. Trong bối cảnh đó, Masan đã thể hiện năng lực khi đảm bảo bình ổn giá với nguồn cung hàng hóa ổn định tại VinMart và VinMart+, bằng việc chủ động đặt hàng, ưu tiên chuyển hàng về các siêu thị có nhu cầu mua sắm lớn từ các nhà cung cấp lớn và uy tín.
Toàn bộ kế hoạch cung ứng hàng hóa đều được VinMart, VinMart+ chủ động, báo cáo và cam kết với Bộ công thương, Sở công thương các tỉnh để đảm bảo bình ổn thị trường và đầy đủ hàng hóa cho người tiêu dùng. Chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam cũng thiết lập không gian mua sắm an toàn với những quy trình phòng chống dịch bệnh chặt chẽ, áp dụng với cả nhân viên và khách hàng. Đẩy mạnh bán hàng online, giao hàng chỉ trong 24h khi khách hàng có tâm lý ngại ra khỏi nhà.
VinMart, VinMart+ chung tay giải cứu nông sản, hỗ trợ nông dân trước nguy cơ mất trắng khi không thể xuất khẩu sang Trung Quốc do bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Từ dưa hấu, thanh long và mới đây nhất là chiến dịch giải cứu tôm hùm, bán hàng không lợi nhuân của của VinMart đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ của cộng đồng. Chiến dịch này vừa thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vừa mang đến cho người tiêu dùng cơ hội sử dụng nông sản Việt Nam chất lượng cao với giá rẻ.
VinMart, VinMart+ bài toán lớn trong chiến lược phát triển dài hạn của Masan.
5 năm dưới thời Vingroup, Vinmart và Vinmart+ đã phát triển vượt bậc, trở thành hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất thị trường, có mặt tại 50 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Chuỗi cung ứng hàng hóa của VinMart & VinMart+ được đầu tư bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế, mô hình vận hành ứng dụng công nghệ 4, liên tiếp 2 năm dẫn đầu top 10 nhà bán lẻ uy tín nhất Việt Nam. Đây là nền tảng cốt lõi để Masan tiếp tục “có bột gột nên hồ” trên thị trường bán lẻ.
Ông Trương Công Thắng, CTHĐQT Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) từng phát biểu: “Chiến lược của Masan Consumer Holding năm 2020-2030 là sở hữu các chuỗi bán lẻ hiện đại, hùng mạnh tại Việt Nam. Vì vậy, sở hữu VinMart, VinMart+ một bước đi then chốt trong chiến lược đó. Vinmart, Vinmart+ là ngọn cờ sáng nhất trong lĩnh vực bán lẻ trên thị trường Việt Nam hiện tại”.
Trong báo cáo thường niên 2018, Masan đã từng nhấn mạnh chiến lược tiếp theo là kết nối những lĩnh vực kinh doanh với hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng. Định hướng của chiến lược này là triển khai cửa hàng một điểm đến "a one-stop shop" - nơi giải quyết tất cả vấn đề của khách hàng, từ tài chính, thịt, thực phẩm và đồ uống đến chăm sóc sức khoẻ. Ngoại trừ khoáng sản, các hoạt động lõi còn lại của Masan đều xoay quanh hàng tiêu dùng và bán lẻ. Vinmart, Vinmart+ sẽ là mảnh ghép quan trọng cho mục tiêu trở thành đế chế trong lĩnh vực hàng tiêu dùng - bán lẻ của tập đoàn này. Có thể thấy, VinMart và VinMart+ là bài toán lớn trong chiến lược phát triển dài hạn của Masan.
Số liệu hồi 1/2020 cho biết, VinCommerce đang sở hữu 3.022 siêu thị Vinmart và Vinmart+, tăng trưởng doanh thu năm 2019 đạt 65%, lợi nhuận được cải thiện và tiến tới sẽ đạt điểm hòa vốn vào năm 2020.
Số liệu nghiên cứu của Masan cho thấy, mặc dù ra đời cùng thời điểm với Bách hóa xanh của Thế giới di động, doanh thu của Vincommerce năm 2019 đạt khoảng 26.000 tỷ, gấp đôi của Bách Hóa xanh.
Mục tiêu năm 2020, Vinmart sẽ tập trung cải thiện lợi nhuận thay vì mở rộng ồ ạt như trước và sẽ đóng cửa một số cửa hàng không hiệu quả, dự kiến mở mới 10-30 siêu thị Vinmart và 100-300 cửa hàng Vinmart+.
Chuỗi này sẽ tập trung vào các siêu thị dưới 1.500m2 mang lại doanh thu tốt nhất, cắt giảm các siêu thị kém hiệu quả ở Hà Nội, TP HCM, Nha Trang và Cần Thơ; mở rộng vào các thành phố cấp 2 và nằm trong các trung tâm thương mại Vincom.
Masan đặt mục tiêu năm 2020 doanh thu của Vinmart sẽ tăng 48%, tăng trưởng các cửa hàng hiện hữu 24% trong khi con số này của Vinmart+ là 78% và 25%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận