Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Chuyên gia nhận định, nếu quản lý đúng cách, việc thí điểm và triển khai giao dịch tiền mã hóa có thể mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế và hệ thống tài chính Việt Nam, giảm chi phí giao dịch, nâng cao hiệu quả thanh toán quốc tế, đồng thời tạo cơ hội thu hút đầu tư và hỗ trợ mục tiêu trở thành trung tâm tài chính toàn cầu.
Thủ tướng vừa giao Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp trình Chính phủ khung pháp lý quản lý và phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số trong tháng 3.
Tại buổi làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đồng tình với đề xuất quản lý tiền số như tài sản ảo nhằm hạn chế tác động tiêu cực và thúc đẩy phát triển kinh tế. Ông cũng yêu cầu Quốc hội và Chính phủ nhanh chóng thể chế hóa các quy định, áp dụng cơ chế thí điểm (sandbox) và xây dựng sàn giao dịch để kiểm soát lĩnh vực này.
Quản lý tài sản số: Cơ hội và thách thức
Trong bối cảnh công nghệ blockchain và tài sản mã hóa phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để vươn lên trong nền kinh tế số. Tuy nhiên, thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng gây khó khăn trong quản lý tài sản mã hóa, bảo vệ nhà đầu tư, thu thuế và phòng chống các rủi ro như rửa tiền. Việc xây dựng một khung pháp lý phù hợp không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là yếu tố then chốt để Việt Nam khai thác tiềm năng của tài sản số.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nhấn mạnh rằng cần quan tâm đến việc công nhận tài sản số và tiền số, xây dựng chính sách thuế và các biện pháp ngăn chặn rửa tiền, đảm bảo an toàn thông tin trong giao dịch. Theo ông, khi được luật hóa, giao dịch tài sản số sẽ minh bạch và hợp pháp hơn, đồng thời giúp giảm thiểu gian lận và rửa tiền. Việc thiết lập hệ thống quản lý hiệu quả cũng giúp đảm bảo an toàn thông tin và tính minh bạch của thị trường.
PGS. TS Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh Blockchain tại RMIT Việt Nam, cho rằng, nếu được quản lý đúng cách, tiền mã hóa sẽ giúp giảm chi phí giao dịch, nâng cao hiệu quả thanh toán xuyên biên giới và tạo cơ sở thu hút đầu tư quốc tế, từ đó giúp Việt Nam trở thành trung tâm tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo về các thách thức khi xây dựng khung pháp lý cho tài sản số. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, chỉ ra ba vấn đề chính: thiếu định nghĩa pháp lý rõ ràng về tài sản số, nguy cơ rửa tiền và các hoạt động phi pháp, và việc đảm bảo không làm cản trở sự phát triển của công nghệ blockchain và tài chính phi tập trung.
Cơ chế Sandbox cho tiền mã hóa
TS. Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên RMIT Việt Nam, nhận định rằng cơ chế sandbox sẽ mang lại cái nhìn sâu sắc về thị trường tiền mã hóa và giúp Việt Nam tận dụng lợi ích từ tài chính số, nhưng cần có sự giám sát cẩn thận và kế hoạch dự phòng cho các rủi ro. Cơ chế sandbox sẽ giúp hạn chế phạm vi và quy mô giao dịch tiền mã hóa, cho phép các cơ quan quản lý theo dõi chặt chẽ thị trường và xây dựng chính sách phù hợp.
LS. Nguyễn Thanh Hà cũng cho rằng sandbox là một bước đi quan trọng trong việc giúp cơ quan quản lý đánh giá tác động của các sản phẩm tài chính mới, đồng thời kiểm soát rủi ro. Đây cũng là cơ hội để thu hút đầu tư và phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Để đạt hiệu quả, cần có các quy định rõ ràng về tiêu chí tham gia, phạm vi thử nghiệm và cơ chế đánh giá rủi ro, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý để triển khai đồng bộ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường