24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Hoàng Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lỗ hổng khiến khu công nghiệp “đứt gãy” trong đại dịch

Công nhân phải di chuyển mỗi ngày hàng trăm cây số từ chỗ ở đến khu công nghiệp làm việc. Một số khác lại đang sống trong những dãy trọ chật hẹp, tồi tàn không đảm bảo an toàn sức khỏe. Đại dịch Covid – 19 bùng phát, các đợt giãn cách xã hội khiến lực lượng này không thể đi làm khiến hoạt động sản xuất của các khu công nghiệp tê liệt.

Thiếu hụt nhà ở cho công nhân

Đợt dịch Covid – 19 lần thứ 4 bùng phát ở các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là TP.HCM và các thủ phủ công nghiệp như Bình Dương, Long An hay Đồng Nai đã khiến cho hàng loạt khu công nghiệp rơi vào tình cảnh khốn đốn.

Các đợt giãn cách xã hội, phong toả buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí tạm ngưng hoạt động. Một số khác cố gắng cầm cự với các biện pháp sản xuất “3 tại chỗ” phòng dịch. Tuy nhiên, cách làm này không hiệu quả khi nhiều ổ dịch lại bùng phát tại các doanh nghiệp này.

Đáng lo ngại hơn, một số doanh nghiệp FDI đang bày tỏ ý định rời đi nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát, người lao động không thể quay trở lại nhà máy để làm việc khiến doanh nghiệp “đứt gãy” hợp đồng, cung cầu thị trường không được duy trì.

Theo các chuyên gia, dịch Covid – 19 đã làm lộ rõ nhiều lỗ hổng trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp Việt Nam hiện nay. Trong đó, có việc thiếu hụt chỗ ở cho lực lượng lao động, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất.

Giáo sư Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, có một thực trạng ở hầu hết các khu công nghiệp hiện nay chỗ ở người lao động và nhà máy rất xa nhau. Thậm chí, công nhân mỗi ngày phải vượt hàng trăm cây số để đi từ địa phương này sang địa phương khác để làm việc.

Khi đại dịch xảy ra các địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến người lao động không thể đi làm nên các khu công nghiệp thiếu hụt lao động, sản xuất bị ngưng trệ.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng cho rằng, nhiều khu công nghiệp hiện nay đã được đầu tư rất đẹp, bài bản. Nhưng phía ngoài, người lao động cho các khu công nghiệp này lại đang phải sinh sống trong những không gian nhà trọ chật hẹp, bẩn thỉu, không đảm bảo sức khỏe. Thực tế, rất nhiều ổ dịch đã bùng phát ở các khu trọ công nhân thời gian qua.

Theo ông Hiếu, dịch bệnh có thể sẽ không kết thúc mà còn kéo dài nhiều năm do đó bài toán xây dựng nơi ăn, chốn ở đảm bảo cho lực lượng lao động tại các khu công nghiệp rất cấp bách.

Chỗ ở công nhân cần hướng đến hình thành một hệ sinh thái là những khu đô thị hỗ trợ gần kề khu công nghiệp với đầy đủ tiện ích xã hội. Nếu làm được như vậy thì mới đảm bảo đời sống của người lao động và giữ mạch sản xuất cho các khu công nghiệp trong bối cảnh thiên tai như dịch bệnh hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 5.2021, cả nước có 394 khu công nghiệp và hàng nghìn cụm công nghiệp, thu hút hàng triệu lao động làm việc. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Xây dựng gần đây cho biết, cả nước chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha, trong đó 116 dự án đã hoàn thành với diện tích đất hơn 250ha. Riêng công nhân khu công nghiệp, diện tích nhà chỉ đủ bố trí cho hơn 330.000 người, đáp ứng khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020.

Hướng tới những khu đô thị hỗ trợ

Theo các chuyên gia, để giải bài toán nhà ở cho chuyên gia, lực lượng lao động tại các khu công nghiệp hiện nay không đơn giản và cần một kế hoạch lâu dài.

Hiện nay, mỗi khu công nghiệp đang có hàng nghìn lao động từ công nhân cho đến các chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước sinh sống, làm việc, song không phải khu công nghiệp nào cũng được quy hoạch để có diện tích cho khu dịch vụ phụ trợ. Đó là khu công nghiệp khép kín, có đầy đủ cơ sở hạ tầng xã hội như nơi ở, khu dịch vụ thương mại, khu vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện... góp phần giải quyết vấn đề về nhà ở công nhân và cộng đồng chuyên gia quốc tế.

Lỗ hổng khiến khu công nghiệp “đứt gãy” trong đại dịch
Mô hình dãy trọ công nhân thường thấy ở gần các khu công nghiệp

Theo Giáo sư Trần Đình Thiên, để xây dựng những khu đô thị phụ trợ công nghiệp cần nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ thể chế, chính sách. Để làm được điều này thì mục tiêu hướng đến là thu hút đầu tư. Một khu đô thị khép kín đầy đủ tiện ích và nằm gần kề khu công nghiệp sẽ thu hút người lao động đổ về. Khi đó, khả năng thu hút đầu tư của khu công nghiệp sẽ tăng lên, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm ăn. Lúc đó chính sách cũng sẽ cởi mở hơn để thúc đẩy địa phương phát triển.

Tiến sĩ Hiếu thì cho rằng, các địa phương phát triển khu công nghiệp cần tập trung và khu công nghiệp xây xong phải thu hút được người lao động về làm việc thì mới có thể xây dựng các khu đô thị phụ trợ bài bản. Hiện nay, rất nhiều khu, cụm công nghiệp xây xong nhưng chỉ có vài nhà máy hoạt động với vài trăm công nhân thì rất khó để xây dựng được các khu đô thị quy mô lớn.

Theo ông Hiếu, nguồn lực để xây dựng phát triển các khu đô thị hỗ trợ khu công nghiệp là rất lớn. Do đó, ngoài các doanh nghiệp trong nước thì các địa phương cần tạo điều kiện để thu hút các đại gia công nghiệp trên thế giới với nguồn tài chính dồi dào và kinh nghiệm phát triển đô thị công nghiệp của họ.

Bà Phạm Hồng Thúy - Phó tổng giám đốc TNR Holdings Vietnam, chia sẻ nhu cầu về chỗ ở của người lao động, chuyên gia tại các khu công nghiệp hiện nay đang rất lớn. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp đã và đang có ý định đầu tư vào phân khúc này đặc biệt là phát triển các khu đô thị phụ trợ với đầy đủ tiện ích.

Tuy nhiên, đầu tư vào loại hình này doanh nghiệp đòi hỏi phải có nguồn tài chính ổn định bởi chi phí đầu vào rất lớn và thời gian thu hồi vốn kéo dài. Do đó, doanh nghiệp rất cần một chính sách ổn định, giảm bớt các thủ tục hành chính trong cấp phép, xét duyệt lập dự án. Ngoài ra cần có ưu đãi về vốn, đất đai để thu hút nhều doanh nghiệp đầu tư.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả