Lời xin lỗi không ai muốn nhận
Phải gần nửa tháng sau vụ việc nguồn nước sinh hoạt khu vực phía Tây Hà Nội bị ô nhiễm dầu thải, Công ty nước sạch Sông Đà (Viwasupco) mới đưa ra được một lời xin lỗi sau vài lần lãnh đạo đến từ công ty này thẳng thừng từ chối “cúi đầu” nhận trách nhiệm với các lý do "chờ kết luận của cơ quan điều tra" hay "chúng tôi là nạn nhân lớn nhất".
Trước hết, phải khẳng định rằng trước một sự cố đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của hàng chục vạn người dân như vậy, thái độ của những người lãnh đạo Công ty này là chống chế, vô trách nhiệm và có phần vô lương tâm.
Khi sự cố nước nhiễm bẩn xảy ra lãnh đạo của doanh nghiệp này đã không ý thức được hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của mình, ngược lại họ quy hậu quả đó cho hành vi khách quan không liên quan đến họ. Chỉ khi xã hội, chính quyền lên tiếng phản ứng mạnh mẽ và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra họ mới miễn cưỡng nhận lỗi.
Câu chuyện “khủng hoảng” nước nhiễm bẩn này gợi cho tôi nhớ đến vụ việc vỡ đường ống nước Sông Đà liên tục trong những năm gần đây mà “chủ thể” vẫn liên quan Viwasupco. Khi đó nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt của toàn bộ vùng phía Tây Hà nội liên tục bị gián đoạn, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Mặc dù có nhiều tranh cãi về việc “có tội hay không có tội”, nhưng ý thức được trách nhiệm chính trị của mình, các cơ quan pháp luật đã lập tức vào cuộc khởi tố những người có liên quan đến quá trình thi công do Vinaconex làm chủ đầu tư vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc.
Cũng là “sự cố về nước sạch” thậm chí sự cố lần này còn nghiêm trọng hơn nhưng tại sao một bên có thể hình sự hóa, còn một bên chính quyền đã không thể có động thái nào để chỉ ra hành vi sai trái hay chế tài bên cung cấp nước sạch dù là ở mức thấp nhất. Sự khác biệt cơ bản nhất ở đây chính là yếu tố “nhà nước”. Viwasupco lúc đó là một đơn vị thuộc Vinaconex – một doanh nghiệp Nhà nước nên các cá nhân có “quyền hạn và chức vụ” ở đó đã bị buộc phải chịu trách nhiệm về tội danh “vi phạm quy định về xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng.” Rõ ràng không chỉ là nhà đầu tư hay cung cấp một sản phẩm, Vinaconex còn phải "ghánh" trên vai mình trách nhiệm chính trị, đó là việc đảm bảo an toàn nguồn cung cấp nước sạch cho người dân.
Hiện nay Viwasupco đã được cổ phần hoá, "bóng dáng" của Nhà nước đã không còn hiện diện ở đây nên nó thuần là một doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp sản phẩm. Nên không có gì ngạc nhiên khi được hỏi về “trách nhiệm”, ông Tổng giám đốc Công ty này đã nói trắng rằng ông “cũng chỉ là một người làm thuê”.
Chính yếu tố “phi nhà nước” trong một doanh nghiệp kinh doanh "mặt hàng đặc biệt" thiết yếu hiện nay mới dẫn đến não trạng của doanh nghiệp quan niệm họ là người kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận, bán sản phẩm đơn thuần chứ không bị ràng buộc bởi trách nhiệm chính trị, “trách nhiệm xã hội”, hay yếu tố “an sinh xã hội” gì.
Nước sạch là một mặt hàng kinh doanh thiết yếu ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng, đời sống hàng ngày của mọi người dân, vậy ngay cả khi lĩnh vực này đã được xã hội hóa, thì chính quyền vẫn phải có trách nhiệm ban hành một quy trình quản lí và cơ chế giám sát chặt chẽ đối với sự an toàn, chất lượng nguồn nước ở mọi nơi. Có chế tài chặt chẽ về mặt nhà nước với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, việc “buông” hay “khoán trắng” trách nhiệm cho các doanh nghiệp này cũng chính là hành động "buông tay" đối với người dân.
Với sự cố vừa qua tuy đã được cấp trở lại, nhưng niềm tin vào “nước sạch” của người dân phần nào đã bị lung lay nếu không muốn nói là bị “đánh cắp”, tôi cho rằng không chỉ Viwasupco phải nhận lỗi, chịu trách nhiệm, mà chính quyền Hà nội còn nợ người dân nhiều hơn một lời xin lỗi.
Xem bài viết gốc của tác giả tại đây
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận