Loạt cây xăng đóng cửa: 'Lỏng lẻo' trong phối hợp liên Bộ
Thời gian qua, nhiều cửa hàng xăng dầu tại các tỉnh, thành phố đóng cửa, tạm ngừng bán với lý do thiếu nguồn cung, tỷ lệ chiết khấu thấp… Tuy vậy, theo giới chuyên gia, để xảy ra tình trạng này, từ gốc rễ có sự dự báo kém của doanh nghiệp đầu mối, phối hợp chưa thực sự quyết liệt, chặt chẽ từ phía liên Bộ Công Thương – Tài chính.
Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).
Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của Bộ Công Thương trong quá trình quản lý thị trường xăng dầu thời gian qua?
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược nhưng cũng là một mặt hàng hết sức nhạy cảm vì tác động tới toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Từ khi được giao quản lý và điều hành thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương về cơ bản đã có những biện pháp điều hành linh hoạt, nhịp nhàng phù hợp theo diễn biến của thị trường thế giới. Bộ Công Thương đã sử dụng hợp lý công cụ bình ổn giá để hạn chế thấp nhất tác động của biến động giá ảnh hưởng tới giá cả trong nước, góp phần làm cho mặt bằng giá giảm và mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Tôi cho rằng, những gì diễn ra thời gian gần đây nằm ngoài yếu tố chủ quan của cơ quan điều hành, chủ yếu là do tác động bất thường của các yếu tố bên ngoài làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp.
Dù vậy, không thể phủ nhận rằng, sự phối hợp của liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian qua vẫn chưa thật sự quyết liệt, còn “lỏng lẻo”. Trong điều hành xăng dầu, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính nhưng trong đó thì từng bộ, ngành chịu trách nhiệm những nội dung mà mình quản lý. Liên quan đến thuế, premium thì đâu phải Bộ Công Thương, nên phải nói là sự phối hợp hai bộ đã có, nhưng chưa thật chặt chẽ. Nếu hai bộ cùng họp bàn, thống nhất làm văn bản gửi Thủ tướng để sớm hỗ trợ doanh nghiệp thì sẽ có sức nặng hơn và không để xảy ra tình trạng như vừa rồi.
Điều hành xăng dầu phải hết sức linh hoạt, đặc biệt khi có ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp. Trong điều hành, nếu chỉ chú ý đến lợi ích của nhà nước và người tiêu dùng đảm bảo mục tiêu kinh tế vĩ mô, tránh thay đổi để ảnh hưởng đến các yếu tố giá sẽ tạo ra sự bất lợi đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nên đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ thời gian qua?
Việc thiếu xăng dầu thời gian qua đến từ nhiều nguyên nhân. Sau một thời gian, do COVID-19 nên nhu cầu giảm, nhưng từ đầu năm 2022 tới nay thị trường có rất nhiều biến động. Nguồn cung giảm do bất ổn của yếu tố chính trị, đặc biệt là do cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, việc duy trì sản xuất và khai thác của các nước OPEC cũng không ổn định. Nhu cầu hồi phục kinh tế cao, dẫn tới giá dầu thô tăng mạnh, khoảng 60 - 80% so với thời điểm cuối năm 2021.
Trong bối cảnh đó, nguồn cung trong nước cũng gặp khó khăn, nguồn cung giảm do việc giảm công suất từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Chi phí vận chuyển, chi phí mua hàng tăng cao, từ đó ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa, nguồn cung từ nhập khẩu cũng tương đối giảm. Các doanh nghiệp đầu mối cũng đã rất nỗ lực trong việc nhập khẩu.
Bên cạnh đó, do quý II/2022, giá xăng dầu thế giới tăng cao nhất, đề phòng giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới thì doanh nghiệp đã nhập khẩu rất nhiều xăng dầu về dự trữ. Nhưng thực tế trong quý III vừa rồi, giá dầu lại giảm xuống. Như vậy có thể thấy, mua giá cao mà bán giá thấp đã ảnh hưởng xấu tới hoạt đông kinh doanh khiến doanh nghiệp thua lỗ. Điều này ảnh hưởng tới khả năng tài chính của doanh nghiệp, có tâm lý nhập cầm chừng. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn cung xăng dầu của mình gặp khó khăn.
Ngoài ra, vấn đề rất quan trọng làm cho thị trường xăng dầu thiếu cục bộ là do chi phí kinh doanh, premium (phần thưởng, ưu đãi; tiền lãi, chi phí trả thêm, chi phí thưởng; phí bảo hiểm, tiền đóng bảo hiểm). Trong kinh doanh xăng dầu, đó là phần trả lãi cho người bán và premium thỏa thuận theo quý hoặc 6 tháng/lần… Việc tính các chi phí này không đủ trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, không đủ bù đắp được cho các doanh nghiệp kinh doanh, dẫn tới họ nhập khẩu ít và bán cầm chừng. Từ đó dẫn tới chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ cũng thấp và xăng thiếu cục bộ, cửa hàng bán lẻ không kinh doanh nữa.
Việc một số doanh nghiệp đầu mối giảm nhập khẩu xăng dầu thời gian qua có phải là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung xăng dầu trong nước?
Việt Nam không giống với các quốc gia khác như Mỹ hay Nhật Bản chỉ có từ 1 - 2 đơn vị kinh doanh xăng dầu. Các đơn vị kinh doanh xăng dầu ở các quốc gia này sẽ chịu trách nhiệm từ sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu cho đến khâu bán lẻ.
Nếu so sánh theo mô hình này, tại Việt Nam chỉ có hai doanh nghiệp là Lọc hóa dầu Bình Sơn và Dung Quất có chức năng sản xuất, chế biến và xuất nhập khẩu xăng dầu. Còn 36 doanh nghiệp đầu mối chỉ chịu trách nhiệm xuất nhập khẩu xăng dầu mà không có sản xuất chế biến.
Vừa qua, cơ quan thanh tra của lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện một số đầu mối vi phạm nên đã tạm đình chỉ có thời hạn một số doanh nghiệp này nên theo tôi, đây cũng là một nguyên nhân khiến nguồn cung giảm.
Về nguyên tắc, doanh nghiệp đầu mối muốn nhập khẩu phải xin Bộ Công Thương cấp phép. Tuy nhiên vừa qua, Bộ này cũng đã chủ quan khi chỉ có hơn 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Sở dĩ có việc này là do thực trạng của thị trường có nhiều bất ổn, biến động mạnh, dự báo không chính xác cũng như mất cân đối cung cầu dẫn đến nhiều doanh nghiệp đầu mối lo ngại việc nhập khẩu xăng dầu.
Để đảm bảo vận hành thị trường xăng dầu ổn định, theo sát giá thế giới, nhiều ý kiến nêu ra việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá, bỏ quỹ bình ổn… Vậy theo ông, giải pháp cốt lõi là gì?
Quan điểm là càng rút ngắn càng tốt, nhưng rút ngắn từ 7 ngày xuống 5 ngày và năng lực của cơ quan quản lý liệu có làm được. Hiện trên thế giới không có quỹ bình ổn, họ hỗ trợ cho đối tượng nghèo khác, chứ không dùng quỹ bình ổn để bù đắp giá.
Quỹ bình ổn với doanh nghiệp là không có lợi vì họ không được hưởng. Khi trích quỹ thì để lại, nhưng khi giá tiếp tục cao thì doanh nghiệp buộc phải đi vay để bù vào. Với người tiêu dùng, đây thực chất là tiền ứng trước, đến khi giá tăng cao thì được trích ra để giảm bớt tác động. Còn nếu đứng ở góc độ vĩ mô, điều hành kinh tế nhà nước thì rất cần, sử dụng để điều hành, giảm áp lực của giá xăng, kiểm soát lạm phát. Do vậy, đứng ở kinh tế vĩ mô nhìn thì nên có quỹ dự phòng, khoản tài chính để đề phòng khi giá thế giới tăng cao có thể bù vào.
Để bình ổn giá xăng dầu thì tất cả các phía, đối tượng phải tham gia, chứ không chỉ riêng bộ phận điều hành. Với cơ quan quản lý nhà nước thì trong bối cảnh giá biến động, cần tiếp tục theo dõi sát sao, điều hành thận trọng, linh hoạt và mềm dẻo. Đồng thời, phải nắm sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu; phải luôn theo dõi sát đừng để khi có sự cố xảy ra mới đi thanh kiểm tra, chế tài xử lý sẽ dẫn đến hệ lụy như vừa rồi.
Tiếp theo phải dự báo được diễn biến thế giới để điều hành, có biện pháp nhanh chóng, phù hợp. Với doanh nghiệp, việc dự báo, đánh giá càng quan trọng hơn và nếu cần thiết có thể sử dụng công cụ phòng ngừa về giá, bảo hiểm giá. Còn với người tiêu dùng cũng phải có cái nhìn thông cảm, biết chia sẻ lợi ích, khi giá thế giới cao - thấp thất thường.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận