menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Anh

Luật Đấu thầu (sửa đổi): 'Cú hích' cho sự minh bạch

Hoạt động đấu thầu từ trước đến nay vẫn là một lĩnh vực ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm và nếu không được quản lý chặt chẽ, có thể gây nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn.

Với những nội dung cải cách trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được chỉnh sửa trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV được kỳ vọng là cú hích lớn, một bước tiến thực sự có ý nghĩa trong lựa chọn nhà thầu, góp phần bảo đảm tính minh bạch, công khai hoạt động đấu thầu. Qua đó tăng cường hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước và nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tới.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh nội dung này.

Xin ông cho biết những bất cập và tiến độ sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu hiện nay?

Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua trong tháng 11/2013 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Sau gần 9 năm thi hành, Luật Đấu thầu cùng với các Luật có liên quan (như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư của nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ....) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý, sử dụng nguồn vốn, tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải sửa đổi toàn diện bởi quá trình triển khai thi hành luật đã phát sinh một số vấn đề. Đó là hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được Luật này quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Tiếp đến, sau khi Luật Đấu thầu được ban hành, một số Luật liên quan như: Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Kiến trúc… đã sửa đổi hoặc ban hành mới có quy định khác so với Luật Đấu thầu. Điều đó đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật Đấu thầu nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thi hành luật này.

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, như: các quy định về hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư còn chưa đầy đủ, thiếu tính linh hoạt, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu cấp bách trong hoạt động đấu thầu, mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh (mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế…) và xây dựng công trình, dự án có quy mô lớn cần đẩy nhanh tiến độ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…

Cùng với đó, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư mặc dù đã được đơn giản hóa nhưng trong một số trường hợp vẫn chưa thật sự tạo thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, nhất là khi phải lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách...

Các quy định về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu chưa thực sự tạo cơ chế hiệu quả, linh hoạt để bảo đảm mua sắm được hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu sử dụng; trong đó, có việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế… Quy định về hợp đồng cũng như các nội dung và nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng còn sơ sài, chưa bao quát hết các nội dung cần thiết phải thỏa thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Không những thế, thực tiễn quá trình tổ chức thi hành luật trong thời gian qua cũng cho thấy, các hành vi vi phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, tinh vi, như: dàn xếp, thông đồng, gian lận, nâng khống giá, cài cắm tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu, không công khai thông tin trong đấu thầu, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu…. Bên cạnh các nguyên nhân phát sinh từ quá trình thi hành luật thì một số quy định của luật còn chưa đầy đủ, chặt chẽ dẫn đến bị lợi dụng.

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; trong đó, có nội dung về mở cửa thị trường mua sắm Chính phủ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Đấu thầu là yêu cầu cấp bách để bảo đảm thực thi đầy đủ và có hiệu quả cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường mua sắm công theo các Hiệp định nêu trên.

Với những lý do trên, mục tiêu quan trọng của việc xây dựng Luật này là nhằm tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất cho hoạt động đấu thầu; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, phát triển bền vững thông qua hoạt động đầu thầu, đồng thời bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu.

Nhiều ý kiến cho rằng, đấu thầu nếu không được quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho trục lợi, tham nhũng, nhưng quản lý chặt sẽ gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Vậy, Luật Đấu thầu cần sửa đổi như thế nào để tạo sự minh bạch, thúc đẩy phát triển kinh tế và xoá bỏ trục lợi, tham nhũng trong quá trình thực hiện, thưa ông?

Trong hoạt động mua sắm công, yêu cầu đặt ra là phải vừa tạo điều kiện thực hiện thủ tục thông thoáng, thuận lợi, nhanh chóng, vừa có thể quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng vốn nhà nước, phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Dự thảo Luật đã cắt giảm nhiều thủ tục cấp trung gian, như phê duyệt các danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật hay danh sách xếp hạng nhà thầu; cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa, dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã thực hiện trước đó… nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí trong hoạt động đấu thầu, mua sắm nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, thông thầu, gian lận…. Một số nội dung của dự thảo Luật đã được hoàn thiện theo hướng: bổ sung, quy định về tiêu chí bảo đảm cạnh tranh trong nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đấu thầu qua mạng, coi đây là biện pháp giúp công khai, minh bạch tối đa, từ đó hạn chế hành vi vi phạm, trục lợi.

Mặt khác, dự thảo Luật yêu cầu tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu và kết quả thực hiện hợp đồng; trong đó có nội dung về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, công trình phải được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đồng thời thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của nhà thầu và chất lượng sử dụng của hàng hóa mà nhà thầu đã cung cấp, làm cơ sở loại bỏ các nhà thầu không có uy tín và hàng hóa không bảo đảm chất lượng…

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá uy tín nhà thầu; cách xác định chi phí cho toàn bộ quá trình sử dụng của hàng hóa, công trình nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá rẻ, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Cùng với đó, một số quy định của Luật đã được hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả áp dụng chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong đấu thầu theo hướng: bổ sung các hành vi bị cấm để xác định đầy đủ các hành vi vi phạm đã xảy ra trong thực tế; đồng thời, tăng cường chế tài và trách nhiệm xử lý của người có thẩm quyền; bổ sung quy định về các trường hợp người có thẩm quyền được phép đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu trong trường hợp phát hiện có sai phạm trong hoạt động tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Với những cải cách nêu trên, Luật Đấu thầu (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn, một bước tiến thực sự có ý nghĩa trong lựa chọn nhà thầu, góp phần bảo đảm tính minh bạch, công khai hoạt động đấu thầu; tăng cường hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước và nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hoạt động đấu thầu từ trước đến nay vẫn là một lĩnh vực ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm và nếu không được quản lý chặt chẽ, có thể gây nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, góp phần đưa luật đi vào cuộc sống thì các cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu và các cá nhân tham gia trực tiếp vào hoạt động đấu thầu cần nâng cao năng lực chuyên môn, công tâm khi thực hiện công việc.

Cùng với đó, cần làm tốt công tác giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; giám sát, quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện hợp đồng.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội đã phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập trong hoạt động đấu thầu, mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và yêu cầu phải có giải pháp căn cơ để giải quyết những vướng mắc này. Vậy, theo ông, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 này đã được hoàn thiện như thế nào để đáp ứng yêu cầu đó?

Bên cạnh một số vướng mắc trong quy định của Luật Đấu thầu, nhiều vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế trong thời gian qua phát sinh chủ yếu từ việc thi hành luật và những bất cập trong các quy định tại một số nghị định, thông tư.

Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc này thông qua việc ban hành một loạt nghị quyết và chỉ đạo sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản có liên quan, gần đây nhất là ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.

Dự thảo Luật cũng đã có một chương riêng và một số quy định cụ thể khác để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phù hợp với đặc thù của ngành y tế, như: quy định cụ thể về các trường hợp mua sắm tập trung, đàm phán giá, chỉ định thầu mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp khẩn cấp, cấp cứu; quy định về các cơ chế mua hóa chất, thiết bị y tế để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập của mô hình máy đặt, máy mượn hiện nay. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc đấu thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật bảo đảm cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả; quy định về ưu đãi trong mua thuốc theo hướng vừa tạo điều kiện cho phát triển nền sản xuất dược trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh...

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại