"Lì xì xong, tiền thưởng cuối năm cũng không còn!”
Nhiều người cho biết đã không ít lần nghĩ đến chuyện "trốn Tết" bởi áp lực mang tên "lì xì đầu năm".
Những ngày giáp Tết Nguyên đán là lúc các cuộc thảo luận về tiền lì xì dịp đầu xuân năm mới lại "nóng" dần lên.
Vốn là một trong những phong tục truyền thống, cũng là "hương vị năm mới" nhưng những năm gần đây, ở một số nơi, số tiền trong phong bao lì xì ngày Tết tăng cao không chỉ trở thành gánh nặng tài chính cho người lớn mà còn gây áp lực lớn cho không ít người trẻ.
"Lì xì xong, tiền thưởng cuối năm cũng không còn"
(Ảnh minh họa)
Đi thăm người thân, bạn bè trong dịp Tết Nguyên đán lẽ ra là một sự kiện vui vẻ nhưng Xuân Phương, 27 tuổi, lại cảm thấy khá đau đầu. Sinh ra ở 1 vùng quê nhỏ cách, Phương cho biết: "Trước đây, về cơ bản, mỗi dịp Tết đến mình chỉ được lì xì khoảng 10.000 - 20.000 đồng. Nhưng không biết từ khi nào, số tiền ấy nếu bỏ vào phong bao lì xì sẽ gây ra cảm giác... mất mặt vô cùng. Đó là áp lực rất lớn đối với tôi. Tôi chỉ vừa mới ra trường được vài năm, công việc cũng chưa thực sự ổn định nên tiền lương mỗi tháng không cao, chẳng có dư mấy đồng để tiết kiệm".
Không phải cô chưa bao giờ nghĩ đến việc cho ít hơn mà thực chất cũng khá lo lắng về việc bố mẹ sẽ không đồng ý: "Người lớn rất coi trọng thể diện nên tôi khá e ngại về vấn đề này". Thế nhưng, năm nào cũng thế, khoản thưởng Tết (1 tháng lương) của Phương chỉ đủ để lì xì. Các khoản chi còn lại cho dịp Tết lại phải cân đối vào khoản tiền khác.
Trong khi đó, bà Liên (66 tuổi) cũng bày tỏ: "Tôi chỉ là nông dân, kiếm tiền từ việc làm nông. Hiện có tổng cộng gần 20 cháu (cả trai lẫn gái) cho 2 bên nội - ngoại, họ hàng xa gần. Cuộc sống hàng ngày còn không đủ no nên mỗi dịp Tết đến cảm thấy rất lo. Lì xì nhiều thì không đủ điều kiện mà ít thì ngại vô cùng".
"Nếu không kiểm soát ngay lập tức, tiền lì xì Tết sẽ còn tăng lên và tạo thành 1 vòng luẩn quẩn"
(Ảnh minh họa)
Bên cạnh những người còn đang đắn đo về số tiền lì xì mừng Tết, cũng có 1 bộ phận người chọn thay đổi quan niệm và cách làm mới.
Đây là trường hợp của Thanh Minh đến từ Lạng Sơn. Năm nay, cô và các anh chị em trong nhà đã thống nhất chỉ mừng 50.000 đồng. Số tiền lì xì cho các cháu là như nhau. Những năm trước, Thanh Minh thường phải dành số tiền khá lớn để lì xì cho các em/cháu trong gia đình và họ hàng. Có những năm số tiền lì xì phải chi ra đã khoảng 10 triệu đồng. Đây là 1 số tiền không hề nhỏ, dù bạn đã lập gia đình hay chưa.
"Tôi có hơn chục đứa cháu. Có đứa mỗi năm chỉ được gặp 1 lần vào dịp Tết, thậm chí còn không nhớ tên. Nhưng tôi không thể không cho vì cảm giác áy náy và sợ bị chỉ trích. Nhưng năm nay tôi đã nói thẳng với họ về cách lì xì của tôi và người thân của tôi đều đồng ý. Bằng cách này, người lớn sẽ giảm bớt căng thẳng và trẻ em cũng rất vui khi nhận được lì xì. Chúng sẽ không còn so sánh nhau nữa", Minh nói.
Minh rất nhớ ngày Tết khi cô còn nhỏ: "Truyền thống ngày xưa là ai cũng được nhận lì xì vào ngày đầu năm mới. Điều đó được thực hiện như một lời chúc với nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Tôi mong có thể thực hiện được trong khả năng của mình và chúng ta cũng nên lì xì tới nhiều trẻ em nhất có thể. Để làm được điều này, buộc sẽ phải cân chỉnh số tiền trong mỗi bao lì xì. Nhưng tôi tin, bằng cách đó, các em sẽ không bị tước đi niềm hạnh phúc từ số tiền lì xì".
Theo quan điểm của Thanh Liêm (34 tuổi, Tuyên Quang), việc người lớn tuổi lì xì cho thế hệ sau là điều dễ hiểu, nhưng nên làm có chừng mực. Không so sánh, không chạy theo trào lưu, không đi quá đà: "Chúng ta có rất nhiều cách để bày tỏ sự quan tâm đến con trẻ. Nếu điều đó gây áp lực, gánh nặng cho bản thân và gia đình, thậm chí ảnh hưởng đến cuộc sống của chính bạn thì điều đó sẽ có hại nhiều hơn là có lợi".
Dẫu bạn chọn thế nào, cũng hy vọng chúng ta có thể quay về mục đích ban đầu của việc lì xì ngày Tết là gắn kết tình cảm, chuyển tải phước lành và trao đi yêu thương. Để Tết chỉ toàn là niềm vui, hãy chọn tất cả những gì phù hợp nhất với mình, bạn nhé!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường