Lĩnh loạt đòn ‘chí mạng’, Alibaba chứng kiến vốn hóa sụt giảm mạnh nhất thế giới
Từng tạo dấu ấn khi ghi nhận loạt kỷ lục doanh thu “khủng”, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba lại tiếp tục lập kỷ lục nhưng lần này là công ty chứng kiến mức vốn hóa sụt giảm mạnh nhất trên thế giới trong năm qua, giảm tới 344 tỷ USD.
Kể từ khi nhà sáng lập Jack Ma chuyển giao vị chí Chủ tịch kiêm CEO cho ông Daniel Zhang Yong từ tháng 9/2020, Alibaba dường như không bị ảnh hưởng gì khi giá trị vốn hoá thị trường của công ty đã tăng lên mức kỷ lục 352 tỷ USD.
Trái lại, chính Jack Ma lại khiến Alibaba "chao đảo" sau một bài phát biểu "mạnh miệng" hồi tháng 10/2020 ở Hong Kong. Tại đó, Jack Ma đã chỉ trích các quy định của hệ thống tài chính Trung Quốc.
Ngay sau đó, thương vụ IPO của tập đoàn fintech Ant Group của Alibaba bị hủy bỏ theo yêu cầu của các nhà quản lý, mô hình kinh doanh của công ty bị yêu cầu cần được xem xét lại.
Cổ phiếu Alibaba vì vậy đã giảm từ đỉnh kỷ lục vào tháng 10/2020 xuống mức thấp nhất từ trước đến nay cách đây 3 tuần trên thị trường Hong Kong trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường giám sát các hoạt động của hãng công nghệ này và thúc giục tái cấu trúc mảng fintech.
Tính đến nay, giá cổ phiếu Alibaba đã phục hồi 30% từ mức thấp ngày 5/10. Tuy nhiên, giá vẫn thấp hơn 43% so với đỉnh hồi tháng 10/2020.
Thêm vào đó, Cục Quản lý nhà nước về quy chế thị trường (SAMR) hồi tháng 4 đã áp mức án phạt 18,23 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỷ USD) đối với Alibaba. SAMR cáo buộc Alibaba lợi dụng vị thế thống trị thị trường của mình để trục lợi.
Án phạt này tương đương 4% doanh thu của Alibaba năm 2019 và cũng là khoản phạt lớn nhất về độc quyền đến nay tại Trung Quốc.
Ngoài việc nộp phạt, Alibaba cũng bị yêu cầu triển khai "các biện pháp khắc phục toàn diện", bao gồm tăng cường kiểm soát nội bộ, duy trì cạnh tranh công bằng, bảo vệ các doanh nghiệp trên nền tảng của mình và quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo tính toán của Bloomberg, một năm trôi qua, vốn hoá của gã khổng lồ thương mại điện tử này đã mất 344 tỷ USD - mức lớn nhất trên toàn cầu. Đứng sau Alibaba là các tập đoàn Kuaishou Technology, Ping An Insurance, Tencent, Zoom...
Nỗ lực ‘lấy lòng chính quyền’
Alibaba hồi tháng 9 đã cam kết dành khoảng 100 tỷ NDT (15,5 tỷ USD) từ nay cho tới năm 2025 để ủng hộ sáng kiến “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hãng tin Zhejiang News dẫn nguồn thạo tin cho biết số tiền 15,5 tỷ USD này sẽ tập trung vào những ưu tiên chính gồm đổi mới công nghệ, hỗ trợ quá trình số hóa ở các vùng nông thôn, giúp các doanh nghiệp nhỏ mở rộng ra nước ngoài, cải thiện cuộc sống của nhóm người lao động có công việc không ổn định, cải thiện vấn đề bảo hiểm cho những lao động hợp đồng…
Trong đó, Alibaba cũng sẽ dành 20 tỷ NDT (khoảng 3 tỷ USD) để đầu tư cho tỉnh Chiết Giang trở thành “khu vực kiểu mẫu” thể hiện tầm nhìn “thịnh vượng chung”.
Đồng thời, tập đoàn thương mại điện tử này cũng đang thành lập một ủy ban “vì sự thịnh vượng” do Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Daniel Zhang trực tiếp điều hành.
Khoản tiền nói trên được xem là mức đóng góp lớn nhất của một doanh nghiệp sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi “điều chỉnh hợp lý các khoản thu nhập quá cao” và “khuyến khích các nhóm thu nhập cao và doanh nghiệp gần gũi hơn với cộng đồng, đền đáp nhiều hơn cho xã hội”.
Trong kế hoạch cho Lễ độc thân (11/11) năm nay, Alibaba đã khởi động loạt chương trình khuyến mãi, tập trung vào tính bền vững và hòa nhập.
Alibaba cho biết sàn thương mại điện tử Tmall đang phát hành "voucher xanh" trị giá 100 triệu nhân dân tệ (15,6 triệu USD) để khuyến khích các quyết định mua hàng "góp phần vào lối sống thân thiện với môi trường".
Ngoài ra, nền tảng mua sắm Taobao cũng đã giới thiệu một giao diện mới, được thiết kế để giúp người dùng cao tuổi dễ tiếp cận ứng dụng hơn, đồng thời còn cho phép người bán quyên góp một phần doanh số bán hàng của họ cho người già neo đơn, trẻ em bị bỏ rơi ở các vùng nông thôn, cũng như những người lao động có thu nhập thấp...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận