menu
Lời đe dọa của ông Trump và nỗ lực rời bỏ đồng USD của BRICS dưới thời Trump 2.0
Quang Sang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lời đe dọa của ông Trump và nỗ lực rời bỏ đồng USD của BRICS dưới thời Trump 2.0

Phi USD hóa có thể không xảy ra trong tương lai gần nhưng đây có lẽ là điều các nước BRICS+ coi trọng và là mối quan tâm thực sự của Mỹ.

Đe dọa áp thuế 100% của ông Trump

Trong một cuộc vận động tranh cử tại Wisconsin vào tháng 9/2024, ông Donald Trump đã nói: “Nhiều nước đang rời bỏ đồng USD. Với tôi thì họ sẽ không thể rời bỏ đồng USD được. Tôi sẽ nói [với họ] rằng: Nếu anh rời bỏ đồng USD thì sẽ không có chuyện làm ăn với Mỹ nữa bởi chúng tôi sẽ áp thuế 100% đối với hàng hóa của anh”.

Theo cây viết Kudrat Wadhwa của tổ chức nghiên cứu Responsible Statecraft (RS), ông Trump đang đề cập tới các quốc gia BRICS+, trong đó có những nước không hài lòng với trật tự quốc tế "dựa trên luật lệ" do Mỹ thiết lập trong kỷ nguyên Bretton Woods, mà họ coi là đem lại lợi ích cho phương Tây (cụ thể là Mỹ) nhiều hơn so với Nam Bán cầu.

Năm 2009, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã thành lập BRIC (Nhóm các nền kinh tế mới nổi) theo yêu cầu của Nga. Nam Phi gia nhập một năm sau đó và khối đổi tên thành BRICS. Ngoài địa chính trị, BRICS tập trung vào việc tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại giữa các quốc gia.

Đầu năm 2024, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã chính thức gia nhập nhóm này. 40 quốc gia khác, bao gồm cả quốc gia NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc trở thành thành viên của nhóm.

Wadhwa đánh giá rằng, liên minh BRICS+ đại diện cho thách thức đáng chú ý đầu tiên đối với nhiều thập kỷ thống trị của đồng USD, cũng như của Mỹ trong địa chính trị.

Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay ở Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã công bố đề xuất của ông về BRICS Pay, một mạng lưới thanh toán được thiết kế để giúp các nước có thêm một lựa chọn khác ngoài hệ thống tài chính toàn cầu hiện tại dựa trên đồng USD.

Lời đe dọa của ông Trump và nỗ lực rời bỏ đồng USD của BRICS dưới thời Trump 2.0

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

Trong nhiều năm qua, Mỹ đã biến USD thành công cụ hữu hiệu để cấm vận răn đe. Nhà kinh tế học Robert H. Wade cho rằng: “Mỹ đã đưa vũ khí hóa lên một tầm cao mới khi sử dụng hệ thống thanh toán bằng USD để đóng băng quyền tiếp cận 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga sau chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này hồi tháng 2/2022”.

Theo RS, việc phi USD hóa sẽ giúp nhiều nước chống chọi trước các lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế của mình.

Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump và BRICS+

Phi USD hóa có thể không xảy ra trong thời gian gần nhưng thực tế là các nước BRICS+ (chiếm 35% GDP thế giới và 45% dân số thế giới) có vẻ đang coi trọng vấn đề này và đây là mối quan tâm thực sự của các nhà lãnh đạo Mỹ, bao gồm cả ông Trump.

Vậy dựa trên các tuyên bố của Trump, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông sẽ tác động thực sự đến liên minh BRICS+ như thế nào?

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc (mà chính quyền ông Biden vẫn duy trì), bên cạnh việc tung ra một loạt lệnh trừng phạt mới đối với Iran, Venezuela và Nga.

Nếu ông tăng cường sử dụng lệnh trừng phạt như một thứ vũ khí, nhiều quốc gia sẽ muốn phòng ngừa rủi ro vì họ lo ngại tới khả năng mình cũng phải chịu cấm vận nếu mất đi sự ủng hộ của Mỹ một ngày nào đó.

“Điều đó có nghĩa là vị thế lãnh đạo của Trung Quốc trong BRICS sẽ được củng cố hơn, có nhiều đổi mới hơn về hạ tầng tài chính, hợp tác và hội nhập", học giả Ahmed Aboudouh của Chatham House (Anh) nhận định trong một cuộc phỏng vấn với RS. Ông lưu ý rằng ngay cả các quốc gia thân thiện với phương Tây như Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn tham gia liên minh này.

Dù vậy, quá trình củng cố và tăng trưởng của BRICS có thể sẽ diễn ra chậm vì một số yếu tố.

Ông Trump đã nêu rõ ý định của mình đối với các quốc gia muốn né tránh đồng USD: một loạt thuế quan nhằm vào hàng hóa của họ. Mặc dù vậy, trên thực tế nhiều nhà kinh tế cho rằng thuế quan sẽ “tạo ra một cơn đau đầu rất lớn” cho các nhà bán lẻ, những người sẽ chuyển những chi phí đó cho người tiêu dùng.

Lời đe dọa của ông Trump và nỗ lực rời bỏ đồng USD của BRICS dưới thời Trump 2.0

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, đồng tiền của BRICS+ có thể sẽ đóng vai trò là một giải pháp bên cạnh USD trong thương mại toàn cầu, chứ không thể thay thế nó hoàn toàn.

Hơn nữa, cũng không nhất thiết phải có sự đồng thuận rõ ràng giữa các nước BRICS+ về cách thức chính xác để tiến hành các sáng kiến đã đề xuất. Và, vì phi USD hóa là một "lằn ranh đỏ” đối với chính quyền Trump, ông Aboudoh cho rằng:

“Nhiều quốc gia sẽ không muốn đối mặt với cơn thịnh nộ của Mỹ, nghĩa là ông Trump sẽ tìm cách trì hoãn việc triển khai BRICS Pay và BRICS Bridge. Tôi không nói rằng điều đó sẽ không xảy ra dưới thời ông Trump, nhưng sẽ phải mất nhiều thời gian hơn”.

Tất nhiên, không thể dự đoán chính xác chính sách đối ngoại của Mỹ đối với BRICS+ trong 4 năm tới. Không giống như Mỹ, quốc gia chiếm khoảng 4% dân số thế giới, liên minh BRICS+ đại diện cho gần một nửa hành tinh. Ngoài ra, tổng sản lượng của các quốc gia BRICS+ đã lớn hơn tổng sản lượng của Mỹ và các đồng minh G7.

“Thực tế lớn nhất mà chúng ta hiện phải đối mặt là sự kết thúc của đế chế Mỹ”, nhà kinh tế học Richard Wolff lập luận, đồng thời nói thêm rằng các chính trị gia Mỹ vẫn đang sống trong ảo tưởng về sự tối cao của Washington.

“Những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn, làm suy yếu đối thủ cạnh tranh Trung Quốc trong 15 năm qua đã thất bại", ông Wolff nói. Ngay cả khi ông Trump áp đặt mức thuế quan lớn đối với hàng hóa của Trung Quốc và các nước BRICS+ khác, phương Tây cũng khó có thể hoàn toàn cản trở sự trỗi dậy của liên minh này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả