Lộc Trời làm ăn ra sao sau khi "chiêu mộ" được cựu Phó Thủ tướng Đức về bán nông sản?
Trong quý cuối năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận doanh thu 3.500 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời, MCK: LTG, Upcom) vừa công bố Báo cáo tài chính quý IV/2020 với khoản doanh thu và lợi nhuận tăng đáng kể.
Cụ thể, chỉ tính riêng quý cuối năm 2020, tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần gần 3.534 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp đà suy giảm doanh thu của 3 quý liền trước.
Trong kỳ, hầu hết chi phí đầu ra của Lộc Trời đều tăng khi mà chi phí tài chính tăng hơn 40%; chi phí bán hàng tăng 44%; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 84%.
Mặc dù vậy, đại gia nông nghiệp vẫn đạt được lợi nhuận trước thuế hơn 212 tỷ đồng, tăng 183% so với quý IV/2019 và lợi nhuận sau thuế ở mức gần 164 tỷ, gấp gần 4 lần cùng kỳ. Quý IV cũng là quý có mức lợi nhuận cao nhất trong năm 2020 của doanh nghiệp này.
Theo lý giải của lãnh đạo Lộc Trời, lý do chính giúp lợi nhuận sau thuế quý IV tăng mạnh là do đà tăng của doanh thu, đặc biệt ở mảng bán thuốc bảo vệ thực vật.
Theo đó, hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ trong mảng thuốc bảo vệ thực vật mang về cho doanh nghiệp hơn 2.100 tỷ đồng, chiếm đến 60% tổng doanh thu hợp nhất. Đây cũng chính là nguồn thu giúp doanh thu thuần của "ông lớn" ngành nông nghiệp tăng mạnh trong quý vừa qua.
Mặc dù quý IV tăng trưởng mạnh mẽ nhưng do đà suy giảm của 3 quý liền trước, trong năm 2020, doanh thu của Tập đoàn Lộc Trời vẫn không tránh được suy giảm 10% so với năm ngoái, ở mức hơn 7.505 tỷ đồng.
Dù chi phí tài chính và chi phí bán hàng đã được tiết giảm nhưng do hụt thu từ các mảng thuốc bảo vệ thực vật và lương thực nên lợi nhuận trước thuế của Lộc Trời sụt giảm nhẹ 10,4 tỷ đồng, đạt 452,6 tỷ đồng. Lãi ròng sau thuế cả năm ở mức 369 tỷ đồng.
Trước đó, LTG đã thông qua kế hoạch đặt mục tiêu trong năm 2020 doanh thu 7.350 tỷ, giảm 15,6% nhưng chỉ tiêu lợi nhuận vẫn tăng 7,5% từ 335 tỷ lên 360 tỷ đồng.
Như vậy, với kết quả đạt được, Lộc Trời đã vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra trong năm 2020.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Lộc Trời đạt gần 6.922 tỷ đồng, tăng 6% so với thời điểm đầu năm.
Trước đó, tháng 5/2020, doanh nghiệp do Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn "lèo lái" gây xôn xao dư luận khi "chiêu mộ" thành công ông Phillipp Roesler làm thành viên HĐQT.
“Chính tôi đích thân gọi điện thoại mời cựu phó thủ tướng Đức về làm việc” - ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết.
Ông Phillipp Roesler được biết đến là cựu Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức từ năm 2011 đến tháng 12/2013.
Từ năm 2014, ông Phillipp tham gia Ban Điều hành của Diễn đàn Kinh tế thế giới Thuỵ Sỹ, sau đó, ông trở thành Tổng giám đốc quỹ từ thiện HCCF tại New York (Mỹ).
Tại đại hội cổ đông năm 2020 của Lộc Trời, Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn cho biết, tái cấu trúc công ty là vấn đề mà lãnh đạo Lộc Trời tính đến và chuyển đổi số là cách mà công ty cần phải tiếp cận để theo kịp thời đại.
“Bằng chuyển đổi số, công ty sẽ không còn sở hữu đất đai hay mua bán nông sản thuần túy, mà hướng đến một công ty dịch vụ nông nghiệp tri thức cốt lõi. Với cách làm này, dù có đi chậm nhưng trong 3-4 năm đến, tăng trưởng kinh doanh sẽ được đẩy mạnh”, ông Thòn nhấn mạnh.
Tham vọng của Lộc Trời giờ đây được gia tăng mạnh mẽ từ sự xuất hiện của vị cựu Phó Thủ tướng Đức, bởi mảng công nghệ cũng vốn là một thế mạnh của ông Philipp Roesler.
Tập đoàn Lộc Trời tiền thân là Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang thành lập năm 1993, là một trong những doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn hàng đầu Việt Nam. Trong cơ cấu sở hữu hiện tại, Lộc Trời có 4 cổ đông lớn là quỹ Marina Viet của Singapore (25,2% cổ phần), UBND tỉnh An Giang (24,2%), quỹ Kingsmead Vietnam and Indochina Growth Master Fund (6%) và quỹ Augusta Viet (5,7%). |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận