M&A lĩnh vực công nghệ sẽ “nóng” năm 2022
Giới chuyên gia kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của thị trường M&A trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam trong năm 2022 khi dự báo đầu tư trong lĩnh vực này có thể chạm mốc 2 tỷ USD.
Nhìn lại thị trường M&A Việt Nam trong năm 2021, TS. Nguyễn Công Ái - Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam nhận định, thị trường này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ với tổng giá trị được ghi nhận ở mức trên 8,8 tỷ USD năm 2021, tương ứng tăng trưởng gần 18% so với cả năm 2020; trong đó riêng M&A lĩnh vực công nghệ đã đóng góp 1 tỷ USD. Đây là một con số đáng kể so với giai đoạn trước.
Đại diện KPMG cũng cho biết, lĩnh vực công nghệ Việt ngày càng nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư nước ngoài. Gần đây, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc quan tâm tới một số lĩnh vực công nghệ của Việt Nam. Các giao dịch đáng chú ý trong thời gian qua có thể kể đến như: Tiki với vòng gọi vốn 258 triệu USD do Bảo hiểm AIA dẫn dắt; Sky Mavis gọi vốn 152 triệu USD do Andreessen Horowitz dẫn dắt; Momo gọi vốn 100 triệu USD do Warburg Pincus dẫn dắt…
Lực hấp dẫn nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ một phần cũng nhờ việc Chính phủ đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp và phát triển nguồn nhân lực công nghệ. Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đang được cải thiện đáng kể, điều này sẽ trở thành nam châm thu hút đầu tư từ nước ngoài. Theo TS. Nguyễn Công Ái, tiềm năng trong năm 2022, thị trường M&A Việt có thể tăng gấp đôi, còn trong lĩnh vực công nghệ sẽ tăng 150%, chạm mốc tới 2 tỷ USD trong năm nay.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đang có trên 60.000 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó hơn 45.000 doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin, thương mại điện tử đi kèm với sự phát triển của các ứng dụng trung gian thanh toán sẽ là mảng thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhất. Fintech cũng là một điểm nhấn đầu tư trong giai đoạn chuyển đổi số sắp tới. Bên cạnh đó, trong hai năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số… sẽ là tiềm năng cho M&A. Từ đó M&A lĩnh vực công nghệ số chính là mảng đầu tư rất hứa hẹn cho nhà đầu tư, đồng thời hoạt động này cũng sẽ mang tới cơ hội và nguồn lực cho các doanh nghiệp công nghệ số.
Trước câu hỏi việc tăng trưởng ấn tượng của hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ là đáng mừng hay đáng lo, ông Hồ Phi Ân - CEO của EI Industrial cho rằng đây là việc rất đáng mừng. Bởi lẽ, các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận được nguồn vốn dồi dào từ các quỹ đầu tư nước ngoài lớn, dù đây là hành trình không dễ dàng. Còn nỗi lo việc doanh nghiệp mình có thể bị thâu tóm hay không là tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp. Các công ty công nghệ có vòng đời nhanh và khi đã bước ra sân chơi thế giới thì không được phép sợ bị thâu tóm. Nếu doanh nghiệp không đủ giỏi và bị thâu tóm cũng là điều bình thường.
Cũng theo ông Ân, các quỹ đầu tư luôn đặt Việt Nam trong tầm ngắm, trong đó nhiều quỹ chọn Việt Nam là thị trường mũi nhọn trong năm 2022, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp B2B (“Business to Business”- hình thức kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp). Theo đó, trong hai đến ba năm tới, Việt Nam sẽ có thêm ít nhất năm doanh nghiệp kỳ lân. Hiện tại, năng lực công nghệ thông tin của Việt Nam đang xếp trong top 4-5 trên thế giới.
Tuy có nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít rào cản đối với việc phát triển của doanh nghiệp công nghệ số cũng như thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Theo ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông, Việt Nam đang đi chậm so với các nước trên thế giới về mặt thể chế trong các lĩnh vực như tài sản số, dữ liệu, quy định về thuế, kinh doanh, sandbox… Hy vọng trong năm 2022 sẽ là một điểm nhấn lớn khi Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ sửa bốn luật đó là Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Viễn thông, Luật Tần số. Trong đó Luật Giao dịch điện tử cần thống nhất các vấn đề liên quan đến chữ ký số, giao dịch số, hợp đồng số, dữ liệu số… là nền tảng cực kỳ quan trọng; thứ hai là Luật Công nghiệp công nghệ số cần ưu tiên giải quyết hai bài toán, là cơ chế về sandbox và khung pháp lý về tài sản số, từ đó thúc đẩy M&A trong lĩnh vực công nghệ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tuyên thông tin, hiện đã báo cáo Chính phủ và sẽ chuyển sang trình Quốc hội đưa vào kế hoạch năm 2023. Liên quan đến nội dung về M&A, Luật sẽ định nghĩa lại thế nào là công nghiệp công nghệ số và các hoạt động liên quan công nghệ số. Bên cạnh đó, cần có quy định để người Việt Nam kinh doanh và kiếm lời trên tài sản số, thay vì những tài sản này nằm trong tay các ông lớn quốc tế. Đó là một vấn đề được đưa vào dự thảo luật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận