Lỗ liên tiếp năm thứ 7, Xi măng Công Thanh nâng lỗ lũy kế lên hơn 6,000 tỷ đồng
BCTC kiểm toán hợp nhất mới nhất cho thấy CTCP Xi măng Công Thanh (OTC: CongThanh) lỗ sau thuế gần 1,182 tỷ đồng trong năm 2022, nâng mức lỗ lũy kế lên gần 6,080 tỷ đồng.
Năm 2022, Xi măng Công Thanh ghi nhận doanh thu thuần gần 1,596 tỷ đồng, giảm 36% so với năm trước. Trong đó, doanh thu bán xi măng (885 tỷ đồng) và bán clinker (695 tỷ đồng) chiếm 99% tổng doanh thu.
Công ty lỗ gộp hơn 153 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi gộp hơn 244 tỷ đồng.
Dù hầu hết khoản chi phí trong năm đều giảm so với năm trước nhưng chi phí lãi vay gần 824 tỷ đồng kèm theo bức tranh kinh doanh không hiệu quả, năm 2022, Xi măng Công Thanh lỗ sau thuế gần 1,182 tỷ đồng.
Năm 2022 đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp Xi măng Công Thanh báo lỗ, nâng tổng lỗ lũy kế lên gần 6,080 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh kiếm toán năm 2022 của Xi măng Công Thanh. Đvt: Tỷ đồng
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản sản của Công ty giảm nhẹ 4% so với đầu năm, còn 12,318 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm đến 77%, còn 2,933 tỷ đồng, chủ yếu do giảm mạnh tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn.
Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 70%, lên mức hơn 288 tỷ đồng, do tăng phải thu Công ty TNHH Thương Mại Xi Măng Công Thanh - khu vực Miền Trung (83 tỷ đồng) và phát sinh phải thu Công ty TNHH Thương Mại Xi Măng Công Thanh - khu vực Miền Nam gần 49 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, Công ty không có khoản phải thu ngắn hạn trọng yếu nào quá hạn thanh toán.
Hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm 2022 chỉ còn hơn 222 tỷ đồng, giảm 55% so với đầu năm, do giảm công cụ, dụng cụ, (còn 99 tỷ đồng) và thành phẩm (còn 65 tỷ đồng).
Quyền đòi nợ liên quan đến toàn bộ số dư phải thu khách hàng và toàn bộ giá trị hàng tồn kho cũng được dùng để làm tài sản thế chấp với VietinBank và SHB chi nhánh Vạn Phúc cho các khoản vay ngắn hạn và dài hạn.
Kiểm toán tiếp tục từ chối đưa ra ý kiến
Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam từ chối đưa ra ý kiến cho BCTC năm 2022 của Xi măng Công Thanh. Năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022, Công ty lỗ gần 1,182 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu 5,180 tỷ đồng. Đồng thời, các khoản nợ ngắn hạn cũng vượt tài sản ngắn hạn 2,351 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty chưa thực hiện theo kế hoạch chi trả khoản vay dài hạn đến hạn trả và trái phiếu đến hạn trả với số tiền 1,293 tỷ đồng cho VietinBank, khoản vay ngắn hạn với số tiền hơn 288 tỷ đồng cho SHB và tổng tiền lãi vay quá hạn hơn 316 tỷ đồng cho các ngân hàng này.
Do đó, đơn vị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Xi măng Công Thanh. Bên cạnh đó, Công ty không thể đưa ra bằng chứng khả năng hoàn thành kế hoạch thanh toán do các ngân hàng đề ra, do đó đơn vị kiểm toán không thể đưa ra ý kiến cho BCTC 2022 này.
Đây không phải năm đầu tiên kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến, đơn vị kiểm toán ở các năm trước cũng từ chối đưa ra ý kiến cho Công ty cũng như nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Kế hoạch giảm lỗ sau thuế trong năm 2023
Trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên được công bố gần đây, Công ty dự báo 2023 tiếp tục là năm khó khăn bủa vây ngành xi măng, sản xuất và tiêu thụ chưa thể sáng hơn do chi phí đầu vào tiếp đà tăng, trong khi khâu tiêu thụ nội địa vẫn u ám, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng. Trong khi đó, kênh xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước. Từ ngày 01/01/2023, Việt Nam áp thuế xuất khẩu clinker từ mức 5% lên 10%.
Do đó, Công ty đề ra kế hoạch 2023 với doanh thu thuần gần 1,926 tỷ đồng (+21% so với năm 2022) và kế hoạch giảm lỗ sau thuế còn 796 tỷ đồng so với mức lỗ 1,182 tỷ đồng trong năm 2022.
Kế hoạch kinh doanh 2023
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Xi măng Công Thanh dự kiến được tổ chức vào ngày 09/06 tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận