Lợi nhuận ngân hàng vẫn trông vào tín dụng
Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ, trong khi lãi suất cho vay giữ ổn định, song NIM (biên lãi ròng) của các nhà băng vẫn duy trì mức khả quan. Nguồn thu từ lãi vẫn đóng góp chính vào lợi nhuận ngân hàng.
Chủ yếu đến từ lãi thuần
Tăng trưởng tín dụng cải thiện trong quý III/2024 là động lực chính đóng góp vào lợi nhuận của các ngân hàng giai đoạn này. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, tính đến ngày 30/9/2024, tín dụng tăng 9% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng cũng cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước (6,95%) và đây là động lực cho đà tăng trưởng lợi nhuận ở nhiều nhà băng.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt gần 13.900 tỷ đồng, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngân hàng mẹ đóng góp hơn 13.000 tỷ đồng, trong khi các công ty con tiếp nối đà tăng từ các quý trước. Thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất của VPBank tăng gần 23% trong 9 tháng, đạt hơn 44.600 tỷ đồng; trong đó, ngân hàng riêng lẻ ghi nhận mức tăng hơn 26%, đạt 32.000 tỷ đồng, với thu nhập từ lãi là động lực tăng trưởng chính.
Trong quý III/2024, thu nhập lãi thuần của Eximbank chiếm tới 78% tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng, tăng 8% so với cùng kỳ. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đóng góp đáng kể vào lợi nhuận Ngân hàng với hơn 1.535 tỷ đồng, tăng 76,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế quý III/2024 của Eximbank đạt gần 904 tỷ đồng, tăng 194,4% so với cùng kỳ 2023. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này tăng 39% so cùng kỳ, đạt hơn 2.377 tỷ đồng.
Tại ACB, thu nhập lãi thuần quý III/2024 đạt hơn 6.881 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ, chiếm gần 85% tổng thu nhập hoạt động. Trong khi đó, nhiều mảng kinh doanh khác ghi nhận sụt giảm. Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần chiếm 83% tổng thu nhập hoạt động của ACB, trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này là 76,6%. Tăng trưởng tín dụng của ACB trong 9 tháng cao gấp 1,5 lần trung bình ngành, lợi nhuận trước thuế đạt 15.300 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Tổng giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát cho rằng, nhu cầu vốn cải thiện trong các tháng cuối năm nên Ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí để đẩy mạnh cho vay, đồng thời cũng là động lực giúp Ngân hàng tăng trưởng trong năm nay và các năm tới.
Thu nhập lãi thuần quý III/2024 của Techcombank cũng tăng gần 23% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần của nhà băng này tăng 33,9% so với cùng kỳ. NIM đạt mức 4,3%, đi ngang so với quý trước và tăng so với mức 4,1% của cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 9/2024, tín dụng của nhà băng này tăng trưởng 17,4% so với đầu năm, lên 622.100 tỷ đồng. Tín dụng cá nhân là động lực dẫn dắt đà tăng trưởng của Techcombank trong quý III/2024. Dư nợ khách hàng cá nhân cuối quý III tăng tới 6% so với cuối quý II và tăng gấp đôi mức tăng dư nợ khách hàng doanh nghiệp (bao gồm cho vay, trái phiếu doanh nghiệp).
Đáng chú ý, ở các nhà băng quy mô vừa và nhỏ, nguồn thu từ lãi chiếm đến 80 - 90% tổng thu nhập. Chẳng hạn, lợi nhuận trước thuế quý III/2024 của VietABank đạt 230 tỷ đồng, tăng 265% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 793 tỷ đồng, tăng 34%. Động lực chính của đà tăng trưởng lợi nhuận quý III tại VietABank đến từ hoạt động cốt lõi là tín dụng, với thu nhập lãi thuần đạt 462 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Hay tại PGBank, thu nhập lãi thuần quý vừa qua tăng gần 50% so với cùng kỳ, mang về 416 tỷ đồng. Kết quả tích cực này đến từ việc thu nhập lãi tiếp tục tăng trưởng, trong khi chi phí lãi giảm so với cùng kỳ năm trước.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, với các ngân hàng Việt Nam, tín dụng vẫn là động lực chính đóng góp vào lợi nhuận, trong khi để giảm bớt rủi ro, các nhà băng cần gia tăng nguồn thu ngoài lãi.
Hụt nguồn thu ngoài lãi
Trong bối cảnh thị trường không mấy thuận lợi, nhất là mảng kinh doanh bảo hiểm chưa hồi phục hoàn toàn, các ngân hàng thương mại tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm nguồn thu ngoài lãi trong quý III/2024.
Cụ thể, tại Techcombank, trong khi thu nhập lãi thuần tăng thì thu nhập từ các hoạt động kinh doanh ngoài lãi đều sụt giảm mạnh: lãi thuần từ dịch vụ giảm 13,7%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm một nửa.
Tương tự, lãi thuần hoạt động dịch vụ trong quý III/2024 của ACB giảm 2,1%, mang về 747,2 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và từ góp vốn, mua cổ phần giảm lần lượt 47,2% và 50,1% so với cùng kỳ, xuống còn 166,6 tỷ đồng và 19,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quý này, ACB không còn ghi nhận khoản thu đột biến từ chứng khoán đầu tư. Lãi thuần từ mảng này đã giảm gần 95%, xuống còn 47,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 882 tỷ đồng.
Tại KienLongBank, thu nhập lãi thuần tăng gấp đôi trong quý III/2024, còn thu nhập ngoài lãi giảm 40% (lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 38,5%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 94,5%, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 86%). Theo đó, tỷ trọng thu nhập lãi thuần trên tổng thu nhập hoạt động quý III của nhà băng tăng mạnh lên mức 85,5%, thay vì mức 65% cùng kỳ năm ngoái…
Trái chiều với thu nhập lãi thuần tăng cao, lãi thuần từ mảng dịch vụ của Eximbank giảm từ mức 115,6 tỷ đồng trong quý III/2023 xuống còn 102,9 tỷ đồng trong quý này, tức giảm 11%. Hoạt động chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ hơn 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 141 tỷ đồng…
Tương tự, BaoVietBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III giảm 22% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ còn 7 tỷ đồng. Theo nhà băng này, lợi nhuận giảm chủ yếu do tổng thu nhập hoạt động giảm mạnh trong quý, giảm gần 26%. Các hoạt động ngoài lãi như hoạt động dịch vụ ghi nhận sụt giảm mạnh từ 403 tỷ đồng xuống còn 151 tỷ đồng, tương ứng giảm 62,5% và một số khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, hoạt động kinh doanh khác cũng tác động đến lợi nhuận ngân hàng…
Đáng chú ý, các ngân hàng có nguồn thu cao từ mảng kinh doanh bảo hiểm ở những năm trước vẫn chưa ghi nhận sự phục hồi rõ nét trong quý III và 9 tháng đầu năm nay.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, sự phân hoá về lợi nhuận giữa các ngân hàng ngày càng rõ nét. Các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa, do phải cạnh tranh gay gắt về tín dụng và tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay, do đó NIM (biên lợi nhuận) khó giữ nguyên và tăng. Trong khi, nợ xấu ở các nhà băng này có xu hướng tăng, do chất lượng tài sản đi xuống. Ngược lại, với những ngân hàng quy mô lớn, có thị phần tín dụng tốt sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận khi nguồn thu từ lãi thuần tăng, nhờ giữ được NIM và thậm chí tăng. Trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay thì NIM tại các ngân hàng lớn khó tăng cao. Bên cạnh đó, nguồn thu ngoài lãi cũng sụt giảm so với trước, nhất là mảng kinh doanh bảo hiểm nên khó kỳ vọng lợi nhuận đột biến trong quý III cũng như cả năm 2024 mà chỉ tăng khoảng 10%.
Chuyển dịch mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đề ra trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng tới năm 2025, định hướng năm 2030. Theo đó, tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018, Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng thu nhập từ phí dịch vụ đạt khoảng 12 - 13% và đến cuối năm 2025 tăng lên mức 16 - 17%. Tuy nhiên, sau 5 năm, kể từ khi Chiến lược được phê duyệt, tỷ trọng thu nhập từ phí dịch vụ của ngành ngân hàng vẫn cách mục tiêu khá xa.
Thực tế, tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngân hàng phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng qua các năm, đến cuối năm 2023 ước đạt 13,66%. Song Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, việc tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngân hàng phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại trong thời gian tới sẽ khá khó khăn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận