menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huỳnh Dương Bốn

Lập tổ công tác, TP.HCM có xử lý được các dự án “treo”?

 Nhiều dự án trên địa bàn TP.HCM đã “treo” quá lâu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. TP.HCM quyết định lập Tổ công tác rà soát các vấn đề tồn đọng, sau đó nâng cấp lên thành ban chỉ đạo xử lý các dự án treo...

Tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi với quận Bình Tân về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra vào chiều 25/11/2022, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết qua 10 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của quận có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả nổi bật.

Lập tổ công tác, TP.HCM có xử lý được các dự án “treo”?
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM: "Tổ công tác sẽ được nâng lên thành ban chỉ đạo của TP.HCM chỉ đạo các vấn đề tồn đọng về dự án treo” - Ảnh: LH.

Tuy nhiên, quận Bình Tân còn nhiều việc tồn đọng, khó khăn. Một số dự án nhà ở triển khai kéo dài, hầu hết các nền đất đã chuyển nhượng và xây dựng nhà ở nhưng chưa bàn giao hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thoát nước, chiếu sáng…); chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; các chủ đầu tư không kịp thời duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa.

Ông Nguyễn Minh Nhựt cũng cho biết thêm, trên địa bàn hiện có 2 dự án kéo dài trên 20 năm. Trong đó, dự án Khu công nghiệp Vĩnh Lộc rộng 112 ha có từ năm 1998, hiện còn khoảng 9,2 ha chưa bồi thường. Dự án không thực hiện nên ảnh hưởng đến người dân chưa giải tỏa.

Tương tự, dự án khu dân cư Vĩnh Lộc rộng 110 ha, hiện còn 10 ha chưa bồi thường.

Do đó, ông Nguyễn Minh Nhựt kiến nghị lãnh đạo TP.HCM xem xét, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án trên địa bàn quận.

Thông tin về 2 dự án “treo” ở trên, ông Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu quốc hội, cho biết phương án đền bù đã có từ năm 1999. Ông Nhân đề nghị UBND TP.HCM xin ý kiến Chính phủ cho giải pháp đối với dự án kéo dài hơn 20 năm nhưng chưa hoàn thành; lấy đó làm cơ sở cho các quận, huyện khác tại thành phố có dự án nào tương đồng thì định hướng làm theo.

“Các quận, huyện cần có tổ công tác xử lý quy hoạch “treo”, tìm mọi cách để vấn đề này kết thúc”, ông Nhân gợi ý.

Theo đó, hoạt động của tổ công tác này là 2 năm đầu chỉ cần thống kê hiện trạng các dự án “treo”, rồi tìm vấn đề của từng trường hợp, phân loại theo thẩm quyền giải quyết của địa phương hay của TP.HCM hay của Trung ương để tìm đúng nơi giải quyết dứt điểm.

Còn theo ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, sau hơn 20 năm, trải qua 4 nhiệm kỳ Quốc hội, cả 2 dự án trên đều chưa thể hoàn thành vì việc thu hồi đất gặp nhiều khó khăn. Với Khu công nghiệp Vĩnh Lộc còn 10% chưa giải toả do vướng mắc ở đơn giá bồi thường cho các hộ dân.

Trước thực trạng dự án “treo” quá lâu, ông Nguyễn Thoàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cũng đồng tình cho rằng cần có một tổ công tác của TP.HCM mới có thể giải quyết được, vì những tồn đọng này có từ năm 2002, không thể giải quyết một sớm một chiều.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu quận Bình Tân kết hợp với Sở Nội vụ bàn về mô hình này. Sau đó, giao Văn phòng UBND TP.HCM cùng Sở Nội vụ thành lập tổ công tác phối hợp với quận, huyện rà soát các vấn đề tồn đọng của địa phương rồi lên kế hoạch giải quyết.

"Tổ này sẽ được nâng lên thành ban chỉ đạo của TP.HCM chỉ đạo các vấn đề tồn đọng về dự án treo”, ông Mãi nhấn mạnh.

Ông Mãi cũng cho biết thêm quận Bình Tân có 44 dự án trong và ngoài ngân sách chưa thể hoàn thành, vì vậy, phải tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng để hấp thụ nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn xã hội cho phát triển kinh tế- xã hội của quận.

Được biết, trên địa bàn TP.HCM ngoài quận Bình Tân, huyện Củ Chi cũng có dự án Công viên Sài Gòn Safari đã treo hơn 10 năm chưa thực hiện gây bức xúc kéo dài; quy hoạch dự án Khu công nghiệp Bàu Đưng (xã An Nhơn Tây), diện tích 175 ha kéo dài từ năm 2006 đến nay; dự án khu công nghiệp Phước Hiệp (xã Trung Lập Hạ và Phước Hiệp), diện tích 200 ha được chấp thuận đầu tư từ năm 2010, nhưng không triển khai nên đã bị chấm dứt hoạt động.

Tại huyện Hóc Môn, dự án khu công nghiệp Xuân Thới Thượng (xã Xuân Thới Thượng), diện tích 300 ha và khu dân cư liền kề 80 ha được chấp thuận đầu tư từ năm 2010. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa có chủ đầu tư và chưa triển khai…

Trước đó, cuối năm 2020, UBND TP.HCM đã công bố công khai 108 dự án “treo” không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại