menu
Liệu có một làn sóng Covid-19 mới?
Vũ Quyết
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Liệu có một làn sóng Covid-19 mới?

Số ca Covid-19 trong những ngày vừa qua tăng cao trở lại, có thời điểm tăng gấp 5-6 lần so với trung bình 2 tháng gần đây. Điều này liệu có thể tạo ra một làn sóng Covid -19 mới?

Covid-19 đã một thời gian rồi ít hiện diện trong sự lo lắng của mọi người… Chúng ta không còn nhìn thấy trên những trang báo dãy số dài về số ca nhiễm mới, số người tử vong…, hoạt động kinh doanh - sản xuất - sinh hoạt… trở lại bình thường mà không có bất cứ giới hạn, ràng buộc nào về phòng dịch, ngoại trừ thói quen đeo khẩu trang…

Tuy nhiên, số ca Covid-19 trong những ngày vừa qua tăng cao trở lại, có thời điểm tăng gấp 5-6 lần so với trung bình 2 tháng gần đây và ngày hôm qua đã ghi nhận số ca mắc mới cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

PV VOV2 phỏng vấn TS.BS Vũ Quốc Đạt – giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội, thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của WHO về nguy cơ bệnh có thể tạo ra một “làn sóng” dịch mới?

PV: Kể từ đầu tháng 4, số ca Covid-19 có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt trong các ngày cuối tuần và đầu tuần qua, số ca Covid-19 được báo cáo trên hệ thống đã tăng gấp 5-6 lần so với trung bình 2 tháng gần đây. Nhìn vào số liệu này, liệu chúng ta có thể đưa ra những nhận định gì, thưa TS.BS Vũ Quốc Đạt? Và dưới góc độ quan sát, nghiên cứu của mình thì ông có những khái quát như thế nào về tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở nước ta?

TS.BS Vũ Quốc Đạt: Nếu nhìn qua số liệu dịch trong tuần đầu tháng tư thì rõ ràng là chúng ta đang ở trong một làn sóng mới của dịch Covid -19. Làn sóng này đã được dự báo cũng như đã xuất hiện ở các quốc gia. Nhưng điều đặc biệt của chúng ta so với các quốc gia khác cũng như so với thời gian trước đây, đó là làn sóng lần này xuất hiện với cường độ cũng như mức độ ảnh hưởng ít hơn nhiều so với những gì đã trải qua trong quá khứ.

PV: Có ý kiến cho rằng số ca Covid-19 tăng cao là do thời gian qua nhiều người lơ là, chủ quan không tiêm mũi 4 vaccine Covid-19 nên đáp ứng miễn dịch trong cộng đồng giảm đi và dịch có xu hướng lây lan mạnh trở lại. Còn ý kiến của ông như thế nào?

TS.BS Vũ Quốc Đạt: Tôi cho rằng, sự xuất hiện và bùng phát những đợt dịch nhỏ của các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp là một điều tương đối bình thường. Bởi tất cả bệnh dịch nhiễm trùng đường hô hấp đều xuất hiện có tính chất chu kỳ, ví dụ như cúm, virus hợp bào hô hấp ở trẻ em, sởi hay quai bị, Rubella…

Tuy nhiên, đối với miễn dịch cộng đồng của Covid-19 thì lại tương đối đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, từ khi xuất hiện vào năm 2019 tới nay, chúng ta vẫn chưa trải qua quá 5 năm, cho nên nếu mà nói về một chu kỳ bùng phát của một dịch đường hô hấp thì còn là tương đối ngắn. Bởi dịch bệnh đường hô hấp chu kỳ bùng phát những đợt dịch lớn xảy ra trong khoảng tầm 5 hoặc thậm chí là 10 năm nhưng những đợt sóng chúng ta thấy ở Covid-19 thì tương đối ngắn. Trong vòng có 4 năm đã chứng kiến có nhiều làn sóng nhỏ - đó là điều mà chúng ta đáng lo ngại.

Vấn đề thứ hai nữa là khác với những dịch bệnh đường hô hấp khác, ví dụ như sởi - miễn dịch thu được do vaccine tương đối bền vững, có thể nói là miễn dịch bền vững suốt cuộc đời. Nhưng đối với Covid 19 thì miễn dịch thu được do vaccine sẽ giảm dần theo thời gian. Thời điểm này cách đây 1 năm đang là cao điểm, chúng ta đã triển khai mũi vaccine tăng cường nhờ đó chúng ta duy trì được một trạng thái miễn dịch cộng đồng tương đối bền vững trong 1 năm vừa qua. Nhưng ở thời điểm này miễn dịch cộng đồng bắt đầu suy giảm, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện trở lại của các ca bệnh.

PV: Hiện Bộ Y tế chưa có báo cáo về biến đổi chủng virus Covid-19 mới xuất hiện. Đây là tín hiệu tích cực, thậm chí giảm mối lo về nguy cơ một làn sóng Covid-19 mới. Tuy nhiên liệu chúng ta có thể lạc quan như vậy- nhất là khi miễn dịch cộng đồng đang giảm, số ca mắc có xu hướng tăng, trong đó có nhiều người trên 60 tuổi?

TS.BS Vũ Quốc Đạt: Tôi nghĩ rằng mặc dù là chưa xuất hiện biến chủng mới. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng số ca trở nặng sẽ tỷ lệ với số bệnh nhân bị mắc. Bởi vì nếu dịch bệnh nó chỉ xảy ra một quần thể hẹp khoảng tầm 100 -1000 người thôi thì với tỷ lệ tử vong, thậm chí chỉ là 0,1 % thì số ca mắc của chúng ta có thể gọi là trên đầu ngón tay. Nhưng khi đã thành dịch có những cái làn sóng mà số ca mắc lên đến hàng vạn, hàng chục vạn hoặc thậm chí là hàng triệu người chắc chắn rằng số ca nặng cũng như ca tử vong sẽ tăng lên và điều đấy là điều bất thường mà chúng ta phải ngăn chặn.

Liệu có một làn sóng Covid-19 mới?
TS.BS Vũ Quốc Đạt – giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội, thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của WHO

PV: Tại thời điểm này, vai trò của vaccine – đặc biệt là mũi 4 (đối với những người mới chỉ tiêm 2-3 mũi) như thế nào? Giả sử đưa ra 2 giả thuyết: cần thiết và rất cần thiết, ông sẽ khuyến cáo giả thuyết nào?

TS.BS Vũ Quốc Đạt: Đối với vaccine mũi 4, cá nhân tôi khuyến cáo là rất cần thiết đối với cả những đối tượng có nguy cơ cao: người già trên 60 tuổi, những người có bệnh lý nền như các bệnh lý về ung thư, các bệnh lý về sơ gan, tiểu đường, bệnh lý suy giảm miễn dịch khác như bệnh nhân đang xạ trị, điều trị hóa chất…... Đó là những đối tượng phải được tiêm vaccine Covid- 19 mũi 4 để đảm bảo nguy cơ chuyển nặng cũng như tử vong là thấp nhất.

PV: Mới đây nhất, Mỹ chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp vì Covid-19, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang xem xét khả năng kết thúc trên toàn cầu. Ông có lo ngại rằng điều này sẽ càng tác động tới tâm lý chủ quan của người dân đối với Covid-19?

TS.BS Vũ Quốc Đạt: Thực ra người dân ở bất kỳ quốc gia nào cũng có sự chủ quan khi chúng ta sống sót qua một đại dịch. Ví dụ đã từng có những bệnh dịch gây chết người hàng loạt trong quá khứ như cúm, tả... nhưng hiện giờ chúng ta đã chủ quan rất nhiều. Tuy nhiên, đối với Covid-19 thì sự chủ quan này có nguy cơ lớn hơn so với cả các bệnh dịch khác. Chính phủ Mỹ hiện giờ không còn tập trung ngân sách quốc gia cũng như là chiến lược ở cấp độ quốc gia đề phòng chống Covid-19 nhưng họ vẫn duy trì hệ thống phòng bị cũng như hệ thống phòng dịch ở cấp độ bang, ở mỗi địa phương để có thể ứng phó với dịch, tức là chuyển ứng phó dịch từ cấp độ quốc gia xuống cấp độ địa phương để duy trì hệ thống y tế ổn định.

PV: Vậy trong bối cảnh toàn cầu đó, Việt Nam phải làm gì? Các hoạt động phòng chống dịch cần phải duy trì như thế nào?

TS.BS Vũ Quốc Đạt: Trong thời gian tới thì chúng ta vẫn nên tiếp tục giám sát sự lưu hành của Covid-19 để có đủ điều kiện cũng như là đủ năng lực để ứng phó khi có bất cứ sự thay đổi nào về mô hình dịch cũng như là chủng virus.

Thứ hai là đối với ứng phó quốc gia thì tôi nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn có thể cân nhắc để dựa vào nguồn lực của chúng ta có để đảm bảo ưu tiên. Tôi nghĩ rằng, Tổ chức y tế thế giới sẽ cân nhắc tới việc chấm dứt đại dịch của Covid- 19 khi họ đánh giá có sự tiếp cận công bằng của tất cả người dân trên thế giới với các dịch vụ điều trị. Như vậy, tiêu chí để chúng ta kết thúc đại dịch nó không phải là tiêu chí về số ca mắc không phải tiêu chí về số ca tử vong mà nó là các tiêu chí đánh giá về mức độ ứng phó toàn cầu đối với dịch bệnh để làm sao đảm bảo tất cả những trường hợp người dân bị bệnh có thể tiếp cận một cách bình đẳng và công bằng đối với các biện pháp điều trị.

PV: Thời điểm này, theo ông, đâu là những khuyến cáo cộng đồng cần thiết?

TS.BS Vũ Quốc Đạt: Chúng ta đã duy trì một cuộc sống bình thường và gần như là chúng ta không thấy sự hiện diện của Covid- 19 nữa có nghĩa rằng là ở cấp độ quốc gia, các ứng phó của quốc gia đã được giải tỏa một phần để cho người dân có thể tự do hơn. Nhưng tại thời điểm này thì các khuyến cáo dành cho cá nhân phải được đề cao, có nghĩa rằng mỗi người dân của chúng ta sẽ phải ý thức về vai trò, trách nhiệm cũng như là tự bảo vệ bản thân. Từng cá nhân sẽ phải có ý thức để bảo vệ thành quả chúng ta đạt được trong công tác phòng dịch Covid-19.

PV: Xin trân trọng cảm ơn TS.BS Vũ Quốc Đạt./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả