Lãnh đạo doanh nghiệp hiến kế phát triển công nghệ số
Các lãnh đạo FPT, VNPT, Viettel, MobiFone... sẽ nêu kinh nghiệm phát triển, nâng cao giá trị Việt Nam ở thị trường quốc tế, trong khuôn khổ VFTE 2022, ngày mai (8/12).
Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số (VFTE 2022) dự kiến thu hút 1.000 người tham dự, gồm lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành, công ty công nghệ. Hoạt động chính của sự kiện là hai phiên thảo luận sáng, chiều với phần trình bày tham luận từ 16 vị lãnh đạo từ các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức.
Phiên sáng có sự tham gia của ông Nguyễn Xuân Tân - Trưởng ban Chiến lược sản phẩm VNPT, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch CMC, ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập Ví MoMo. Các lãnh đạo nói về cách doanh nghiệp tăng tốc, phát triển nền tảng điện toán đám mây phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phổ cập thanh toán số.
Nối tiếp là hành trình sản phẩm Make in Viet Nam thành công trong nước và mở rộng, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Nội dung này chia sẻ bởi ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, ông Lê Minh Hà - Giám đốc Giải pháp quốc tế Tổng công ty giải pháp Doanh nghiệp Viettel (VTS), ông Hoàng Tuấn Hải - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VMO Holdings.
Ông Joseph Saib - Tổng giám đốc LLC (Mỹ) cùng đại diện Cục Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (NIPA) khép lại phiên sáng qua phần chia sẻ bài học phát triển thị trường trong nước và quốc tế.
Phiên chiều có sự góp mặt của ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng ban Công nghệ thông tin MobiFone, ông Phạm Lê Minh - Giám đốc điều hành khối IoT Điện Quang, ông Huỳnh Long Thủy - Tổng giám đốc VieON, ông Hồng Quốc Cường - Giám đốc Kỹ thuật Rynan Technologies Việt Nam, ông Phạm Lê Ngọc Châu - Giám đốc phát triển kinh doanh Mediatek Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam sẽ nói về giải pháp nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Ông Michael Hoo - Trưởng đại diện kỹ thuật khách hàng Google Cloud mang đến cơ hội hợp tác trên các nền tảng Google. Ngoài ra, ông Peter Huỳnh - CEO Sun Electronics Group nêu bài toán thu hút chuyên gia cao cấp nước ngoài để phát triển nền công nghệ số.
Phần tham luận từ các lãnh đạo mang đến bài học kinh nghiệm giá trị, góp phần giúp các doanh nghiệp công nghệ số nâng cao năng lực, phát triển mạnh mẽ ở thị trường trong nước cũng như quốc tế. Hiện nay, Việt Nam có 70.000 doanh nghiệp công nghệ số đã đăng ký thành lập và hoạt động. Doanh thu toàn ngành ước đạt 148 tỷ USD. So với năm ngoái, số doanh nghiệp công nghệ số đã tăng hơn 6.000.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số hiện nay không chỉ ở công cuộc chuyển đổi số quốc gia, mà còn thể hiện trong việc khai phá thị trường nước ngoài.
Ông Nghĩa cho biết có hơn 1.400 doanh nghiệp đã có sản phẩm đi nước ngoài. Trong khi các doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực đã đầu tư trực tiếp để phát triển mạnh mẽ về quy mô và tốc độ, doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu lựa chọn phương thức triển khai theo dự án cụ thể. Đây được đánh giá là bước khởi đầu tốt để các sản phẩm, giải pháp phần mềm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực và tiến ra thế giới.
Đây cũng là một trong những lý do Bộ Thông tin và Truyền thông chọn chủ đề "Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu" cho VFTE 2022. Sự kiện gồm ba hoạt động chính: phiên thảo luận; trao giải Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022; và triển lãm giải pháp số Make in Viet Nam tiêu biểu.
Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là chương trình thường niên do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Ở năm thứ tư, VFTE 2022 hướng tới thúc đẩy quá trình triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu kép: phát triển đồng bộ ba trụ cột - Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận