Loay hoay đấu giá quyền sử dụng đất
Chờ đợi thủ tục thẩm định giá kéo dài, đưa giá khởi điểm quá cao... là những nguyên nhân khiến cho nhiều quận, huyện tại Hà Nội vẫn loay hoay chưa thực hiện được đấu giá đất trong năm 2022.
Ngày 1/6/2022, UBND huyện Phúc Thọ phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 10 thửa đất thuộc khu Gạc Chợ (xã Tam Hiệp). Tổng diện tích 10 thửa đất là 1.824m2; diện tích mỗi thửa từ 77,2m2 đến 153,4m2.
Đất đấu giá là đất ở, sử dụng riêng. Giá khởi điểm các thửa đất khu Gạc Chợ (xã Tam Hiệp) được đưa ra đấu giá lần này lên tới 79,8 triệu đồng/m2. Đây là mức giá khởi điểm cao nhất trên địa bàn huyện Phúc Thọ từ trước đến nay.
Đáng chú ý, cuộc đấu giá tổ chức vào đầu tháng 7/2022, đơn vị mời đấu giá không nhận được hồ sơ tham gia nào. Bà Nguyễn Mai Hương (thôn Hiệp Lộc, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ) cho biết, gia đình rất mong muốn mua đất đấu giá tại Tam Hiệp để xây nhà cho con. Thế nhưng với mức giá gần 80 triệu đồng/m2 thì người dân không thể tiếp cận nổi.
“Nếu tính giá khởi điểm mỗi ô đất khoảng 13 tỷ đồng, người dân không thể chạm tới, nếu tham gia cũng chỉ có “cò đất” để mua đi bán lại thôi”, bà Hương nhận định.
Tại các huyện ngoại thành Hà Nội, tình trạng “nguội lạnh” trong đấu giá đất cũng bắt đầu xuất hiện. Nguyên nhân được lý giải một phần bởi cơn sốt đất đang hạ nhiệt, cùng với đó là mức giá khởi điểm cao khiến nhà đầu tư ít mặn mà.
Đan Phượng là huyện đã đấu giá thành công 2 đợt từ đầu năm, thế nhưng đợt đấu giá sắp tới tại xã Phương Đình khiến huyện không khỏi lo lắng. Mỗi suất đấu giá khởi điểm thấp nhất là 31 triệu đồng/m2, cao nhất lên đến 47 triệu đồng/m2 được cho là mức giá "kén" người đấu giá tại thời điểm hiện tại.
Theo một số môi giới nhà đất, thời điểm này "sốt đất" vùng ven Hà Nội đã hạ nhiệt, do đó mức giá trên đã là khá cao so với mặt bằng chứ chưa nói đến đấu giá.
Đình trệ
Được biết, trên địa bàn thành phố có 143 dự án, với tổng diện tích khoảng 87,6ha đang chuẩn bị tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 rất chậm trễ. Toàn thành phố mới chỉ thực hiện đấu giá được hơn 20% số dự án.
Đơn cử như quận Long Biên đặt chỉ tiêu thu ngân sách từ đấu giá đất 1.300 tỷ đồng, thế nhưng hơn 1 năm qua vẫn chưa thực hiện đấu giá được khu đất nào. Đại diện lãnh đạo quận cho biết, hiện tại quận đang tích cực thực hiện các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu giá theo Luật Đầu tư sửa đổi.
Ngoài ra, theo Nghị định 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NƠXH), những khu phát triển nhà ở trong đó có khu đấu giá trên 2ha phải dành 20% quỹ đất cho phát triển NƠXH (tương đương với 4.000m2).
Do đó, trước khi tổ chức đấu giá, quận phải xác định quỹ NƠXH cho người dân. “Một vấn đề gây chậm trễ nữa là sau khi xảy ra sai phạm đấu giá đất tại huyện Đông Anh, các đơn vị thẩm định giá không mặn mà tham gia với các quận, huyện”, vị đại diện nói.
Tại huyện Phúc Thọ, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, huyện đã đề xuất 3 dự án để đấu giá đất từ đầu năm nhưng gần đây mới được duyệt 1 dự án để đấu giá. Tuy nhiên, mức giá phê duyệt căn cứ theo giá cao nhất tại khu vực thời điểm “sốt đất” nên khiến việc đấu giá gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Quý Mạnh, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng thông tin: Đan Phượng được UBND TP Hà Nội ủy quyền phê duyệt mức giá khởi điểm đấu giá đất, đây là thuận lợi giúp huyện chủ động được công việc. Vì thế huyện đã đấu giá thành công 2 đợt, đạt chỉ tiêu thu ngân sách mà thành phố giao.
Tuy nhiên, hiện tình trạng các Cty thẩm định giá lo ngại, không hợp tác đang diễn ra phổ biến. “Họ sợ trách nhiệm, các vấn đề về pháp lý nên để mời được họ thẩm định giá rất khó, gây khó cho huyện khi tiến hành các thủ tục đấu giá đất”, ông Mạnh nói.
Theo các chuyên gia, đang có hiện tượng các quận, huyện sợ trách nhiệm đấu giá đất, cùng với đó là việc thẩm định giá khá bất cập. Liên quan đến công tác đấu giá đất, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay trên địa bàn thành phố. Trong đó, thành phố đề nghị phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thiết lập hồ sơ dự án đấu giá quyền sử dụng đất, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị quỹ đất thực hiện đấu giá; Tập trung rà soát, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn tổ chức tư vấn đấu giá có uy tín, trách nhiệm và tuân thủ quy định của pháp luật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường