“Lực đẩy” CTG
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) vẫn được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn trong dài hạn.
Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đang chờ đợi kết quả kinh doanh của VietinBank, với dự kiến sẽ là một trong những ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) quý III tích cực.
Dự báo kết quả lợi nhuận
Trong quý III/2024, thu nhập lãi thuần của CTG dự kiến 19% và lợi nhuận hợp nhất sau thuế ước tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các động lực chính cho tăng trưởng LNTT, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đến từ (1) NIM mở rộng 5 điểm phần trăm trên nền thấp của cùng kỳ; (2) quy mô tín dụng tăng trưởng khoảng 16% (hay 9% từ đầu năm); và (3) chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giảm 7%. Chi phí tín dụng cũng được dự báo giảm 12% so với quý trước nhờ hoàn nhập một phần chi phí dự phòng đã trích lập cho phần nợ xấu trong quý III/2024, sau đó đã được kiểm soát và đưa về nhóm nợ tiêu chuẩn. Tại cuối quý III/2024, tỷ lệ nợ xấu trước CIC là 1,4%. Lũy kế 9 tháng 2024, LNTT ước đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, và hoàn thành 67% dự phóng LNTT năm 2024.
Kết quả kinh doanh (KQKD) của CTG chưa phải là công bố chính thức, cơ bản là các số liệu ước tính được ngân hàng này chia sẻ tại ĐHĐCĐ bất thường vừa qua.
Các nhà đầu tư vẫn chủ yếu quan tâm đến tăng trưởng tín dụng và chất lượng tài sản của ngân hàng, bởi mặc dù ngân hàng này vừa có thay đổi về lãnh đạo cấp cao nhưng theo nhiều chuyên gia điều này không làm thay đổi định hướng hoạt động của CTG với định hướng của cổ đông lớn NHNN (gần 65%).
CTG giữ mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể làm giảm NIM còn 2,91%, mặc dù NHNN đã tích cực bù đắp để tăng trưởng huy động qua kênh giấy tờ có giá. Trong quý III/2024, CTG đã huy động từ kênh này khoảng 9.425 tỷ đồng; đồng thời mua lại trước hạn 2.920 tỷ đồng dư nợ trái phiếu trước hạn. Lãi suất coupon bình quân của các trái phiếu đã phát hành trong quý III là 6,14%, thấp hơn 35 điểm phần trăm so với lãi suất tương ứng của các trái phiếu đã được mua lại.
Ngoài ra, trong ngắn hạn, tác động của việc giảm lên đến 2% lãi suất cho vay đối với khoảng gần 50 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão Yagi tại CTG (trên tổng quy mô gói hỗ trợ là 100 nghìn tỷ đồng) lên thu nhập lãi là không quá đáng kể (khoảng 200 tỷ đồng mỗi quý). Tuy nhiên, thu nhập lãi giảm do áp dụng gói vay ưu đãi lãi suất này có thể bắt đầu phản ảnh đầy đủ kể từ quý IV/2024. Do đó, khả năng CTG cũng sẽ chịu tác động ngắn hạn với KQKD trong quý IV, nhưng kỳ vọng được bù đắp bởi đây là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh nhất.
Triển vọng dài hạn
Trong nhóm các ngân hàng Big 4 được duyệt tăng vốn năm nay, khác với Vietcombank, CTG hiện vẫn đang chờ phê duyệt chính thức từ NHNN để trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại trong giai đoạn 2009-2016 và năm 2021.
CTG đang được NĐT quan tâm với thông tin có thể tăng vốn trong quý IV/2024
Theo báo cáo của NHNN, CTG có thể được thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009 - 2016 và năm 2021 khoảng 7.948 tỷ đồng. Từ vốn điều lệ hiện có, nếu thực hiện bước này, vốn điều lệ của CTG sẽ tăng lên hơn 61.000 tỷ đồng.
Trong phương án theo kế hoạch kỳ vọng của CTG khi trình ĐHĐCĐ 2024, nếu được duyệt phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 hơn 13.927 tỷ đồng để chia cổ tức và tăng vốn điều lệ, CTG thậm chí sẽ đạt vị trí Top đầu quy mô vốn điều lệ toàn hệ thống với dự kiến 91.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đó là phương án và mục tiêu tăng quy mô vốn điều lệ ít nhất phải qua năm 2025. Thông tin tích cực hỗ trợ cho ngân hàng và giá cổ phiếu CTG năm 2024 vẫn là chia cổ tức của giai đoạn chưa chia trước đó. Đồng thời, tăng vốn sẽ giúp ngân hàng có thêm cơ sở để mở rộng dư nợ tín dụng, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đảm bảo an toàn vốn năm nay và 2025.
Cho cả năm 2024, VDSC điều chỉnh giảm 5% LNTT của CTG so với dự phóng trước đó xuống mức 27,9 nghìn tỷ đồng từ mức 29,5 nghìn tỷ đồng dựa trên điều chỉnh (1) giảm nhẹ tăng trưởng tín dụng hợp nhất cả năm từ 14,4% xuống 13,8% khi sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng vẫn chưa ổn định, và (2) giảm 7 điểm phần trăm của NIM xuống 2,92%. Theo đó, giá cổ phiếu mục tiêu cũng điều chỉnh giảm 3% xuống 40.400 đồng/cp, phản ánh điều chỉnh tương ứng với dự phóng mới cập nhật. Tổng mức sinh lời kỳ vọng tại giá đóng cửa ngày 18/10/2024 là 11%, khuyến nghị tích lũy đối với CTG.
Trong năm 2025, CTG vẫn được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn với các yếu tố cơ bản của ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện với chất lượng tài sản tốt dần lên và lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2025. Ngân hàng cũng đang tích cực hành trình số hóa, và triển khai nhiều sáng kiến nhằm cải thiện tỷ lệ CASA cũng như tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) trong vài năm qua, theo SSI Research.
Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng chính là tín dụng tiếp tục cải thiện khi nhu cầu/ hấp vốn tích cực, nợ xấu tích lũy giảm dần sẽ giúp CTG thêm điều kiện để thúc đẩy động lực cho vay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận