Lộ diện số tiền BIDV ‘bơm’ cho SCB để tái cơ cấu
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các bên liên quan đang diễn ra, các bị cáo được nói lời cuối cùng tại tòa. Nhiều tình tiết chưa từng xuất hiện trong cáo trạng lộ diện.
Tại tòa ngày 4/4, bị cáo Lê Khánh Hiền được nói lời cuối cùng. Lê Khánh Hiền làm việc tại SCB trước và sau sáp nhập, từ tháng 1/2010 đến ngày 15/10/2013. Tại SCB, Lê Khánh Hiền từng giữ đến vị trí Tổng Giám đốc. Sau khi Lê Khánh Hiền nghỉ việc vào năm 2013, Võ Tấn Hoàng Văn lên thay thế.
Nói lời cuối cùng tại tòa, Lê Khánh Hiền đã nhận thức sâu sắc những sai phạm từ hành vi của mình, bị cáo rất ăn năn hối hận về hành vi của mình. Bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh của bị cáo khi làm Tổng Giám đốc SCB.
Lời nói của Lê Khánh Hiền tiết lộ, trong thời gian làm việc tại SCB, bị cáo nhận nhiệm vụ hoàn trả các khoản trợ cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước, từ các khoản vay liên ngân hàng - trong số đó có khoản nợ 2.500 tỷ đồng vay của BIDV.
Năm 2011, câu chuyện hợp nhất 3 ngân hàng TMCP là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), ngân hàng TMCP Đệ Nhất và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa được thông qua. Đây là kết quả sau hành trình "cứu" các ngân hàng đơn lẻ như SCB, Tín Nghĩa đang kinh doanh không hiệu quả. Nhóm ngân hàng này chủ yếu cho vay vốn trung vài dài hạn trong khi nguồn vốn huy động phần lớn là ngắn hạn, khiến có lúc mất thanh khoản.
Theo đề án lúc đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán BID) được giao đóng vai trò đại diện Nhà nước, hỗ trợ 3 ngân hàng hợp nhất. BIDV giai đoạn đó do ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch HĐQT. Một trong những nhiệm vụ của BIDV lúc đó là "bơm" tiền hỗ trợ thanh khoản, đồng thời hỗ trợ quá trình tái cấu trúc.
Tháng 12/2011, SCB cùng Đệ Nhất, Tín Nghĩa tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, thông qua phương án sáp nhập. Ngân hàng sau sáp nhập lấy tên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Theo tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính lúc đó, BIDV đã cử 22 lãnh đạo và chuyên gia giỏi sang các ngân hàng để bước đầu tham gia vào quá trình hợp nhất. Bên cạnh đó, BIDV còn huy động 3 Phó Tổng Giám đốc và 10 Giám đốc các ban chuyên môn tham gia tư vấn, hỗ trợ quá trình này.
Thậm chí, BIDV lúc đó cho rằng, với tư cách đại diện vốn của nhà nước, BIDV có thể tham gia vào hội đồng quản trị và ban điều hành, kiểm soát. Cụ thể, BIDV có thể sẽ nắm vị trí Phó chủ tịch hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc, ban kiểm soát và các ban chuyên môn khác.... Tuy nhiên, đây hoàn toàn là việc đại diện phần vốn nhà nước, hoàn toàn không có nghĩa là BIDV có tỷ lệ cổ phần, phần vốn là của nhà nước và tỷ lệ bao nhiêu do nhà nước quyết định. Tất cả khoản vốn hỗ trợ của nhà nước cho 3 ngân hàng này về thanh khoản được theo dõi và hạch toán riêng, không làm ảnh hưởng đến cân đối kế toán, tài chính của BIDV.
Lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan trong suốt quá trình xét xử, phần lớn đều cho rằng mình đã đổ rất nhiều tài sản cá nhân vào “cứu” SCB lúc đó theo lời kêu gọi tái cơ cấu của NHNN. Đây cũng là “điểm neo” để Trương Mỹ Lan “kêu oan” rằng bà không thâu tóm ngân hàng SCB.
rong cáo trạng, trong các lời khai của Trương Mỹ Lan về giai đoạn này đều gần như không xuất hiện cái tên BIDV hay vai trò của NHNN và các tổ chức tín dụng khác. Theo lời khai của Trương Mỹ Lan, để cứu vãn tình hình, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vận động các doanh nghiệp tham gia tái cơ cấu nhưng không ai dám vào. Bà Lan được mời tham gia cố vấn để hợp nhất 3 ngân hàng bởi "có tài sản có thể đưa vào cho ngân hàng mượn" để làm tài sản đảm bảo đi vay NHNN hoặc các liên ngân hàng, tránh vỡ nợ.
“Vin” vào lý do này, bà Lan “kêu” đã đưa hết tài sản có giá trị cho SCB mượn để tái cơ cấu, dẫn đến hiện giờ chính bà là người bị hại, mất hết tài sản.
Phiên tòa ngày 4/4, lời nói sau cùng của bị cáo Lê Khánh Hiền “lộ diện” một mặt khác của giai đoạn tái cơ cấu SCB, trong đó không chỉ BIDV, hàng chục nghìn tỷ đồng khác đã được "bơm" vào để hỗ trợ tái cơ cấu SCB.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận