menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Tuấn Việt

Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng, làm sao “chặn đứng”?

Các đối tượng tội phạm mạng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lên tới 390.000 tỷ đồng.

Thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng vì lừa đảo qua mạng

Lừa đảo trên không gian mạng diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng cho tổ chức, cá nhân, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Việc ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại do lừa đảo trên không gian mạng đang đặt ra rất cấp thiết. Đây là chủ đề chính được nêu tại hội thảo “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” vừa được Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia tổ chức.

Tại hội thảo, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) cho biết, hoạt động lợi dụng không gian mạng tiến hành phạm tội, nổi bật là lừa đảo trực tuyến gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi, là thách thức với mọi quốc gia.

Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng, làm sao “chặn đứng”?
Tội phạm mạng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới (Ảnh minh họa).

Thống kê trên thế giới cho thấy năm 2023, hoạt động lừa đảo trên mạng đã gây thiệt hại là 1.026 tỷ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân. Trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. Trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỉ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

Công ty an ninh mạng Singapore Group-IB công bố vụ tấn công lừa đảo sử dụng 240 tên miền liên kết giả mạo nhằm mạo danh 27 tổ chức tài chính, ngân hàng của Việt Nam để thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng từ năm 2022 đến nay. “Chợ đen mua bán thông tin thẻ tín dụng Biden Cash đã công khai trực tuyến cơ sở dữ liệu miễn phí gồm trên 2 triệu thể ghi nợ và tín dụng. Tình trạng mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng tác động xấu đến uy tín, thương hiệu quốc gia Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công an nêu thực trạng.

Thượng tướng Lương Tam Quang cũng cho hay, thủ đoạn của các đối tượng rất chuyên nghiệp, có tổ chức phân công vai trò cụ thể. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, trú chân tại địa bàn các nước láng giềng, lừa đảo, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ đưa người Việt ra nước ngoài để thực hiện hành vi phạm tội.

Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, phương thức, thủ đoạn phạm tội của nhóm đối tượng này rất tinh vi, sử dụng công nghệ khai thác, giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng để gọi điện, kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán.

Chia sẻ tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) cho biết, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội. Số đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài. Trong khi, người bị hại đa phần thiếu cảnh giác, không có kiến thức về bảo mật thông tin và các hoạt động tố tụng hình sự...

Trong năm 2023, các lực lượng đã đấu tranh, khởi tố hơn 1.500 vụ án. Tháng 4 vừa qua, A05 đã phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ hơn 2.100 tài khoản, trang mạng có dấu hiệu lừa đảo…

Nhìn từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Quang Hưng đánh giá, vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phổ biến, phức tạp và gây hậu quả ngày càng lớn. Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được gần 17.400 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến. Trường hợp bị thiệt hại nhiều nhất lên tới hơn 10 tỷ đồng.

Hoàn thiện hệ thống pháp lý, “chặn đứng” lừa đảo trực tuyến

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, trước diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn tinh vi của các đối tượng chiếm đoạt tài sản qua mạng, A05 đề xuất ba giải pháp: Tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng; triển khai đa dạng các hình thức, nội dung tuyên truyền, kêu gọi sự tham gia sâu rộng của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện tội phạm lừa đảo.

Đồng tình quan điểm trên, ông Trần Quang Hưng cho rằng, các tổ chức, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ người dân, khách hàng thông qua việc định danh người dùng, tăng cường quản lý, rà soát thông tin trên không gian mạng. Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai nhiều giải pháp tổng thể, trong đó có việc hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an toàn giao dịch điện tử.

Nhận định vai trò quan trọng của các nhà cung cấp dịch vụ trong phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tài chính áp dụng giải pháp xác thực sinh trắc học (qua dữ liệu căn cước công dân gắn chíp VNeID) để giảm thiểu rủi ro trong giao dịch thanh toán trực tuyến; làm sạch dữ liệu khách hàng, tài khoản không chính chủ (thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); triển khai hệ thống giám sát các tài khoản thanh toán ví điện tử nghi ngờ gian lận…

Cũng tại hội thảo, Thượng tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh, việc làm rõ tầm nhìn chiến lược, tổng thể, toàn diện về pháp lý, giải pháp, trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong phòng, chống tấn công mạng là cơ sở để cơ quan quản lý tham mưu, định hướng phối hợp hoạt động, bảo đảm cao nhất an ninh con người, cuộc sống bình yên, hạnh phúc, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đề xuất các giải pháp phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng theo 3 hướng: Những giải pháp cụ thể đã đang thực hiện có hiệu quả, cần phát huy; khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; những giải pháp cần bổ sung và thúc đẩy triển khai.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả