menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Tiến Hoàng

Lượng chuyển khoản vượt tiền mặt trong thanh toán bán lẻ

Đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội và quá trình chuyển đổi kinh tế số đã giúp lượng chuyển khoản vượt lên trên tiền mặt, trở thành phương thức thanh toán được chấp nhận phổ biến nhất tại các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng, quán ăn, quán cafe trong năm 2021...

Thực tế này được chỉ ra dựa trên kết quả khảo sát hơn 15.000 nhà bán lẻ của Sapo công bố ngày 6/1/2022. Điểm nhấn nổi bật nhất trong hoạt động kinh doanh bán lẻ năm qua chính là vấn đề chuyển đổi số, bán hàng đa kênh trở thành phương án được nhiều nhà bán hàng sử dụng nhất. Cùng với đó, sự chuyển dịch hình thức thanh toán và phương thức vận chuyển trở thành điểm nhấn trong ngành bán lẻ.

LAO ĐAO VÌ DỊCH, NHÀ BÁN LẺ ĐẨY MẠNH KINH DOANH ONLINE

Dịch bệnh và giãn cách xã hội đã gây ra không ít khó khăn cho những nhà kinh doanh. Thống kê có tới hơn 75% nhà bán hàng cho biết doanh thu không tăng trưởng so với năm 2020, trong đó có 37,1% nhà bán hàng bị giảm sút doanh thu trên 30%. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chỉ chiếm 23,9%, thấp hơn so với năm 2020 (30,7%) và năm 2019 (61%).

Chỉ 7% nhà bán hàng cho biết không gặp ảnh hưởng hoặc có sự tăng trưởng kinh doanh ngay trong mùa dịch (chủ yếu thuộc nhóm ngành: tạp hóa- siêu thị mini, thực phẩm; chăm sóc sức khỏe, đồ mẹ và bé; mỹ phẩm).

Giãn cách xã hội trên toàn quốc và dịch bệnh kéo dài đã gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giao vận. Theo chia sẻ từ các cửa hàng, khó khăn lớn nhất chính là tình trạng không giao được hàng đến một số khu vực (39,4%) và tỷ lệ hoàn hủy cao (20,7%).

Lượng chuyển khoản vượt tiền mặt trong thanh toán bán lẻ
Hơn 37% nhà bán hàng bị giảm sút doanh thu trên 30%

Tương tự như năm 2020, ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú có sự suy giảm lớn nhất. Gần 80% chủ nhà hàng, quán ăn, quán cafe không chỉ sụt giảm doanh thu, cắt giảm nhân viên mà nhiều nhà hàng phải đóng cửa, đóng chi nhánh, tạm ngừng kinh doanh vô thời hạn.

Tuy nhiên, nhóm nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử và các kênh trực tuyến vẫn dẫn đầu các nhóm ngành có sự tăng trưởng doanh thu ngay trong mùa giãn cách xã hội (chiếm 11,2%). Mặc dù tỷ trọng giảm sút so với năm 2020 (15%) nhưng sự duy trì vị thế dẫn đầu của bán hàng trực tuyến trong hai năm vừa qua cũng chứng tỏ ưu thế của hình thức kinh doanh này trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số và mô hình bán hàng đa kênh là chìa khóa quan trọng đưa nhà bán hàng bước qua những biến động của thị trường, trở thành phương án thích nghi với bình thường mới

So với năm 2019 và 2020, giải pháp được các nhà bán lẻ 2021 ưu tiên lựa chọn là đẩy mạnh việc bán hàng trên các trang thương mại điện tử và nền tảng trực tuyến. Biện pháp ứng phó với giãn cách xã hội phổ biến nhất năm 2021 chính là chuyển đổi kinh doanh từ offline lên online (chiếm 72,8%), tăng 9% so với năm 2020 (63,8%). Tỷ lệ nhà bán hàng không kinh doanh online cũng giảm từ 36,2% (năm 2020) xuống còn 20,9% (năm 2021).

THANH TOÁN KHÔNG TIỀN MẶT LÊN NGÔI

Một tín hiệu khá tích cực được ghi nhận qua mùa dịch đó chính là sự dịch chuyển hình thích thanh toán mua sắm. Theo đó, chuyển khoản đã vượt lên trên tiền mặt trở thành phương thức thanh toán được chấp nhận phổ biến nhất tại các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng, quán ăn, quán cafe (chiếm 36,5%), vượt thanh toán tiền mặt (29,8%).

Đồng thời, với sự phát triển đa dạng, cạnh tranh khốc liệt giữa nhiều thương hiệu và chương trình khuyến mãi hấp dẫn của các ví điện tử đã đưa hình thức này lên Top 3 loại hình thanh toán được chấp nhận nhiều nhất.

Chuyển khoản cũng được các nhà bán hàng chấm điểm cao nhất về mức độ dễ dàng sử dụng và đối soát. Bên cạnh đó, nhà bán hàng cảm nhận được sự an toàn, tránh nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh khi sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt.

Lượng chuyển khoản vượt tiền mặt trong thanh toán bán lẻ
Hình thức thanh toán chuyển khoản được sử dụng nhiều trong mùa dịch

Ngược lại, hình thức cổng thanh toán (tích hợp trên website) và thẻ tín dụng online không được ưa chuộng, chủ yếu do thời gian đối soát kéo dài và khó theo dõi dòng tiền.

Nhìn chung, 89,3% nhà bán hàng đánh giá rất tích cực về các hình thức thanh toán không tiền mặt, coi đó là xu hướng của hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, vẫn có hơn 10% chủ cửa hàng gặp khó khăn trong đối soát, chi phí duy trì cao và cho rằng thanh toán không tiền mặt là không cần thiết.

Dự đoán trong thời gian tới, rất nhiều công cụ thanh toán không tiền mặt mới sẽ ra mắt thị trường, tạo nên sự đa dạng, linh hoạt và giảm thiểu khó khăn của nhà bán hàng khi ứng dụng trong bán lẻ.

Khi xu hướng làm việc tại nhà và mua sắm trực tuyến được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng sau đại dịch, vấn đề vận chuyển đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà kinh doanh online.

3 XU HƯỚNG NGÀNH BÁN LẺ NĂM 2022

Các chuyên gia dự báo, bán lẻ và dịch vụ sẽ là hai ngành đón đầu xu hướng chi tiêu hậu giãn cách, hứa hẹn một triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2022.

Kết thúc năm 2021, có 46,7% nhà bán hàng tin tưởng thị trường bán lẻ sẽ phục hồi; 14,5% nhà bán hàng kỳ vọng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới. Tuy nhiên, vẫn có 9,4% nhà bán hàng bi quan về tình hình kinh doanh năm 2022.

46,7% nhà bán hàng tin tưởng thị trường bán lẻ sẽ phục hồi; 14,5% nhà bán hàng kỳ vọng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới. Tuy nhiên, vẫn có 9,4% nhà bán hàng bi quan về tình hình kinh doanh năm 2022.

Bước sang năm 2022, dự đoán xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ chính là chuyển đổi số, đa dạng kênh bán hàng, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến bên cạnh tối ưu hóa kênh bán hàng truyền thống.

Những doanh nghiệp đã đầu tư và xây dựng nền tảng trực tuyến hiệu quả, tiếp cận linh hoạt với thương mại điện tử sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đa kênh. Thực tiễn chứng minh, những doanh nghiệp, cửa hàng chuyển đổi số sáng tạo, nhanh chóng đã thích ứng và phát triển trong 2 năm đại dịch vừa qua.

Xu hướng thứ hai là chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại được hưởng lợi từ sự chuyển dịch tiêu dùng sau đại dịch. Trong khi cửa hàng bán lẻ các sản phẩm không thiết yếu bị ảnh hưởng nặng nề trong quý 3/2021, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng và hàng thiết yếu ít chịu ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội hơn. Trong năm 2022, xu hướng hiện đại hóa kênh bán hàng truyền thống, thay đổi mô hình mua nhanh bán gọn sẽ sớm đi vào thực tiễn.

Xu hướng thứ ba là chiến lược bán lẻ đặt khách hàng cá nhân lên hàng đầu. Khi công nghệ đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm bán lẻ hiện đại, giãn cách xã hội và dịch bệnh làm cho khoảng cách của người mua và người bán xa nhau hơn, sức mạnh của sự kết nối giữa con người với nhau sẽ phát huy tác dụng.

Theo các chuyên gia, với các nhà bán lẻ tối ưu hóa trải nghiệm để giữ chân khách hàng và áp dụng nhiều chỉ số đánh giá quá trình bán hàng sẽ có được lợi thế tốt hơn để chiếm lĩnh thị trường.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại