Loạn rao bán đất, Vĩnh Phúc yêu cầu siết chặt thị trường bất động sản
Trước tình trạng rao bán đất tràn lan khiến đất nền loạn giá, giá từ vài trăm triệu đồng bỗng chốc tăng vọt lên vài tỷ đồng, vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng và địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường BĐS.
Loạn tình trạng rao bán đất
Chưa bao giờ tình trạng rao bán đất nền lại diễn ra phổ biến như hiện nay. Các lô đất ở thành phố, đô thị đến những vùng quê hẻo lánh đều được rao bán ra rả trên mạng xã hội. Kèm theo đó là hình ảnh, video minh họa nhằm giới thiệu những vị trí đắc địa của từng mảnh đất.
Đáng nói hơn cả, nhiều người không phải nhân viên sàn giao dịch BĐS cũng tham gia giới thiệu, môi giới mua bán đất nền. Người người kinh doanh BĐS ở mọi lúc, mọi nơi dẫn đến tình trạng loạn giá đất nền.
Từ sáng sớm đến đêm khuya, các nhóm zalo, facebook mua bán BĐS luôn có vài chục thông tin rao bán nhà đất, đi đâu cũng thấy mọi người nói về giá đất từ vài tỷ đến vài chục tỷ/ô khiến nhiều người... e ngại.
Điển hình như một số ô tại khu vực "Dự án Chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và Khu đô thị thương mại Vĩnh Tường" có thời điểm được rao bán gần 5 tỷ đồng/căn. Mức giá "trên trời" khiến không ít người dân địa phương hoang mang; các tiểu thương dù có nhu cầu sử dụng cũng không mặn mà giao dịch.
Phần lớn, những người tham gia giao dịch đều là các nhà đầu tư. Họ liều lĩnh “ôm” các ki ốt tiền tỷ chờ bán kiếm lời. Hay một số lô đất đường Mạc Đĩnh Chi, phường Hội Hợp; Tổ dân phố Hán Lữ, phường Khai Quang… trước đây có giá vài trăm triệu đồng/ô, nay tăng vọt lên hơn 2 tỷ đồng do có một số dự án đã và đang chuẩn bị đầu tư.
Vì BĐS qua tay nhiều nhà đầu tư, nhân viên môi giới đã đẩy giá bán lên cao. Do không ổn định, giá BĐS được ví như bong bóng nước. Ban đầu, bong bóng BĐS có thể thổi to, nhưng đến một thời điểm nhất định sẽ vỡ. Khi ấy, người đầu tư trước được hưởng lợi, người theo sau “ôm” khoản lỗ lớn.
Do đó mới có câu chuyện, cùng kinh doanh BĐS, nhưng sau 1 đêm, có người trở thành tỷ phú, người thành con nợ để thấy những rủi ro tiềm ẩn đối với kênh đầu tư này.
Nguyên nhân khiến BĐS bị thổi giá có nhiều, trong đó phải kể đến sự góp mặt, tham gia của những nhà đầu tư mới khiến thị trường trở nên sôi động; mức lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng liên tục bị điều chỉnh giảm nên nhiều người chuyển hướng đầu tư sang kênh BĐS.
Một số nhà đầu tư, nhân viên môi giới lợi dụng các thông tin về quy hoạch, ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng, triển khai các dự án lớn... để tung tin đồn thổi, lôi kéo người dân vào các giao dịch để trục lợi.
Cần đồng bộ giải pháp bình ổn
Để thị trường BĐS phát triển ổn định, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành chức năng và địa phương tăng cường công tác quản lý đối với lĩnh vực này.
Trưởng Phòng Quản lý nhà, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Lê Đức Thế cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 70 dự án đô thị, nhà ở và 10 sàn giao dịch BĐS. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới, đơn vị sẽ tiến hành rà soát, tổ chức thanh kiểm tra nhằm phát hiện, tham mưu xử lý các hành vi giao dịch, kinh doanh BĐS khi chưa đủ điều kiện.
Đồng thời, công bố rộng rãi thông tin các dự án khu đô thị, khu nhà ở đủ (hoặc chưa đủ) điều kiện huy động vốn, bán sản phẩm; tăng cường công bố công khai thông tin về quy hoạch xây dựng, tiến độ triển khai các dự án, nhất là đối với các dự án lớn nhằm minh bạch thông tin, ngăn chặn tình trạng đồn thổi, đầu cơ trục lợi bất hợp pháp”.
Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc tiến độ triển khai các dự án khu đô thị, nhà ở đã cho phép đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, tạo nguồn cung đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trường hợp phát hiện sai phạm, báo cáo UBND tỉnh kiên quyết không cấp chủ trương dự án đầu tư mới; có biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, kinh doanh BĐS khi chưa đảm bảo điều kiện theo quy định, các chủ đầu tư chưa được giao đất, thuê đất nhưng đã thực hiện huy động vốn và bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Sở sẽ phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép...
Cùng với sự vào cuộc của các sở, ngành chức năng, để góp phần hạn chế tình trạng thổi giá đất nền, các địa phương cần thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước về đất đai; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất.
Tăng cường tuyên truyền, công khai cho người dân về tình trạng pháp lý của các dự án đang triển khai, thông báo cho người dân biết các dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chưa đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai và tích cực cảnh báo người dân trước những cơn “sốt” đất ảo tại địa phương…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận