M&A công ty chứng khoán - cơ hội và thách thức
Hoạt động M&A các công ty chứng khoán đang ngày càng sôi động với sự tham gia của nhà đầu tư nội địa và quốc tế.
Ngân hàng tìm cơ hội từ công ty chứng khoán
Trong khoảng vài tháng trở lại đây, thị trường liên tục chứng kiến những thương vụ M&A (mua bán - sáp nhập) đáng chú ý của các công ty chứng khoán. Nhiều công ty đã đổi chủ, nhóm cổ đông mới là những ông lớn, trong đó không ít những chủ mới là các ngân hàng.
Một trong những sự kiện nổi bật nhất những tháng cuối năm 2024 là Ngân hàng TNHH một thành viên Public Việt Nam sẽ hoàn tất việc góp thêm 865 tỉ đồng vào Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán Public Bank Việt Nam, qua đó tăng vốn điều lệ công ty lên 1.000 tỉ đồng.
Trước đó, vào tháng 6.2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chấp thuận giao dịch chuyển nhượng 100% vốn tại công ty chứng khoán này giữa Public Bank Vietnam và Ngân hàng Đầu tư RHB (Malaysia). Như vậy, 4 tháng sau khi đổi chủ, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Public Việt Nam được rót thêm khoản vốn lớn.
Cũng vào giữa tháng 6.2024, HDBank chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược sở hữu 30% vốn của Chứng khoán HD sau đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. HDBank đã chi tổng cộng 658 tỉ đồng để sở hữu 43,8 triệu cổ phiếu, với giá phát hành 15.000 đồng/cổ phiếu đồng thời, Chứng khoán HD tăng vốn điều lệ từ 1.023 tỉ đồng lên 1.461 tỉ đồng.
HDBank không phải là nhà băng hiếm hoi mua lại một công ty chứng khoán trong thời gian qua. VPBank trước đó đã mua lại CTCP Chứng khoán ASC và đổi tên thành CTCP Chứng khoán VPBank (VPBank Securities). Ngân hàng này cũng liên tục rót vốn, đẩy vốn điều lệ VPBank Securities lên 15.000 tỉ đồng, cao nhất ngành chứng khoán.
Nhiều công ty quy mô nhỏ đổi chủ
Đầu tháng 10.2024, Công ty Inter Pacific Securities Sdn Bhd (Malaysia) đã chuyển nhượng 4 triệu cổ phần CTCP Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Hương Giang và chính thức rút lui khỏi SBBS.
Trong khi đó, bà Giang tiếp tục mua vào 5 triệu cổ phần SBBS và tăng tỉ lệ sở hữu lên 60,19%, củng cố quyền lực tại SBBS. Ngược lại, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương giảm tỉ lệ sở hữu từ 11% xuống 9,43% với 3,3 triệu cổ phiếu.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Hải Phòng (Haseco, UPCoM: HAC) có những biến động đầy bất ngờ khi Vũ Dương Hiền - Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc đã thoái toàn bộ 24,29% vốn tại Haseco. Thành viên ban lãnh đạo và người có liên quan cũng bán sạch vốn và nhiều lãnh đạo đồng loạt từ nhiệm.
Song song với đó là sự xuất hiện của hai cổ đông mới là ông Trần Anh Đức và ông Vũ Hoàng Việt, khi cả hai bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để lần lượt nắm giữ 19,94% và 24,87% cổ phần của công ty. Đáng chú ý, một “nhân tố mới” là ông Ninh Lê Sơn Hải, từ phó phòng công nghệ thông tin tại Haseco đã được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT từ ngày 21.9.2024.
Còn tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia, ngày 23.9.2024, màn đổi chủ gần như đã được hoàn tất khi công ty này chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán UP, đồng thời sử dụng bộ nhận diện thương hiệu, website, nền tảng giao dịch, email và fanpage mới.
Hay như Công ty Cổ phần Chứng khoán Việt Tín (VTSS) đã đổi tên thành Công ty Chứng khoán VTG (VTGS) và chuyển trụ sở từ Hà Nội vào TPHCM sau khi TIN Global Pte. Ltd - một doanh nghiệp Singapore thâu tóm 49% cổ phần VTGS…
Có thể thấy, hoạt động M&A các công ty chứng khoán đang ngày càng trở nên sôi động với sự tham gia của cả nhà đầu tư nội địa và quốc tế. Sự gia tăng hiện diện của các ngân hàng trong lĩnh vực chứng khoán, cùng với sự chuyển mình của các công ty chứng khoán cho thấy những triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo dự báo của Kirin Capital, xu hướng M&A các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục trong thời gian tới và có thể diễn ra mạnh hơn khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đặc biệt là xu hướng giới đầu tư quốc tế tiếp tục tìm mua những công ty chứng khoán trong nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường