Lợi nhuận doanh nghiệp quý 3 bị đe doạ , nhóm bán lẻ và vận tải khó phục hồi
Cả nước đang phải đối diện với đợt dịch kéo dài, phức tạp và chưa thật sự được kiểm soát điều này sẽ tác động đáng kể đến lợi nhuận toàn thị trường trong quý 3/2021...
Thống kê mới nhất của VnDirect cho thấy, tính tới ngày 3/8/2021 có khoảng 700 công ty niêm yết trên cả ba sàn, tương đương với 85% vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả kinh doanh.
LỢI NHUẬN TĂNG TRƯỞNG CHẬM LẠI TRONG QUÝ 2/2021
Theo ước tính, tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên ba sàn HOSE, HNX, UPCOM tăng 66,0% so với cùng kỳ. Lợi nhuận quý 2/2021 tăng chậm lại so với mức 92,2% trong quý 1 nhưng vẫn cao hơn 51% so với mức trước dịch quý 2/2019.
Xét theo nhóm, lợi ròng quý 2/2021 của các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE) tăng với tỷ lệ thấp hơn đạt 56,3% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc VN30 tăng 46,1%. 19 công ty trong rổ VN30 ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực, dẫn đầu là PNJ (606%), MSN (254% ) và HPG (254% ). Kết quả tích cực của PNJ đến từ doanh thu tăng trưởng 62,3% từ đáy quý 2/2020 và biên lợi nhuận gộp tăng 1,5 điểm %. Lợi nhuận tăng trưởng vượt trội của MSN được đóng góp bởi Biên EBITDA cao hơn từ chuỗi bán lẻ VCM; giá bán các sản phẩm khai khoáng cao hơn của MSN và tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của công ty liên kết Techcombank.
Ở chiều ngược lại, VJC giảm 99%, VIC (-41%) và CTG (-38%) là những cái tên ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh nhất. Trong quý 2/2021, VJC không còn ghi nhận lợi nhuận khác lớn như trong quý 2/2020 trong khi mức lỗ lớn của Vinfast đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của VIC trong quý 2/2021. Cả 2 ngân hàng lớn là CTG và VCB đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm do chi phí dự phòng tăng mạnh.
Biên lợi nhuận gộp của thị trường đạt mức cao nhất trong 5 năm. Theo VnDirect, biên lợi nhuận gộp (không bao gồm ngành ngân hàng) trong quý/21 đã tăng đáng kể nhờ biên lợi nhuận gộp của ngành Bất động sản, Hóa chất và Thép khả quan hơn cùng kỳ và sự phục hồi của các công ty Vận tải.
Đòn bẩy tài chính toàn thị trường tiếp tục giảm. Những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất cho vay đã cho thấy những tác động cụ thể khi chi phí lãi vay bình quân của các doanh nghiệp giảm còn 5,8% (so với 6,4% trong quý 2/20). Tuy vậy, các doanh nghiệp có vẻ chưa sẵn sàng sử dụng đòn bẩy tài chính cao hơn, khi chỉ số D/E giảm xuống chỉ còn 0,67x trong Q2/21.
THÉP VÀ DỊCH VỤ TÀI CHÍNH VẪN RỰC SÁNG
Các doanh nghiệp thép hưởng lợi từ cả sản lượng tăng và giá bán bình quân cao hơn, ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 326,4% so với cùng kỳ trong quý 2/2021.
Với các doanh nghiệp dịch vụ tài chính chủ yếu là các công ty chứng khoán, lợi nhuận quý 2/2021 tăng 120,8% so với cùng kỳ trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản.
Lợi nhuận quý 2/2021 của ngành ngân hàng giảm tốc ghi nhận tăng trưởng chỉ đạt 34,1% so với cùng kỳ so với mức tăng 79,0% trong quý 1/2021 do các ngân hàng lớn (VCB, CTG) bất ngờ công bố lợi nhuận sụt giảm do chi phí dự phòng.
Lợi nhuận ngành Bất động sản tăng 102,6%, cao hơn mức 38,2% so với cùng kỳ trong quý 1 nhờ giá tăng và sản lượng bán hàng tốt.
Giá hàng hóa toàn cầu tăng mạnh tác động trái chiều đến các doanh nghiệp niêm yết. Tính đến cuối quý2/21, chỉ số S&P GSCI tăng 30,9% so với đầu năm và 64,6% so với cùng kỳ. Giá cả hàng hóa cơ bản toàn cầu tăng mạnh hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của ngành Hóa chất (+52,6%); Khai khoáng và Dầu khí đều ghi nhận lợi nhuận dương so với mức lỗ ròng cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm ngành thực phẩm ghi nhận tác động trái chiều, trong đó các doanh nghiệp được hưởng lợi là xuất khẩu gạo và đường, trong khi các doanh nghiệp sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi, dầu ăn và sản xuất thịt đối mặt với áp lực từ giá nguyên liệu đầu vào tăng. Do đó lợi nhuận ròng quý 2 của doanh nghiệp thực phẩm tăng 14,7% so với cùng kỳ.
VnDirect đánh giá, đợt dịch Covid-19 mới đe dọa triển vọng tăng trưởng quý 3/21 dù lợi nhuận toàn thị trường Quý 2 tăng trưởng tích cực, cả nước đang phải đối diện với đợt dịch kéo dài, phức tạp và chưa thật sự được kiểm soát. Điều này sẽ tác động đáng kể đến lợi nhuận toàn thị trường trong quý 3/21.
Mặc dù lợi nhuận ngành Vận tải và Bán lẻ hồi phục tích cực trong quý 2/21 (171%/61%), các biện pháp giãn cách xã hội diện rộng sẽ làm gián đoạn đà phục hồi trong quý 3/21. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Du lịch, Hàng không và Đồ uống được dự báo sẽ tiếp tục có thêm một quý đầy khó khăn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận