Loạt ý kiến phản đối quy định sở hữu chung cư có thời hạn
Dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến nhưng nhiều chuyên gia về bất động sản đưa ra loạt lý do phản đối quy định sở hữu chung cư có thời hạn.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - phân tích, nếu so sánh, giá bán căn hộ nhà chung cư sở hữu có thời hạn tuy thấp hơn giá bán căn hộ nhà chung cư sở hữu vĩnh viễn khoảng trên dưới 20%, nhưng thực tế chưa thật sự hấp dẫn và chưa phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của số đông người tiêu dùng.
Theo ông Châu, đa số người dân có tâm lý coi nhà ở, trong đó có căn hộ chung cư vừa là “tiêu sản” (dùng để ở, thụ hưởng) vừa là “tích sản” (tích lũy tài sản, làm của cải để dành). Đặc biệt, nước ta là nước đang phát triển, có thể còn mất nhiều năm nữa mới đạt mức GDP 7.000 USD/người, nên giá trị bất động sản, nhà đất, nhất là đất, thường có xu thế tăng giá theo thời gian.
Ông Châu dẫn số liệu, năm 2007-2010, chủ đầu tư một khu đô thị mới tại quận 7 bán nhà phố, biệt thự với giá đất nền từ 7-16 triệu đồng/m2; bán căn hộ chung cư với giá 32-35 triệu đồng/m2. Nhưng đến nay, sau 15 năm, giá đất nền đã tăng lên 160 - 200 triệu đồng/m2, giá căn hộ chung cư đã tăng lên 50 - 60 triệu đồng/m2.
Hiện cả nước có hơn 4.500 khu nhà chung cư tại các đô thị. Riêng TP.HCM có hơn 1.550 khu nhà chung cư với hơn 2.550 tòa nhà với hàng trăm ngàn căn hộ nhà chung cư, trong đó có 474 khu nhà chung cư xây dựng trước 1975. Từ nay đến khi áp dụng sở hữu chung cư có thời hạn nếu được thông qua sẽ có thêm hàng nghìn căn hộ mới được đưa vào sử dụng.
Ông Châu cho rằng, nếu chọn sở hữu chung cư có thời hạn, trên thực tế sẽ vẫn tồn tại song song 2 loại căn hộ nhà chung cư được sở hữu không xác định thời hạn hoặc sở hữu có thời hạn trong khoảng 100 năm tiếp theo.
Điều này làm tăng thêm gánh nặng công việc cho cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện do phải đồng thời vừa quản lý đối tượng mới là nhà chung cư sở hữu có thời hạn, vừa phải quản lý “đối tượng cũ” là nhà chung cư sở hữu không xác định thời hạn.
"Theo tôi, nên tiếp tục giữ nguyên chính sách hiện nay của Luật Nhà ở 2014 cho phép phát triển cả 2 loại nhà chung cư sở hữu không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài hoặc nhà chung cư sở hữu có thời hạn để đảm bảo chính sách nhà ở nhất quán và có tính kế thừa", ông Châu nói.
Ông Châu cho rằng, không nên vì khó khăn, vướng mắc trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trong nhiều năm qua mà lại đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn để thuận lợi cho Nhà nước thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Savills Hà Nội - cho rằng, chỉ nên tồn tại một loại sở hữu nhà chung cư. Một là sở hữu có thời hạn và hai là sở hữu vĩnh viễn như hiện nay.
“Nếu quy định sở hữu chung cư có thời hạn được thông qua thì người dân sẽ lại đổ sang tìm mua chung cư sở hữu vĩnh viễn. Tồn tại song song 2 loại hình này gây rối trên thị trường”, bà Hằng nói.
Giám đốc một doanh nghiệp địa ốc tại Hà Nội chia sẻ, người dân Việt Nam chưa quen với khái niệm mua nhà 50 năm, đa số đều thích mua nhà sở hữu lâu dài ngay cả khi giá bán cao hơn. Vì vậy, nếu áp dụng quy định sở hữu chung cư có thời hạn, chắc chắn sẽ tác động mạnh đến tâm lý người dân. Thị trường chung cư sẽ đối mặt với tình trạng “đóng băng”.
"Việc giảm giá bất động sản do điều kiện 50 - 70 năm rất là khó bởi chi phí về đất trong cơ cấu giá bán nhà không phải là quá lớn. Điều các doanh nghiệp lo lắng chính là thanh khoản của phân khúc này", vị này nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận