M&A công ty chứng khoán: “Đơn đặt mua” vẫn đều
Xu hướng mua giấy phép công ty chứng khoán vẫn tiếp diễn, sau hàng loạt thông tin công ty chứng khoán nhỏ đổi chủ, tăng vốn, đổi diện mạo trong thời gian vừa qua.
“Điểm danh” các thương vụ đổi chủ
Đơn vị độc lập về tư vấn mua bán - sáp nhập (M&A) và bán vốn gửi danh sách các dự án M&A mà bên bán đang sở hữu trên 65% cổ phần tới các dealer (tổ chức, cá nhân chuyên môi giới thương vụ), trong đó, có danh sách một số công ty chứng khoán đang muốn bán giấy phép. Vài đội/nhóm dealer khác cũng chào lẻ các giấy phép, nhưng mức giá được cho là “trên trời”, khoảng 250 - 300 tỷ đồng cho mỗi thương vụ.
“Tôi đang đàm phán cho khách hàng mua giấy phép một công ty chứng khoán, nhưng giá khá cao, định giá bán công ty là 300 tỷ đồng. Chúng tôi vẫn đang thương lượng thêm về giá và tỷ lệ, vì khách của tôi muốn mua 100% công ty, còn bên bán thì không muốn bán 100%”, dealer này cho hay.
Nếu theo dõi thị trường, thì không khó để “điểm danh” các thương vụ đổi chủ trong ngành chứng khoán thời gian qua. Đơn cử, ngày 4/10/2024, cổ đông sáng lập
là Inter-Pacific Securities rút khỏi Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) khi chuyển nhượng 4 triệu cổ phần cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Hương Giang. Sau khi nhận chuyển nhượng, tỷ lệ sở hữu của bà Giang tại SBBS là 60,19%. Trên thực tế, thương vụ này cơ bản đã hoàn tất thỏa thuận từ trước đó và đang trong quá trình thực hiện các thủ tục để chính thức nhận chuyển nhượng.
Mua lại cổ phần chi phối công ty chứng khoán là giải pháp được nhiều định chế tài chính trong và ngoài nước, công ty công nghệ tài chính (fintech) lựa chọn khi muốn gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tại Công ty cổ phần Chứng khoán Hải Phòng (HAC), xuất hiện 2 cổ đông lớn là ông Trần Anh Đức và ông Vũ Hoàng Việt, đã chi hàng trăm tỷ đồng để nắm giữ lần lượt 19,94% và 24,87% cổ phần.
Quá trình đổi chủ của Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia cũng hoàn tất khi công ty này chính thức đổi tên thành Công ty Chứng khoán UP, thay đổi toàn bộ bộ nhận diện thương hiệu và nền tảng giao dịch. Trước đó, các cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia đã thoái hết vốn và rút khỏi Ban lãnh đạo.
Một thương vụ khác có thể kể đến là Công ty Chứng khoán Việt Tín (VTSS) được đổi tên thành Công ty Chứng khoán VTG và chuyển trụ sở vào TP.HCM sau khi TIN Global Pte. Ltd. (Singapore) thâu tóm 49% cổ phần.
Thông tin về nhóm cổ đông mới xuất hiện trong Công ty Chứng khoán APG cũng nhận được sự quan tâm của thị trường, đặc biệt là sau động thái thông qua việc bầu thành viên Hội đồng Quản trị mới tại Đại hội đồng cổ đông của APG (tháng 8/2024).
Bốn ứng viên tham gia HĐQT cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2022 - 2026 gồm ông Huỳnh Đức Hùng, ông Lê Đình Chí Linh, ông Lê Bình Phương và ông Huỳnh Minh Tuấn. Trong đó, ông Hùng từng đảm nhận chức danh Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank) (giai đoạn 1997 - 2019) và Ngân hàng Bản Việt (BVBank); ông Linh đang là Trưởng phòng tại Công ty cổ phần Phần mềm quản lý doanh nghiệp (FAST); ông Phương là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phương Thành Công; ông Tuấn là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FIDT. Cả 4 thành viên HĐQT mới được bầu đều không sở hữu cổ phần APG. Ông Hùng và ông Linh giữ vai trò thành viên HĐQT độc lập.
Trong danh sách được quan tâm, còn có thông tin Công ty Chứng khoán MB (MBS) công bố nghị quyết về việc chào bán 25,7 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, với giá 23.040 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu trên sẽ được chào bán cho 4 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Thời gian nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 20 đến ngày 28/11/2024. MBS dự kiến thu về gần 600 tỷ đồng từ đợt chào bán này.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, lãnh đạo MBS cho biết, Công ty đang làm việc với 3 đối tác chiến lược nước ngoài tiềm năng. Hiện cả 3 đối tác này đều hỗ trợ Công ty cả về vốn và công nghệ. “Đó là các đối tác chiến lược nước ngoài tiềm năng. Chúng tôi hy vọng có thể triển khai trong năm nay. Thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ báo cáo và công bố với cổ đông”, lãnh đạo MBS thông tin.
Xu hướng
Nhiều năm nay, mua lại cổ phần chi phối công ty chứng khoán là giải pháp được nhiều định chế tài chính trong và ngoài nước, công ty công nghệ tài chính (fintech) lựa chọn khi muốn gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam.
Động lực thúc đẩy các nhà đầu tư là dư địa phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam còn lớn, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam có xu hướng tăng nhanh những năm gần đây, trong khi thị trường vốn có tỷ lệ thâm nhập còn thấp, là cơ hội cho các công ty chứng khoán.
Câu chuyện được nhắc nhiều trong năm nay là triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán - mang lại cơ hội tốt cho các doanh nghiệp muốn huy động vốn qua kênh chứng khoán - cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.
Giai đoạn hiện nay, việc cấp phép thành lập mới công ty chứng khoán rất hạn chế, vì vậy, mua lại giấy phép của công ty chứng khoán hiện hữu, hoạt động kém, vốn nhỏ trở thành xu hướng lựa chọn ưu tiên.
Ông Nguyễn Đức Thông, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, bên cạnh sức mạnh tài chính, thì công nghệ đang trở thành yếu tố sống còn trong cuộc đua cạnh tranh của ngành chứng khoán. Trong bối cảnh này, việc tự chủ về công nghệ, đặc biệt công nghệ lõi là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, nhiều công ty chứng khoán, trong đó có SSI, luôn chú trọng đầu tư vào con người, đặc biệt là xây dựng đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin chất lượng cao.
“Chúng tôi hiểu rằng, rất khó dự đoán chính xác công nghệ sẽ phát triển như thế nào trong 5 hay 10 năm tới. Tuy nhiên, với một đội ngũ công nghệ mạnh, chúng tôi tự tin sẽ nắm bắt và áp dụng các xu thế công nghệ mới một cách nhanh chóng, tạo ra các ứng dụng, công cụ, sản phẩm và giải pháp tối ưu để phục vụ khách hàng tốt nhất. Chiến lược này không chỉ giúp SSI thích nghi với sự thay đổi, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường”, ông Thông chia sẻ.
Trong thời gian tới, thị trường chứng khoán Việt Nam có hai câu chuyện quan trọng được quan tâm, đó là nâng hạng thị trường và nâng tầm sản phẩm theo hướng đa dạng hơn, phức tạp hơn. Các công ty chứng khoán cũng đã có sự chuẩn bị cho điều này từ nhiều năm trước, nhất là trong việc xây dựng nền tảng công nghệ, và bắt đầu tăng tốc trong vài năm gần đây.
Làm chủ công nghệ là mục tiêu của nhiều công ty chứng khoán, để tự tin xây dựng các hệ thống đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của các sản phẩm mới, dù đó là sản phẩm đơn giản hay phức tạp.
Không những thế, theo chia sẻ của ông Thông, việc phát triển một hệ thống có khả năng mở rộng cũng được SSI đặc biệt chú trọng. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, kỳ vọng thanh khoản và khối lượng giao dịch sẽ tăng mạnh. Hệ thống của SSI cần được thiết kế để có thể mở rộng nhanh chóng, đảm bảo khả năng xử lý tốt hơn trước mọi áp lực, giữ vững sự ổn định và trải nghiệm tối ưu cho khách hàng.
Các công ty chứng khoán đang đầu tư mạnh cho công nghệ, như TCBS, DNSE, HSC, SSI… đều sử dụng dữ liệu làm nền tảng trong quyết định và hoạt động; phân tích và khai thác dữ liệu một cách tối ưu, từ đó cá nhân hóa trải nghiệm và dịch vụ dành cho từng khách hàng.
Nhìn lại giai đoạn 5 - 7 năm trước, hoạt động M&A trên thị trường chứng khoán có xu hướng khá rõ là bơm vốn, tuyển dụng đội ngũ nhân sự và phát triển công ty với đầy đủ các mảng nghiệp vụ đúng nghĩa. Còn trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu mua công ty chứng khoán có phần thiên về việc phục vụ cho hệ sinh thái. Đối với các nhóm nhân sự trong ngành (có lợi thế quan hệ, tệp khách hàng có sẵn…), thì việc mua lại công ty chứng khoán cũng thuận tiện cho họ chính danh, tăng uy tín để “ra riêng”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, một nhân sự vừa trở thành phó chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty chứng khoán (sau khi đại diện cổ đông/nhóm cổ đông nắm cổ phần chi phối) cho biết, ông đang rất bận rộn cho việc rà soát, nhận bàn giao và tái cấu trúc công ty. Mục tiêu của công ty sau tái cấu trúc là tăng vốn, cung cấp dịch vụ chính cho các thành viên trong hệ sinh thái, đồng thời, phát triển công ty theo hướng ngân hàng đầu tư, thay vì chỉ môi giới - margin đơn thuần.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, các thương vụ mua lại công ty chứng khoán không phải lúc nào cũng có “ông chủ lớn” đứng sau bơm vốn, mà có thể xuất phát từ ý tưởng của các nhân sự lâu năm trong nghề, muốn tạo lập riêng.
“Nhóm tôi sẽ mua công ty chứng khoán, mấy anh em cùng làm chung, theo hướng quản lý tài sản”, một nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ.
Lý do họ lựa chọn mua công ty chứng khoán để làm chủ, thay vì đầu quân cho một đơn vị hiện hữu, sẵn hệ thống, phòng ban… là để “tự do phát triển theo ý tưởng, định hướng của mình”, “muốn làm một cái gì đó riêng”, dựa trên cơ sở nhân sự và lợi thế về khách hàng hiện có.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường