24HMONEY đã kiểm duyệt
01/07/2021
Lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán
Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) hiện đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK).
Tại tờ trình về Dự thảo sửa đổi Nghị định số 156/NĐ-CP, Bộ Tài chính cho biết, ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 126/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
Hiện nay, với hệ thống văn bản pháp luật chứng khoán mới (Luật Chứng khoán 2019 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành) có số lượng quy định lớn, các hoạt động chứng khoán mới có sự thay đổi cơ bản, toàn diện so với hoạt động chứng khoán theo hệ thống pháp luật chứng khoán cũ (theo Luật Chứng khoán 2006).
Bộ Tài chính cũng cho rằng, trong quá trình triển khai áp dụng, TTCK sẽ phát sinh những hành vi, hoạt động sai lệch so với quy định pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK cần phải được xử lý kịp thời nhằm điều chỉnh hành vi, tác động đến ý thức tuân thủ pháp luật trên TTCK.
Bên cạnh đó, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được xây dựng đồng thời với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán 2019 có thể chưa lường hết các tình huống và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán cần quy định hành vi vi phạm và chế tài xử phạt tương ứng; một số hành vi của người hành nghề, tổ chức kinh doanh chứng khoán được quy định biện pháp xử lý hành chính tại pháp luật chứng khoán như rút giấy phép, chứng chỉ cũng đồng thời bị xử phạt tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP tạo sự trùng lắp. Qua thời gian thực thi trong đầu năm 2021, quy định mức xử phạt tiền đối với vi phạm nghĩa vụ báo cáo khi giao dịch của người nội bộ cần quy định cụ thể hơn để tạo thuận lợi cho việc áp dụng.
Trước thực tiễn trên, theo Bộ Tài chính, cần thiết phải nghiên cứu, rà soát việc áp dụng hệ thống pháp luật chứng khoán mới cũng như việc thực thi Nghị định số 156/2020/NĐ-CP để đánh giá những hành vi cần sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn hoạt động thị trường, đảm bảo xử lý đầy đủ các vi phạm về chứng khoán và TTCK.
Về nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định, theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Một là, sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xử phạt tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP theo Luật sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể: quy định xử phạt trong trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền trong trường hợp có tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ, nguyên tắc xác định thời hạn trong đình chỉ hoạt động/tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ khi có tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ; sửa đổi bổ sung hướng dẫn về xác định hành vi vi phạm hoàn thành.
Hai là, sửa đổi, bổ sung hành vi trong hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ để mô tả phù hợp hơn với quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về hoạt động chào bán, phát hành riêng lẻ như: hành vi công bố báo cáo sử dụng vốn, sử dụng tài khoản phong tỏa, xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán riêng lẻ, thay đổi mục đích/phương án sử dụng vốn, lựa chọn nhà đầu tư, thay đổi điều khoản trái phiếu...
Ba là, bổ sung hành vi không báo cáo về thay đổi phương án sử dụng vốn tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất trong chào bán ra công chúng; bổ sung hành vi về tài khoản phong tỏa trong phát hành thêm chứng khoán.
Bốn là, bổ sung hành vi về thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại
công ty đại chúng.
Năm là, sửa đổi, bổ sung một số hành vi trong quản trị công ty đại chúng về báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị, về đảm bảo số lượng cuộc họp, về báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát tại Đại hội đồng cổ đông, về đảm bảo cơ cấu và tiêu chuẩn thành viên của Ủy ban kiểm toán, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, về giao dịch với
người có liên quan...
Sáu là, bổ sung hành vi vi phạm về
cổ phiếu quỹ theo khoản 4 Điều 310 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP. Theo đó, các cổ phiếu quỹ đã mua trước ngày 01/01/2021 sẽ tiếp tục được mua bán, sử dụng theo quy định pháp luật chứng khoán cũ theo Luật Chứng khoán 2006 nên cần bổ sung chế tài xử lý tương ứng; sửa đổi một vài hành vi về chào mua công khai; sửa đổi cách dùng từ tại các điều khoản về hành vi vi phạm trong hoạt động quản lý tách biệt tài khoản, tài sản lưu ký, ký quỹ để bao gồm tài khoản ký quỹ bù trừ theo Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Bảy là, sửa đổi hành vi, từ ngữ tại phần xử lý vi phạm của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để đảm bảo thống nhất với các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019.
Tám là, sửa đổi Điều 33 quy định xử phạt vi phạm nghĩa vụ báo cáo về giao dịch của
cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan theo hướng chi tiết hơn mức phạt tiền đối với vi phạm của cổ đông nội bộ và người có liên quan.
Chín là, bổ sung 01 điều về việc công khai việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán để tạo thuận lợi trong áp dụng Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính (cách thức công khai việc xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán trước đây đã được quy định tại Thông tư số 217/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 36/2017/TT-BTC nhưng 02 Thông tư này đã hết hiệu lực thi hành).
Mười là, bổ sung 01 điều hướng dẫn về áp dụng hình thức đình chỉ giao dịch chứng khoán.
Hiện nay, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đang được Bộ Tài chính đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính để lấy ý kiến các cơ quan liên quan.
Bình luận