“Lộ” thêm 10 hộ dân ngoài ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm bị giải tỏa
Qua rà soát của chính quyền địa phương, khu đất nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm (TPHCM) diện tích thực tế là 4,39 ha và số hộ dân tăng thêm là các trường hợp được chia tách nhà thuộc sở hữu nhà nước trong khu cư xá trước thời điểm giải tỏa...
Sáng 19/7, UBND quận 2 bắt đầu tiếp xúc để lắng nghe, ghi nhận ý kiến các hộ dân có nhà đất bị giải tỏa trong khu 4,3 ha mà thông báo số 1483 của Thanh tra Chính phủ năm 2018 đã xác định là ngoài ranh quy hoạch dự án khu ĐTM Thủ Thiêm.
Trao đổi riêng với Tiền Phong, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2 cho biết quận đã gửi giấy mời và theo kế hoạch sẽ gặp hết các hộ dân trước kia có nhà đất bị giải tỏa trong khu đất 4,3 ha, kể cả các trường hợp đã nhận tiền và đang sinh sống ở nơi khác
Ông Hưng nói trước đây Thanh tra Chính phủ xác định diện tích nằm ngoài ranh quy hoạch là khu đất 4,3 ha thuộc khu phố 1 (phường Bình An, quận 2) nhưng qua rà soát mới đây thì diện tích thực tế của khu đất này là 4,39 ha.
“Số dân từ 321 hộ như công bố ban đầu hiện nay tăng lên 331 hộ. Số hộ tăng thêm là các trường hợp được chia tách nhà thuộc sở hữu nhà nước trước thời điểm giải tỏa và căn cứ một số bản án của tòa”, ông Hưng cho hay.
Chủ tịch UBND quận 2 cho biết sẽ tiếp người dân trong 4 ngày, 19, 20, 22 và 23/7. Bộ phận tiếp dân chia thành 3 tổ. Mỗi tổ được bố trí một số phòng riêng biệt, có cán bộ tiếp dân. Cứ mỗi đợt, quận sẽ tiếp vài người tương tự như lần tiếp xúc trước.
“Quận tiếp riêng từng hộ vì cần làm nhanh, trong tháng 7 phải hoàn thành việc tập hợp ý kiến của người dân trình Thành ủy xem xét hoàn chỉnh chính sách và tổ chức thực hiện”, ông Hưng nói.
Nói về việc quận 2 tổ chức tiếp dân để ghi nhận ý kiến, ông Nguyễn Văn Nhứt (70 tuổi, ngụ phường Bình Trưng Tây, quận 2) cho biết đã nhận được thư mời và sẽ tiếp xúc với quận vào ngày mai (20/7)
Ông Nhứt trước kia là công nhân công ty xi măng Hà Tiên, được bố trí một căn nhà trong khu cư xá có diện tích sử dụng gần 90 m2. Nói về việc gặp chính quyền địa phương để đề đạt ý kiến, nguyện vọng, ông Nhứt bức xúc cho biết chính quyền đã thu thập ý kiến người dân hơn 20 năm nay mà vẫn chưa trả lời rõ ràng.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong gặp ông Nguyễn Văn Thạch, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng ban Điều hành khu phố 1 tại buổi đối thoại tháng 10/2018
Theo ông Nguyễn Văn Nhứt, người dân hiện nay đang chờ UBND TPHCM trả lời ranh dự án khu ĐTM Thủ Thiêm nằm ở đâu để xác định rõ nhà nào trong ranh, nhà nào ngoài ranh để khiếu nại cho đúng.
Chính vì chính quyền không trả lời rõ ràng nên người dân hoang mang, phải lặn lội ra Hà Nội kêu cứu.
“Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp dân Trung ương đã nhiều lần gặp dân rồi, bây giờ trách nhiệm là của UBND TPHCM, phải trả lời rõ ranh quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm tới đâu, đã trót lấy thêm phần nào… Chỉ cần UBND TPHCM xác nhận thông tin này thì người dân 5 khu phố thuộc 3 phường sẽ không khiếu kiện nữa bởi mọi thứ đã rõ ràng. Người ngoài ranh chỉ cần chờ thành phố giải quyết chính sách. Người có nhà đất trong ranh biết giải tỏa nhà đất là đúng thì không khiếu nại, chỉ lo tập trung làm ăn ổn định cuộc sống”, ông Nhứt nói.
Người dân này cũng cho hay khu cư xá trước kia là nhà thuộc sở hữu nhà nước. Nhiều trường hợp dành dụm tiền mua hóa giá nhà trước khi bị giải tỏa. Chính sách bồi hoàn đang xin ý kiến hiện nay cào bằng những trường hợp đã hóa giá nhà và những trường hợp hợp đồng thuê nhà là không công bằng.
Ông Nguyễn Văn Thạch, nguyên Trưởng Ban Điều hành khu phố 1 cho biết không đồng tình với cách thức tiếp dân đang diễn ra. Quận 2 bố trí 3 địa điểm tiếp dân và mỗi điểm có từ 3-5 phòng tiếp lần lượt từng người một. Ông chất vấn nhân viên đưa thư mời thì được trả lời là làm vậy để … dân nói cho hết.
Theo ông Thạch, nếu sắp tới chính quyền vẫn không trả lời rõ ràng chuyện trong ranh, ngoài ranh thì về lý, người dân được quyền trở về nơi cũ dựng lại nhà ổn định cuộc sống.
“Chính quyền cần thực tâm trong việc sửa sai và chấp nhận bồi hoàn cho dân thỏa đáng, nếu không, các chính sách sẽ rất khó có được sự đồng thuận của dân và nếu không làm rõ những nội dung khiếu nại, người dân sẽ tiếp tục ra Hà Nội khiếu kiện”, ông Thạch nhận xét.
Ngoài ra, ông Thạch cho rằng ngoài thu hồi số tiền “thất thoát”, cần phải kiểm toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án và cần công khai danh sách, số tiền bồi thường hỗ trợ của từng trường hợp cụ thể để làm rõ tiền bồi thường có bị thất thoát hay không...
Ông Nguyễn Văn Thạch và tấm bản đồ hiện trạng khu phố 1 (trong đó có khu 4,3 ha) do Ban Bồi thường quận 2 cung cấp khi ông còn làm Trưởng ban Điều hành khu phố, thành viên Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án
Nói về khu 4,3 ha thuộc phường Bình An (sau này xác định ngoài ranh quy hoạch), ông Thạch cho biết khi kiểm đếm thì số trường hợp bị giải tỏa oan sai nhiều hơn so với con số TPHCM đã công bố. Hiện nay, ông vẫn lưu giữ danh sách từng hộ. Con số 321 hộ dân TPHCM đưa ra, theo ông Thạch, chỉ bao gồm các dãy nhà bên trong, chưa tính các căn hộ ở vị trí mặt tiền đường Lương Định Của.
Theo ông Nguyễn Văn Thạch, việc quan trọng nhất là phải xác định cho được ranh của khu đất 4,3 ha. Từ một số văn bản liên quan có thể xác định chính xác vấn đề này. Đó là văn bản số 561 và số 507 của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín trả lời người dân và Chi bộ khu phố 1, nêu rõ phần đất lấy thêm vào dự án là “cụm chung cư cũ”.
Ngoài ra, văn bản UBND quận 2 do Phó Chủ tịch Thái Thị Hạnh trả lời cho Chi bộ khu phố 1 nói rõ tổng số nhà đất lấy thêm vào là 357 hộ. Thực tế, tôi đối chiếu lại bản đồ và kiểm đếm thì có tới 367 hộ”, ông Thạch cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận