Liệu “sóng thần” chứng khoán có trở lại?
Trong khi nhiều ngành nghề đang chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch thì thị trường chứng khoán lại bùng nổ trong thời gian qua với sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, tháng 11 vừa qua, VN-Index chính thức cán mốc 1.500 điểm - ngưỡng mà thị trường mong chờ bấy lâu nay. Tính từ thời điểm tháng 8/2021, chỉ số VN-Index tăng 10,5%. Chứng khoán Việt Nam nhờ đó trở thành thị trường mang lại tỷ suất sinh lời cao nhất thế giới.
Rất khó để “ăn” bằng lần
Trao đổi tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán với gói kích thích kinh tế: Cú hích tăng trưởng và rủi ro bong bóng”, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến thị trường tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây một phần cũng bởi tâm lý nhà đầu tư đang kỳ vọng tích cực vào gói hỗ trợ kinh tế.
Thực tế cho thấy, gói hỗ trợ lãi suất 4% chúng ta triển khai trong cuộc khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2009 đã giúp thị trường chứng khoán thời điểm đó tăng trưởng ngoạn mục, như một đợt “sóng thần” mà nhiều nhà đầu tư đang muốn chứng kiến trở lại.
Tuy nhiên, TS. Quách Mạnh Hào - Giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh cho rằng, bối cảnh kinh tế của hai gói hỗ trợ là hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, vào năm 2009, kinh tế chuyển từ trạng thái thiếu tiền sang thừa tiền. Việc bơm thanh khoản quá mức đã dẫn tới sự tăng trưởng của các thị trường tài sản, trong đó có chứng khoán.
Còn trong bối cảnh hiện tại, tiền trên thị trường rất nhiều, thanh khoản hệ thống ngân hàng luôn dồi dào. Cộng với “cỗ máy” kinh tế chưa thể khôi phục ngay đã khiến thị trường chứng khoán tăng. Các gói hỗ trợ kinh tế bản chất không phải là bơm thêm tiền mà tìm cách đưa tiền vào các hoạt động kinh tế. Thậm chí nếu có gói mới thì việc phát hành trái phiếu sẽ nhằm vào các nguồn tiền dư thừa nhàn rỗi hiện có trên thị trường. Khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh quay trở lại, tiền đổ vào thị trường chứng khoán sẽ giảm đi. Theo ông, quan điểm thiết kế gói kích thích hiện nay là để lượng tiền đã bơm ra đến đúng, tức là đi vào các dự án về cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội… Điều này cũng giải quyết được bài toán rủi ro lạm phát.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT FiinGroup cho rằng, rất khó để kỳ vọng gói hỗ trợ lần này tạo sức bật lớn với chứng khoán để “ăn” bằng lần như giai đoạn 2009. Bởi lẽ, giai đoạn 2009 là thiếu thanh khoản, lạm phát cao, lúc đó, tiền bơm ra thị trường thì chứng khoán như “cá gặp nước” và cộng hưởng tâm lý được “cứu” của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, mặc dù gói kích cầu làm giúp cải thiện lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng điều này không thể đến một sớm một chiều. Minh chứng là dù gói hỗ trợ năm 2009 là khá lớn nhưng không có tác động nhiều vào thị trường chứng khoán giai đoạn sau đó.
Đồng thời, thị trường khi đó cũng còn nhỏ với hơn 200 mã, vốn hoá 400.000 tỷ đồng, nên nhiều cổ phiếu dễ tăng bằng lần. Hiện tại quy mô thị trường chứng khoán đã lớn hơn rất nhiều với 1.700 cổ phiếu niêm yết, vốn hoá 7,7 triệu tỷ USD.
Vẫn có “sóng” tốt trên thị trường
Dù không thể tăng mạnh, tuy nhiên Chủ tịch FiinGroup cho rằng triển vọng thị trường chứng khoán thời gian tới rất tích cực. Bởi xét về định giá, chứng khoán hiện nay vẫn ở mặt bằng định giá chưa cao, ngoại trừ nhóm cổ phiếu nhỏ, do đó, tác động sẽ vẫn tích cực đến bối cảnh chung của thị trường, đặc biệt là nhóm các cổ phiếu của doanh nghiệp lớn, triển vọng kinh doanh tốt mà giá chưa lên.
Mặt khác, dù đã được “kích cầu” bởi dòng tiền mới, tài khoản mới nhưng chỉ có cổ phiếu ngành chứng khoán là tăng bằng lần (khoảng 151,64% từ đầu năm), còn lại các ngành vốn được kỳ vọng đều chưa tăng mạnh “bằng lần” như: Bất động sản: 39,13%; Ngân hàng: 26,11%; Xây dựng: 55,93%; Vật liệu xây dựng & Nội thất: 52,41%...
Tuy nhiên theo ông Thuân, thị trường sẽ có sự phân hoá theo ngành. Ví dụ với nhóm ngân hàng, xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản, chứng khoán rõ ràng đây là những nhóm ngành có thể được hưởng lợi song vấn đề là lựa chọn cổ phiếu nào. Với ngân hàng, cơ hội sẽ dành cho cổ phiếu nào giai đoạn vừa qua có tỷ lệ bao phủ nợ xấu, trích lập dự phòng nhiều.
Nhận định vể chuyển động thị trường thời gian tới, ông Hào cho rằng, các nhà đầu tư hiện vẫn còn muốn “bắt đáy”, vì vậy tiền chưa thể lập tức rút ra khỏi thị trường mà sẽ luân chuyển giữa các nhóm ngành. Trong đó, theo thống kê, kể từ khi gói hỗ trợ kinh tế được đưa ra, năm ngành nhà đầu tư đổ tiền vào mạnh nhất gồm: Y tế; viễn thông; xây dựng, vật liệu xây dựng; truyền thông; bất động sản. Nhiều ngành dòng tiền vào yếu như: Tài nguyên cơ bản; bảo hiểm; dầu khí; công nghệ; du lịch; giải trí.
Ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Chứng khoán KB gợi ý, trong ngắn hạn, nhà đầu tư cá nhân có thể hướng tới nhóm đầu tư công. Còn để đầu tư trong vòng ba đến sáu tháng tới thì lại là nhóm không phụ thuộc vào gói kích thích kinh tế, như dầu khí.
Mặc dù có nhiều dấu hiệu tích cực cho thị trường nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo nhà đầu tư nên cẩn trọng với cổ phiếu nhỏ, muốn kiếm tiền phải biết điểm dừng. Ngoài ra, cần chú ý tới những dấu hiệu “tăng trưởng nóng” của thị trường. Nhà đầu tư cũng cần cân nhắc, lựa chọn đầu tư phù hợp, không chạy theo những ngành hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ một cách mù quáng. Đơn cử như khi nhắc đến đầu tư công, đây là nhóm được hưởng lợi nhưng phải dùng tăng trưởng lợi nhuận chứ không phải cứ nhìn thấy đầu tư công là “chạy” ồ ạt vào. Tương tự, với nhóm chứng khoán, dù định giá cao và nhóm ngành này đã tăng trưởng rất nhanh thời gian qua, nhưng nếu VN-Index duy trì đà tăng thì chứng khoán vẫn có cơ hội, nhưng phải lựa chọn xem cổ phiếu nào là chìa khoá thành công.
Bên cạnh đó, để gói hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả và đem lại tác động tích cực lên thị trường chứng khoán, TS. Võ Đình Trí - Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, IPAG Business School (Pháp) và AVSE Global cho rằng, trong thời gian tới cần “thông” khả năng hấp thụ vốn cho các doanh nghiệp. Nếu giải quyết được vấn đề này, sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại nhanh chóng, giúp nhà đầu tư kỳ vọng về sự tăng giá cổ phiếu của doanh nghiệp khi lợi nhuận tăng trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận