Lý do siêu thị TPHCM nói 'không' với việc tăng giá
Theo nhiều đơn vị, giá cả hàng hóa tại TPHCM thời gian tới sẽ có nhiều biến động, trong đó có mặt hàng gia cầm. Theo lãnh đạo Sở Tài chính TPHCM, hiện nay các doanh nghiệp đủ điều kiện để tăng giá nhưng để chia sẻ với người dân nên cố gắng giữ giá.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ quý I do Sở Công Thương TPHCM vừa tổ chức, bà Phạm Thị Ngọc Thùy - Phó trưởng Phòng Quản lý giá, Sở Tài chính - cho biết, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với chính trị thế giới không ổn định đã làm tăng giá nguyên liệu đầu vào của ngành chăn nuôi. Do đó, nhiều doanh nghiệp bình ổn thị trường trong ngành lương thực thực phẩm đề nghị điều chỉnh tăng giá mặt hàng gia cầm. Mặt hàng này có 4 đơn vị tham gia và tất cả đều đề nghị tăng giá.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM - chia sẻ thông tin.
“Khi Sở Tài chính làm việc với các doanh nghiệp và đề nghị chia sẻ những khó khăn chung nên thống nhất vẫn giữ giá như năm 2022 và không tăng. Tuy nhiên, Sở cũng sẽ tiếp tục theo dõi thị trường cũng như giá nguyên liệu đầu vào, nếu biến động vượt quá ngưỡng, tức là giá chi phí, nguyên liệu đầu vào tăng từ 5-10% thì doanh nghiệp sẽ đề nghị với Sở Tài chính để tăng giá. Hiện nay, các doanh nghiệp đủ điều kiện để tăng giá nhưng để chia sẻ với người dân nên cố gắng giữ giá” - bà Thùy cho biết.
Đại diện các siêu thị cho biết, cũng đang tích cực giữ giá nhiều mặt hàng. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Retail Việt Nam - cho biết, sức mua tăng 10% nhưng chưa bền vững, người tiêu dùng đang mua những mặt hàng thiết yếu là chính.
“Siêu thị chưa có đánh giá về sức mua trong quý II nhưng đang cố gắng giữ giá số mặt hàng cùng nhiều chương trình khuyến mãi để hỗ trợ người dân” - bà Hiền nói thêm.
Nhiều siêu thị cam kết giữ giá nhiều mặt hàng ít nhất đến hết quý II/2023.
Ông Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc thu mua Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam - cho biết, sức mua bán lẻ tại TPHCM đang bị hụt đi khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Để bình ổn giá và kích cầu sức mua, hệ thống này triển khai chương trình bán giá sỉ cho những sản phẩm thiết yếu như rau, thịt, cá. “Hiện đã có 37 doanh nghiệp cam kết không tăng giá ít nhất là trong quý 2/2023” - ông Toàn khẳng định.
Theo Sở Công Thương TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3 tháng đầu năm ước đạt hơn 263.000 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2022 (cùng kỳ giảm 4,8%); trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 163.000 tỷ đồng, tăng 9,1% (cùng kỳ tăng 4,8%), chiếm 61,97% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.
Về xuất nhập khẩu hầu hết đều giảm, trong đó xuất khẩu ước đạt 10,1 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 12,5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ. Kể từ những tháng cuối năm 2022, doanh nghiệp chịu tác động bởi suy giảm tổng cầu từ nước ngoài ảnh hưởng đến xuất khẩu. Đơn hàng từ thị trường thế giới giảm và tình trạng có thể kéo dài đến giữa năm 2023.
Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, để khuyến mãi kích cầu năm 2023, Sở sẽ đẩy mạnh làm việc với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu để tạo ra các sản phẩm khuyến mãi thực chất; thúc đẩy khuyến mãi nhóm doanh nghiệp; Phát triển các chương trình khuyến mãi theo nhóm như hàng không…
“Ngành thương mại, dịch vụ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về chi phí vận chuyển, kho bãi, nhân công...; thu nhập của người dân chưa được cải thiện nhiều nên xu hướng tiêu dùng vẫn tập trung vào mua sắm các nhóm hàng thiết yếu là chính và hạn chế các nhóm hàng hóa, dịch vụ chưa thật sự cần thiết” - ông Vũ nói.
Từ ngày 25 - 28/5, Sở Công Thương TPHCM sẽ tổ chức Diễn đàn xuất khẩu với chủ đề “Liên kết mạnh, xuất khẩu xanh”, quy mô 250 gian hàng với 7 nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực của TPHCM như ngành lương thực thực phẩm, cơ khí, dệt may, da giày… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận thị trường và ký kết đơn hàng mới, tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận