Lợi nhuận nghìn tỷ, trả cổ tức tiền mặt vẫn là cái khó của ngân hàng
Câu chuyện chi trả cổ tức của các ngân hàng nóng lên tại mùa đại hội cổ đông năm nay khi nhiều cổ đông nhỏ lẻ chất vất gay gắt. Song, các nhà băng cũng có thế khó của họ.
Chờ được phê duyệt
Thực tế, việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt không phải ngân hàng muốn là được. Một số ngân hàng cần giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ, nhằm tăng tính cạnh tranh. Có ngân hàng đang trong giai đoạn cơ cấu nên chưa được phép chia cổ tức. Hay nhóm Big4 muốn chia cổ tức còn phải chờ ý kiến từ cơ quan có thẩm quyền.
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 của Vietcombank thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, bằng việc dành ra 21.680 tỷ đồng để chia cổ tức.
Đại hội uỷ quyền cho HĐQT thực hiện việc này theo văn bản phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đồng thời xây dựng phương án tăng vốn điều lệ phát hành cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2022 (giá trị 21.680 tỷ đồng) khi được NHNN phê duyệt.
Với đặc thù là ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối, ĐHĐCĐ Vietcombank cũng nhất trí với đề xuất của HĐQT rằng, cổ tức năm 2023 cũng theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
Tương tự, Ngân hàng VietinBank thông qua đề xuất dành 11.521 tỷ đồng lợi nhuận còn lại để tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Quyết định và thực hiện phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 chính thức còn phải đợi ý kiến phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
Còn tại ĐHĐCĐ Ngân hàng BIDV, cổ đông thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 bằng việc phát hành cổ phiếu theo tỷ lệ 23%, từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2022 khoảng 11.634 tỷ đồng.
HĐQT BIDV được uỷ quyền thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2022 theo ý kiến chính thức của NHNN, đảm bảo không vượt các tỷ lệ tối đa theo phê duyệt của Đại hội.
Thậm chí, BIDV còn chưa chi trả cổ tức năm 2021. Ngân hàng dự kiến phát hành 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 (tương ứng lợi nhuận chưa phân phối 6.420 tỷ đồng). Thời gian chi trả dự kiến trong năm 2023 sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Cổ đông biểu quyết thông qua một số vấn đề tại ĐHCĐ 2023. (ảnh: TCB).
Muôn nẻo cổ tức của ngân hàng thương mại
Dù có quy mô lớn trong hệ thống các ngân hàng thương mại, Techcombank đang bị VPBank bỏ xa về khoảng cách vốn điều lệ. Nhằm bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh thuyết phục được các cổ đông không nhận cổ tức năm 2022.
Theo đó, Techcombank trích 32.676 tỷ đồng từ lợi nhuận còn lại của các năm trước để bổ sung vốn điều lệ.
Phần lợi nhuận còn lại 23.500 tỷ đồng được duy trì dưới hình thức lợi nhuận không chia nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Techcombank.
Nhiều ngân hàng chậm trả cổ tức bằng tiền. (Ảnh: Hoàng Hà)
Chuyện không chia cổ tức của Sacombank thậm chí còn bị hiểu sai lệch, dẫn đến những lùm xùm. Trước ý kiến chất vấn của cổ đông về việc nhiều năm liền không chia cổ tức, lãnh đạo Sacombank giải thích, ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, chưa đáp ứng được các điều kiện theo quy định để chia cổ tức.
Một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng bị các cổ đông chất vấn về cổ tức. Tại ABBank, trước phản ứng gay gắt của cổ đông, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT cho rằng, ABBank cần có sự tích luỹ từ lợi nhuận ngân hàng trong vòng 3-5 năm tới để tăng vốn chủ sở hữu, có thể phát hành thêm nguồn cổ phiếu tăng vốn mới khi cần thiết.
Chủ tịch ABBank thuyết phục cổ đông đồng ý giữ lại lợi nhuận để dành nguồn lực đầu tư dài hạn vào con người, hệ thống công nghệ và dữ liệu.
“Chúng ta giữ lại lợi nhuận để đầu tư hệ thống, đầu tư cho con người, đầu tư dài hạn vào công nghệ, để chúng ta có sự bứt phá về lợi nhuận”, ông Kháng nói.
Tại PG Bank, trả lời câu hỏi của cổ đông về lý do không bàn đến phương án chia cổ tức, ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch HĐQT thời điểm đó cho biết, việc chia cổ tức còn phải đợi xin ý kiến của các cổ đông mới.
Dự kiến cuối tháng 5, nhóm cổ đông mua cổ phiếu từ Petrolimex sẽ hoàn tất thủ tục để chính thức ra mắt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường