Lộ tham vọng của tập đoàn ông Phạm Nhật Vượng; Thế giới Di động sa thải 13.000 người
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tham vọng doanh thu Vingroup cao nhất lịch sử; Đề xuất nguồn tiền để tăng lương cán bộ, viên chức từ 1/7; Thế giới Di động sa thải 13.000 người... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tham vọng doanh thu Vingroup cao nhất lịch sử
Ngày 17/5, Tập đoàn Vingroup sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2023. Theo kế hoạch, năm nay Vingroup đặt mục tiêu doanh thu 190.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng. So với kết quả 2022, mục tiêu lợi nhuận Vingroup đi ngang nhưng doanh thu sẽ tăng gần 90%.
Nếu hoàn thành như kế hoạch, đây sẽ là mức doanh thu cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Vingroup. Về phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế luỹ kế tới hết năm 2022, Vingroup đề xuất trích 5 tỷ đồng vào quỹ dự trữ theo quy định tại điều lệ tập đoàn và toàn bộ lợi nhuận luỹ kế sẽ được giữ lại để dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, Vinpearl đặt mục tiêu duy trì đà phục hồi mạnh từ kỳ vọng ngành du lịch khởi sắc trở lại trong năm 2023. Còn VinFast dự kiến phát triển mạng lưới bán hàng tại tất cả các thị trường mục tiêu trong và ngoài nước, đẩy nhanh tốc độ bán hàng và bàn giao sản phẩm tại thị trường trọng điểm...
Đề xuất nguồn tiền để tăng lương cán bộ, viên chức từ 1/7
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức năm 2023.
Theo dự thảo, nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2023 từ nguồn cải cách tiền lương đến hết năm 2022 chưa sử dụng hết. Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 tăng thêm so với dự toán năm 2022 được cấp có thẩm quyền giao.
Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tăng lương cơ sở cho cán bộ, viên chức. |
Đối với bộ, cơ quan Trung ương, nguồn tăng lương cho cán bộ viên chức từ sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%.
Thế giới Di động sa thải 13.000 người
Điểm đáng lưu ý trong báo cáo tài chính quý I/2023 của Thế giới Di động (MWG) là số lượng nhân viên tính đến cuối tháng 3 là hơn 68.000 người, giảm gần 6.000 người so với thời điểm đầu năm. Đây là quý thứ hai liên tiếp công ty cắt giảm lượng lớn nhân viên trong bối cảnh sức mua của thị trường bán lẻ suy yếu.
Thế giới Di động sa thải 13.000 người trong 6 tháng qua. |
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Thế giới Di động cho biết, quy mô nhân sự của công ty đã bị thu hẹp, còn hơn 73.200 nhân viên. Điều này đồng nghĩa chỉ trong vòng 3 tháng, Thế giới Di động đã cắt giảm hơn 7.000 nhân viên, tương đương 4% nhân sự.
Đại diện Thế Giới Di Động cho biết, công ty chưa từng có chủ trương thực hiện kế hoạch sa thải nhân sự.
“Tổng số lượng nhân sự của Tập đoàn sụt giảm là hoàn toàn do biến động tự nhiên. Các năm trước, số lượng nhân sự nghỉ việc được bù đắp bằng số lượng tuyển mới. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế và sức mua giảm sút từ thời điểm cuối năm ngoái tới đầu năm nay khiến chúng tôi tạm ngừng tuyển dụng thay thế; đồng thời thực hiện sắp xếp lại các vị trí dựa vào doanh thu thực tế, nên sẽ có sự sụt giảm” - đại diện Thế Giới Di Động lý giải.
Gần 1.400 nhân viên Tập đoàn Đất Xanh nghỉ việc
Kết thúc quý I/2023, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) lỗ sau thuế 117 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 536 tỷ.
Đáng chú ý, trong thuyết minh báo cáo tài chính, số lượng nhân sự của Đất Xanh tại thời điểm 31/3 ghi nhận gần 2.400 người, giảm gần 1.400 người so với thời điểm đầu năm.
Còn tại báo cáo tài chính quý IV/2022, doanh nghiệp này đã mạnh tay cắt giảm nhân sự với sự suy giảm gần 3.200 người. Trong đó, một công ty con của Tập đoàn Đất Xanh là Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (mã chứng khoán: DXS) sa thải hơn 3.000 người. Như vậy, hai doanh nghiệp này có biến động tổng cộng hơn 3.100 người chỉ trong quý IV/2022, đứng đầu thị trường địa ốc về cắt giảm nhân sự. Tổng cộng, trong 6 tháng qua gần 4.500 người.
Chính thức tăng giá điện từ ngày 4/5
Sau 4 năm không đổi, từ ngày 4/5/2023, mỗi kWh điện tăng 3% lên mức 1.920,37 đồng (chưa gồm thuế VAT) theo quyết định vừa được Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký.
Giá bán lẻ điện chính thức tăng thêm gần 60 đồng/kWh từ ngày 4/5. |
Chi phí đầu vào tăng vọt, chủ yếu từ khâu phát điện tăng gần 21,5% so với 2021, nên tập đoàn này lỗ hơn 36.294 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Sau khi trừ đi thu nhập tài chính khác, số lỗ EVN năm ngoái gần 26.240 tỷ đồng.
Tập đoàn này cho biết, nếu không được tăng giá điện trong năm nay, ước số lỗ cả năm nay khoảng 64.000 tỷ đồng do tỷ giá USD tăng, giá nhiên liệu đầu vào cho nhiệt điện, điện khí tăng, giá mua điện tái tạo đắt đỏ.
Chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt
Tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết đến nay đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Trong đó bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc với giá 0 đồng (là Ngân hàng Xây dựng - CBBank, Ngân hàng Đại Dương - OceanBank, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GP Bank) và Ngân hàng Đông Á).
Hiện, NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.
Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) đã bị mua lại với giá 0 đồng. |
Đối với trường hợp NHTMCP Sài Gòn (SCB) được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, NHNN đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Vì sao khách đông nhưng phòng khách sạn vẫn 'rỗng' dù nghỉ dài ngày?
Kỳ nghỉ lễ dài 30/4 - 1/5 năm nay, nhiều đơn vị lưu trú vẫn “than” tỷ lệ lấp đầy thấp. Trao đổi với Tiền phong, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, xu hướng chung hiện nay là vừa thắt chặt chi tiêu vừa thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng với tổng chi tiêu ít hơn nhưng tận hưởng tối đa dịch vụ.
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam. |
Ngoài ra theo ông Siêu, cầu giảm, trong khi nguồn cung, quỹ phòng mới gia nhập thị trường tăng rất nhanh cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ lấp đầy tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn thấp.
"Một nguyên nhân khác nữa là xu hướng du lịch của người dân đã thay đổi nhiều sau COVID-19. Một là đi ngắn ngày, hai là tự đi, đi nhóm nhỏ và sử dụng các cơ sở lưu trú riêng biệt như homestay, biệt thự, bungalow, cắm trại… Nhu cầu sử dụng các khách sạn tập trung giảm đi, đặc biệt với những mô hình truyền thống chỉ 1-2 sao", ông Siêu nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường