Lấp khoảng trống pháp luật trong xử lý nợ xấu
Trước xu hướng nợ xấu gia tăng, việc sửa đổi luật, văn bản dưới luật về công tác thi hành án kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập của quy định hiện hành, từ đó tháo gỡ phần nào khó khăn, vướng mắc trong thu hồi, xử lý nợ xấu.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 5/2024, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 833.300 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2023. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng bình quân của các tổ chức tín dụng ở mức 4,94%. Nếu tính cả nợ xấu nội bảng và nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 5/2024 thì tỷ lệ này là 6,9% (cuối năm 2023 là 6,91%). Nợ xấu tập trung chủ yếu tại một số tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Tính đến cuối tháng 5/2024, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 833.300 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2023
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống xử lý được 96.700 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro ở mức cao, chiếm 48,9% tổng nợ xấu được xử lý.
Thời gian qua, mặc dù cơ quan quản lý đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, thu hồi nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Tuy nhiên, do nền kinh tế thế giới và trong nước chưa thực sự hồi phục, thị trường bất động sản trầm lắng, nợ xấu vẫn có xu hướng tăng và việc xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trước thực trạng này, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho rằng, để giải quyết nợ xấu, không chỉ cần nỗ lực của riêng ngành ngân hàng mà cần phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó có sự tham gia của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự.
Thi hành án dân sự là hoạt động của Nhà nước nhằm đưa bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được thực thi trên thực tiễn. Đây là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người được thi hành án được xác định trong bản án, quyết định, đặc biệt các vụ việc thi hành cho các tổ chức tín dụng (chiếm khoảng 60% số tiền phải thi hành án toàn quốc).
Việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng góp phần tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cải thiện được thanh khoản, mở rộng tín dụng hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ.
Cũng theo bà Hà, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung ngay nhằm kịp thời tháo gỡ những rào cản từ Nghị định.
Theo Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 8/6/2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Dự thảo Luật Thi hành án dân sự dự kiến đưa ra trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông thường sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2026. Như vậy, từ nay đến khi Luật Thi hành án dân sự dự kiến có hiệu lực là 2 năm.
“Trong thời gian đó, để đáp ứng yêu cầu về việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mang tính cấp thiết trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự…, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ là yêu cầu cần thiết hiện nay”, bà Hà nhấn mạnh.
Việc sửa đổi luật, văn bản dưới luật về công tác thi hành án kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập của quy định hiện hành, từ đó tháo gỡ vướng mắc trong thu hồi, xử lý nợ xấu
Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực thi hành nhưng một số quy định không được kế thừa trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ từ các cơ quan công an, chính quyền địa phương trong việc thực thi quyền thu giữ tài sản đảm bảo của chủ nợ, càng khiến cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng khó khăn hơn.
“Các bộ ngành, Ngân hàng nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu; trong đó công tác tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ”, ông Ấn đề nghị.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng cho biết, thời gian qua, mặc dù Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan đã đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự các cấp, góp phần giúp các ngân hàng thu hồi các khoản nợ xấu. Song thực tế, tại các ngân hàng vẫn tồn tại nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, ảnh hưởng đến kết quả thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.
“Cụ thể, chúng tôi nhận được 292 vụ việc vướng mắc của 11 ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội; trong đó, vướng mắc do cơ quan có thẩm quyền thi hành án chậm đưa tài sản ra đấu giá hoặc bàn giao tài sản đấu giá cho người trúng đấu giá là 19 vụ; vướng mắc do cơ quan thi hành án chậm ban hành quyết định thi hành án là 9 vụ; vướng mắc do chưa có sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan có thẩm quyền là 19 vụ; vướng mắc do hiện trạng tài sản bảo đảm khác so với hồ sơ vụ việc là 25 vụ…”, ông Long chia sẻ.
Trong hai năm qua, Hiệp hội Ngân hàng đã có nhiều văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ. Theo đó, một số kiến nghị đã được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành tiếp thu sửa đổi tại các văn bản luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn thời gian qua và tại các dự thảo văn bản đang được lấy ý kiến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận