Lộc Trời thu về hơn 1.500 tỷ đồng doanh thu từ thuốc bảo vệ thực vật
Doanh thu thuần quý I/2021 của Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) tăng 1.664 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó thuốc bảo vệ thực vật mang về hơn 1.575 tỷ đồng.
Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế 183,6 tỷ đồng, trong khi quý I/2020 âm gần 37 tỷ đồng.
Về cơ cấu doanh thu, thuốc bảo vệ thực vật đóng góp gần 65% doanh thu, theo sau là mảng lương thực với gần 25%.
Doanh thu tăng mạnh nhưng các chi phí hoạt động trong kỳ cũng tăng như chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 7,8%, chi phí bán hàng tăng hơn 94% chủ yếu do tăng chi cho quảng cáo khuyến mãi.
Cụ thể, trong kỳ, Lộc Trời đã dành hơn 109 tỷ đồng cho khoản này, trong khi quý I/2020 chỉ chi 13,4 tỷ đồng.
Công ty cũng ghi nhận khoản tiền phạt thuế gần 42 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2020, có 3 cổ đông lớn tại Lộc Trời là Marina Viet Pte, UBND tỉnh An Giang và Augusta Viet Pte với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 25,21%; 24,15% và 5,71%.
Cá nhân ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT nắm 27,3% tổng số cổ phần.
Năm 2020 được cho là năm hoàn thành quá trình tái cấu trúc toàn diện của Lộc Trời. Ban lãnh đạo công ty này chọn theo đuổi mục tiêu trở thành công ty dịch vụ nông nghiệp và đầu tư phát triển toàn diện các khâu cung cấp dịch vụ nông nghiệp.
Trong năm qua, doanh thu thuần của Lộc Trời giảm 9,67% khi quý đầu năm bị sụt giảm mạnh vì tác động từ đại dịch.
Một nguyên nhân khác được nhắc đến là ảnh hưởng từ thời tiết và chuyển đổi mô hình sản xuất. Theo đó, diện tích gieo trồng lúa mùa của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã giảm 2.500 nghìn hecta so với cùng kỳ, năng suất cũng giảm gần 100 kg/hecta,….
Tuy nhiên do tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh nên lợi nhuận sau thuế năm vừa qua của Lộc Trời tăng hơn 10% so với năm 2019, đạt 369 tỷ đồng.
Theo định hướng với ngành vật tư nông nghiệp, ban lãnh đạo Lộc Trời sẽ điều hành trên quan điểm “hoạt động với chi phí thấp, bao phủ thị trường hiệu quả, tiến tới không tạo ra công nợ”.
Còn với ngành lương thực, Lộc Trời sẽ tổ chức vùng nguyên liệu chuyên canh theo hợp đồng do khách hàng đặt trước hàng năm.
Với lúa, khách hàng sẽ phải đặt vào khoảng thời gian cố định tầm tháng 2, tháng 6 và tháng 9 hàng năm để gối đầu mùa vụ tiếp theo.
Còn với các thương hiệu nông sản mà Lộc Trời đang có, họ sẽ phối hợp với các đối tác tiêu thụ trong và ngoài nước để cùng xây dựng thương hiệu.
Với ngành dịch vụ nông nghiệp, Tập đoàn này sẽ ứng dụng khai thác dữ liệu lớn về nông dân và thông tin mùa vụ trong điều hành dịch vụ, ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động, cấu trúc các dịch vụ theo thứ tự ưu tiên, đứng đầu là nông dân có diện tích lớn, hợp tác xã và tổ hợp tác.
Trong 3 năm tới, Lộc Trời sẽ xây dựng các quy trình quản lý mùa vụ, bộ sản phẩm nuôi dưỡng và bảo vệ cây trồng, đa dạng hoá các dịch vụ.
Cụ thể, từ ký hợp đồng đến tổ chức vùng nguyên liệu, chăm sóc trọn gói, triển khai xử lý mùa vụ, tư vấn kỹ thuật, thu xếp thị trường tiêu thụ và kết nối với các tổ chức tài chính triển khai tín dụng nông thôn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Hiện Lộc Trời chưa chốt ngày tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2021 nên chưa cập nhật tài liệu liên quan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận