Lợi nhuận của chuỗi nhà sách lớn nhất cả nước đi lùi trong quý III
Tổng lợi nhuận trước thuế của Fahasa đạt 18,8 tỷ đồng, giảm 19,6%; kéo theo lợi nhuận sau thuế Fahasa giảm 19,8% so với cùng kỳ, đạt 15 tỷ đồng.
CTCP Phát hành sách Tp.Hồ Chí Minh (Fahasa – UPCoM: FHS) vừa công bố thông tin báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023.
Trong thời điểm sức mua chung của nền kinh tế suy yếu, kết quả kinh doanh quý III của Fahasa - chuỗi nhà sách lớn nhất cả nước cũng không mấy khả quan. Theo đó, doanh thu của Fahasa tăng trưởng nhẹ nhưng lợi nhuận đi xuống.
Cụ thể, Fahasa ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.432 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,27% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận gộp đạt 344 tỷ đồng, tăng 7,8% so với quý III/2022. Đáng chú ý là doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên 7 tỷ đồng, toàn bộ đến từ lãi tiền gửi ngân hàng và lãi cho vay.
Điều này là nhờ doanh nghiệp liên tục tăng gửi tiền vào ngân hàng lên mức 463 tỷ đồng vào cuối kỳ vừa qua. Lượng tiền gửi lớn giúp công ty thu về hơn 17 tỷ đồng từ lãi tiền gửi, tiền cho vay trong ba quý đầu năm.
Chi phí tài chính của Fahasa giảm sâu 64% từ 139 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022 xuống còn 49,9 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty cũng giản nhẹ từ 35,6 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước xuống còn 34,6 tỷ đồng. Chi phí bán hàng chiếm tỉ trọng lớn, khoảng 298 tỷ đồng, tăng 12,5% so với quý III/2022.
Tổng lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 18,8 tỷ đồng, giảm 19,6%; kéo theo lợi nhuận sau thuế Fahasa giảm 19,8% so với cùng kỳ, đạt 15 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Fahasa có doanh thu 3.258 tỷ đồng và lãi ròng 37,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,1% và 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Fahasa ghi nhận ở mức 1.745 tỷ đồng, tăng 34,4% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 1.673 tỷ đồng, chiếm gần 96% tổng tài sản.
Sự gia tăng về tổng tài sản đa phần đến từ tiền và tương đương tiền, khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho. Hàng tồn kho có mức tăng rõ rệt 18% lên 826 tỷ đồng.
Cuối tháng 9, nợ phải trả của Fahasa hơn 1.561 tỷ đồng, chiếm phần lớn nguồn vốn, chủ yếu đến từ phải trả cho người bán ngắn hạn là 1.335 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Đáng nói, trong khoản mục nợ phải trả, Fahasa nói không với các khoản vay và thuê tài chính.
Năm 2023, Fahasa đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 50 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành được 81,45% mục tiêu doanh thu và 93,6% mục tiêu lợi nhuận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận