menu
Lý do bạn tôi tài sản chục tỷ vẫn không mua ôtô
Nguyễn Phong
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lý do bạn tôi tài sản chục tỷ vẫn không mua ôtô

Bạn tôi nói đi gần, xe máy tối ưu. Đi xa đặt xe công nghệ, không lo kiếm chỗ đậu, chẳng sợ làm tắc đường cục bộ lúc quay đầu.

Câu chuyện tắc đường ở Hà Nội và Sài Gòn đã kéo dài nhiều năm qua. Nhưng có lẽ, điều đáng lo hơn cả là cách chúng ta vẫn loay hoay tìm nguyên nhân ở phương tiện giao thông.

Lâu nay, xe máy thường bị đổ lỗi, giờ đây, ôtô bắt đầu trở thành "kẻ tình nghi" mới. Ngay trong nhóm bạn nhỏ của tôi cũng chia phe và tranh cãi. Anh bạn thứ nhất, nhà giàu, tài sản cả chục tỷ đồng nhưng không mua ôtô.

Anh nêu quan điểm, ở thành phố đất chật người đông, mua ôtô làm gì khi ra đường quay đầu xe cũng gây tắc cục bộ, một số người đi xe máy nhìn với ánh mắt "thù". Anh không có quê để lái ôtô về lễ Tết, anh là người thành thị.

"Cần đi đâu, làm gì cứ xe máy mà đi cho tiện, xa xa hay trời mưa thì gọi ôtô công nghệ đi, không cần lo kiếm chỗ đỗ". Rồi anh kết luận: Đường sá chật hẹp mà đi ôtô thì không lối thoát. Bảo sao người đi xe máy kêu ca bị ôtô lấn làn.

Nếu có quê, anh cũng ráng mua một chiếc ô tô đậu trong nhà quanh năm, lễ Tết mới lái về quê.

Nhưng tắc đường có thực sự là lỗi của xe máy hay ôtô, hay là kết quả của một hệ thống quy hoạch chưa hợp lý?

Xe máy hay ôtô không thể tự biến thành vấn đề nếu chúng hoạt động trong một hệ thống giao thông được thiết kế tốt. Nhìn sang các đô thị phát triển trên thế giới, phương tiện cá nhân vẫn tồn tại song song với giao thông công cộng, nhưng tình trạng tắc đường được kiểm soát bởi một kế hoạch tổng thể thông minh.

Trong khi đó, tại Hà Nội và Sài Gòn, dân số tập trung quá đông vào nội đô, nhưng hạ tầng lại phát triển không đồng bộ. Mật độ dân cư tăng vọt, đường sá chật hẹp, giao thông công cộng thiếu hụt - tất cả tạo nên áp lực lên các phương tiện cá nhân. Nếu cấm xe máy, liệu số người chuyển sang ôtô sẽ khiến đường sá bớt đông hơn hay ngày càng chật chội?

Chúng ta có thể nhìn lại cách quy hoạch đô thị hiện tại. Từ bệnh viện, trường đại học, nhà máy, đến các khu chung cư cao tầng, tất cả đều tập trung vào trung tâm thành phố. Những người lao động ở xa, mỗi ngày phải di chuyển hàng chục cây số để làm việc, khiến giao thông nội đô luôn trong tình trạng quá tải.

Nhưng thay vì đặt câu hỏi về quy hoạch, chúng ta lại tranh cãi xem phương tiện nào là "thủ phạm". Tại sao không chuyển bớt trường đại học, bệnh viện, nhà máy ra ngoại thành? Tại sao không đặt trần mật độ dân cư tại các khu vực trung tâm, thay vì liên tục xây thêm các khu đô thị cao tầng? Một đô thị nơi dân cư được phân bố hợp lý, mọi tiện ích cơ bản nằm trong bán kính gần sẽ khiến nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân giảm xuống đáng kể.

Đã đến lúc chúng ta dừng tranh luận xe máy hay ôtô là nguyên nhân gây tắc đường. Thay vào đó, hãy nhìn vào bức tranh toàn cảnh: từ quy hoạch đô thị, mật độ dân số, đến hạ tầng giao thông công cộng và cách thực thi luật pháp.

Nếu không thay đổi cách tiếp cận, 20 năm nữa, câu chuyện tắc đường sẽ vẫn ở đó, và chúng ta vẫn loanh quanh giữa những giải pháp "ngọn", thay vì "gốc". Tương lai của các đô thị lớn không nằm ở việc loại bỏ phương tiện nào, mà là làm thế nào để tất cả cùng vận hành hài hòa trong một hệ thống giao thông được thiết kế khoa học và hiệu quả.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả